Bài PV độc quyền của Lê Thị Huyền Anh dành cho VietNamNet để nói thật về cuộc đời mình. “Đây là lần đầu tiền và cuối cùng em kể về gia đình mình. Tương lai của em phải là người đàn ông giàu, em không ngu đi yêu mấy anh nghèo".
Tương lai của tôi phải là người đàn ông giàu, không ngu đi yêu mấy anh nghèo
Chị có thấy phải trả giá quá nhiều cho “sự nổi tiếng ảo” không?
Tôi không phải nổi tiếng mà là tai tiếng. Lúc đầu tôi muốn nổi tiếng nhưng ai ngờ lại thành thảm họa tai tiếng. Khi làm clip, đi hát, tôi nghĩ mình dễ thương, đẹp, nhưng không ngờ lại bị chê xấu và lên án như vậy.
Ảnh: Trang Zen |
Tai tiếng như vậy, sao chị vẫn lao vào?
Cái gì cũng có cái giá của nó, không phải qua một đêm muốn nổi tiếng là nổi tiếng. Tôi cảm thấy mình mất mát quá nhiều, không biết có gia đình nào có thể chấp nhận một người con dâu như tôi không. Rất nhiều người không thông cảm cho tôi, họ nghĩ tôi là gái lẳng lơ. Hàng xóm nhà tôi cũng có một đứa con như vậy, ba mẹ bị xúc phạm rất nhiều. Còn mẹ tôi cũng định từ mặt tôi nhiều lần rồi, mỗi lần tôi định đăng tải các clip lên mạng thì bà lại xin tôi đừng làm. Bà sợ phải đọc những bình luận đau lòng người ta chửi bới, thoá mạ tôi và gia đình.
Chị bất chấp những lời công kích để được gì?
Những cái được về vật chất như là có nhiều lời mời tôi làm quảng cáo, nhiều chàng trai hỏi “có muốn làm bạn gái anh không… Nếu tôi bước chân vào showbiz cũng không còn khó như trước đây nữa vì ai cũng biết đến mình rồi, nếu ra sản phẩm cũng dễ dàng được mọi người xem hơn, có thể tiến thân hơn.
Chị sống bản năng và suy nghĩ đơn giản nhỉ?
Tôi sống cho bản thân, cứ nghĩ là mình nổi tiếng rồi sẽ dễ dàng đóng phim hoặc ca hát vì được nhiều người biết đến, nhưng đó chỉ là ý nghĩ ban đầu. Còn bây giờ, tôi nghĩ mình nổi tiếng thì sẽ được đại gia để ý, vậy thì càng tốt.
Chị thiếu tiền đến mức ấy?
Không ai thiếu, không ai thừa tiền hết. Tôi không dư tiền cũng không thiếu thốn. Một tháng tôi tiêu 3,4 triệu đồng là cùng, suốt ngày ở trong nhà nấu cơm rửa bát không đi đâu cũng được, tôi cũng chẳng dùng đồ hiệu như nhiều người khác… Nhưng có nhiều tiền chẳng vui hơn sao?
Chị nói chỉ tiêu 3, 4 triệu / tháng nhưng đồ chị mặc lại tố cáo chị xài hàng hiệu?
Chiếc đồng hồ này của một chị gái tặng, giá khoảng sáu mươi mấy triệu đồng. Đôi bông tai có hơn 5 triệu đồng thôi, riêng đôi giày là hàng hiệu nhưng mới được trai tặng cho chiều tối qua. Cái này hôm qua trai quẹt thẻ, nói tôi cầm 4 cái thẻ mua gì thì quẹt, mà không biết chọn cái gì nên chỉ lấy có đôi giày. Họ là đại gia có tiếng nhưng nhìn quê quê lắm, y như ba tôi hồi xưa. Lúc 2 đứa vào Tràng Tiền Plaza, tôi thấy đôi giày gần bốn mươi triệu đồng nên nói với trai là “thôi đi ra đi anh”. Tính tôi thương bạn trai.
Tôi toàn gặp những trai giàu, có tiếng này nọ nhưng chưa phải lúc tôi thuộc về họ. Tương lai của tôi phải là người đàn ông giàu, tôi không ngu đi yêu mấy anh nghèo như ngày xưa đâu.
Mang vật chất tới là “mua” được tình cảm của chị à?
Tôi nghĩ đó là cái giá của phụ nữ đáng được nhận, chẳng hạn nếu tôi quen một người đàn ông có tiền cho tôi, đó là cái xứng đáng với những tình cảm tôi bỏ ra. Phụ nữ luôn bị thiệt thòi, dù có được tiền đi chăng nữa.
Đàn ông đi lại với nhiều cô nhưng không bị hư người, phụ nữ đi lại với nhiều người là bị hư người, tàn sắc ngay. Phụ nữ bị như vậy còn bị người đời gọi là “đĩ”, nhưng đàn ông lại mang tiếng là “hào hoa”.
Nghe có vẻ cay nghiệt?
Tôi cay nghiệt với đàn ông thôi. Đến bây giờ tôi vẫn đang ở dưới vực thẳm, dù người khác thấy tôi mạnh mẽ nhưng thật ra tôi vẫn mất niềm tin vào đàn ông.
Ngày xưa, tôi vừa có tình cảm với một anh sinh viên nghèo thì lên giường, chưa hẳn là yêu. Lúc đấy tôi 16 tuổi, anh ta nghèo. Yêu nhau vài ba năm, anh ta lừa dối tôi cặp kè cô khác. Tôi thấy tiếc trinh tiết hơn, cho anh ta rồi mà chẳng nhận lại được gì. Anh ta bỏ tôi như bố tôi bỏ mẹ tôi vậy đó.
Đàn ông đâu chỉ cần một con búp bê biết làm tình
Sau khi chị nổi tiếng bởi tai tiếng, có ai tặng chị đồ hiệu dù chỉ cần 1 lần hẹn hò với chị?
Hiện tại chưa có ai mời tôi như thế cả, có thể mối quan hệ của tôi còn ít nên không có điều kiện được gặp đại gia tốt.
Ảnh: Trang Zen |
Nhiều người hiểu lầm đàn ông đến với phụ nữ chỉ để thỏa mãn nhu cầu sex (làm tình) thôi. Không phải đâu, họ đâu chỉ cần một con búp bê biết làm tình!
Chị hy vọng gì ở những người đàn ông mà mình sẽ quen?
Hiện tại tôi chưa yêu ai, tôi hy vọng một người đàn ông có đầy đủ vật chất, tài giỏi, thương tôi là được rồi. Người ấy không cần phải giàu mà chỉ cần giúp đỡ tôi trong những lúc khó khăn, luôn ở bên cạnh. Trước đây tôi chưa từng yêu người đàn ông giàu nào, bạn trai của tôi chỉ là những anh chàng sinh viên mới ra trường, khi đi làm họ bỏ rơi tôi. Có thể anh ta thấy hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly dị, tôi lại còn nhỏ, chưa học đến nơi đến chốn nên họ chán. Tôi không còn niềm tin vào đàn ông.
Không có niềm tin vào đàn ông thì chị rất khó hy vọng sẽ có người đàn ông yêu mình?
Tôi nghĩ chỉ cần thương vừa đủ. Yêu chân thật ư? Tôi không còn niềm tin nữa, quen chỉ quen vậy thôi. Tôi không nghĩ một ngày mình sẽ có gia đình hạnh phúc, tôi chỉ nghĩ có một công việc ổn định, sinh một đứa con, tự do tự tại.
Chị lấy chuẩn mực gì làm thước đo người đàn ông mình có thể quen?
Lấy tiền bạc và tình cảm. Tôi không cần người quá si tình với mình, chỉ cần một người trách nhiệm. Chẳng hạn người đàn ông đó muốn cưới và có con với mình họ phải có trách nhiệm lo cho con cái.
Tôi sợ nhất người giống ba mình, mẹ lo cho ba hết nhưng ba vẫn có thể bỏ rơi mẹ như vậy, đó là điều tôi chưa từng ngờ đến.
Phụ nữ sống thoáng như chị chắc đàn ông nước ngoài sẽ thích?
Tôi không thích trai Tây, tôi chỉ thích trai Việt Nam hiền lành. Dù tôi cá tính nhưng lại thích người đàn ông nguồn gốc Việt, có địa vị xã hội để họ có thể gõ đầu được tôi.
Nhưng tai tiếng của chị sẽ khiến ước mơ “lấy chồng Việt mà giàu” rất khó?
Yêu là một chuyện, lấy là một chuyện, đến công khai là một kiểu và giữ kín cũng là kiểu khác, nếu họ không công khai thì có thể giữ kín mà. Tôi không muốn yêu một người nghèo như trước đây, để rồi khi có của họ cũng bỏ tôi mà đi.
Đàn ông giàu chắc gì không bỏ chị mà đi?
Nhưng họ sẽ bỏ lại đống tiền cho tôi.
Giảng viên Tâm lý học Thanh thiếu niên và Trẻ em (Trường ĐH KHXH&NV), Đặng Hoàng Ngân: Huyền Anh mất niềm tin vào chính mình Chị nghĩ sao về hiện tượng về cô gái sinh năm 1993 có nickname Bà Tưng mà truyền thông Việt Nam lên án trong suốt thời gian qua? Những gì khác với điều thông thường và đi theo xu hướng trái với những chuẩn mực được xã hội cho phép thì thường bị phê phán, thậm chí lên án. Tuy nhiên, nếu coi “Bà Tưng” là một “hiện tượng” thì tôi nghĩ rằng truyền thông Việt Nam có lẽ đang tỏ thái độ hai chiều: một mặt, lên án như chị nói, mặt khác, dựa vào từng cập nhật của cô gái mang tên Huyền Anh để bình luận, đăng tải các thông tin thu hút sự chú ý của nhiều người (trong đó phần lớn là giới trẻ). Tôi có thể tóm gọn một cách đơn giản thái độ này là vừa ghét vừa yêu. Phần ghét thì quá rõ, phần yêu thì liệu những người thường xuyên theo dõi “Bà Tưng” có thừa nhận không thôi. Hiện tượng nào còn được quan tâm, có nghĩa là người xem/đọc vẫn còn muốn nhìn thấy hiện tượng hay con người trong hiện tượng đó. Hiện tượng chụp nude để nổi, gây scandal để nổi, nổi cũng chỉ để kiếm tiền... ở trong giới showbiz là chuyện không lạ. Những người trẻ bước chân vào showbiz chỉ có chút tài, tiền, nhan sắc, không ít người trong số họ chọn sự nổi tiếng bằng scandal lộ hàng, khoả thân, chụp nude. Theo chị, đó có phải là góc nhìn lệch lạc về nghề, về cách kiếm tiền, về nhân cách của chính bản thân những người ấy?Tôi nghĩ rằng có hai vấn đề đang được đặt ra. Thứ nhất là tiền: khi tiền trở thành thứ có thể bù lấp mọi khoảng trống thì có nghĩa là con người, rộng hơn là xã hội đang bị thiếu hụt, trống rỗng. Xã hội đang phát triển quá nhanh, những giá trị có thể quy đổi thành tiền là thứ người ta nhìn thấy nhanh hơn là cảm thụ các giá trị tinh thần. Xu hướng này không thể ngừng lại được nếu như con người, đặc biệt là thế hệ trẻ không nhận được sự giáo dục định hướng giá trị. Thứ hai là tại sao khỏa thân mới nổi nhanh, mới tạo ra nhiều sự chú ý? Liệu có phải những yếu tố bản năng tình dục – điều từ trước đến nay vốn là cấm kị - đang được “vượt rào”, bởi lẽ mỗi con người đều có nhu cầu tìm hiểu về những thứ đang được che đậy? Càng cấm thì càng cứ. Một khi chủ đề tình dục còn chưa được đề cập, trao đổi với thế hệ trẻ một cách thẳng thắn, lành mạnh thì vô vàn biến tướng còn có thể phát sinh. Như chị đã đọc, câu chuyện gia đình Huyền Anh thường gây nên những hậu quả nghiêm trọng như thế nào với con cái trong gia đình? Xung đột trong các mối quan hệ gia đình sẽ để lại những hậu quả tiêu cực lên đời sống tâm lý của con cái. Khi xung đột gia đình còn chưa được giải thích hợp lý và được con cái chấp nhận thì nguy cơ lớn là đứa con sẽ mang nặng tổn thương tâm lý của thế hệ đi trước và lặp lại cuộc đời của chính cha mẹ mình. Trong suốt quá trình phát triển, trẻ trai luôn tìm cách làm cho hình ảnh của mình giống với người cha, tìm kiếm yêu thương từ người mẹ; trẻ gái có xu hướng đồng nhất hóa với mẹ và tìm kiếm sự yêu thương từ cha. Bên cạnh đó, người cha trong gia đình giữ vai trò biểu tượng của quyền lực và là người đặt ra các giới hạn cho con cái: những gì con được phép hay không được phép làm. Do đó, việc thiếu vắng biểu tượng người cha sẽ khiến cho đứa trẻ gặp khó khăn khi thực hiện, tuân thủ các yêu cầu, đòi hỏi mang tính nguyên tắc. Điều này lý giải cho việc một số thanh thiếu niên có các hành vi nguy cơ, vượt qua các giới hạn cho phép hoặc đi quá các chuẩn mực được xã hội chấp nhận (tự sát, phạm tội, quan hệ sớm, bỏ ăn tâm lý, và nhiều hành vi khác cũng thuộc nhóm nguy cơ). Hơn nữa, ước muốn nhận được tình yêu từ cha hoặc/và mẹ là muôn thuở ở mỗi đứa con. Trong trường hợp đứa trẻ không vượt qua được sự bỏ rơi về mặt tình cảm, trẻ sẽ có nguy cơ thường trực sống trong lo hãi bị bỏ rơi, không chỉ với cha hay mẹ mà còn với các hình ảnh thay thế (chẳng hạn: vợ/chồng sau này, người yêu,…). Sự lo hãi này khiến cho cá nhân không dám hoặc từ chối bước vào một mối quan hệ có tính chất kết nối, luôn có cảm giác đồng thời yêu và hận đối với đối tượng mà mình nảy sinh tình cảm. Bên cạnh đó, cá nhân luôn muốn có lại được cảm giác yêu thương đã bị mất với cha/mẹ nên có thể có những hành vi lôi kéo sự chú ý của cha/mẹ hoặc các hình ảnh thay thế mà thậm chí cá nhân đó không ý thức được về ý nghĩa thực sự của các hành vi lôi kéo chú ý kia. Để trở lại sống một cuộc sống bình thường như bao người khác, Huyền Anh có cần phải điều trị tâm lý hay không? Sự hỗ trợ về mặt tâm lý là cần thiết đối với mọi cá nhân gặp khó khăn tinh thần, rối nhiễu trong cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ một người có thể trả lời câu hỏi rằng có cần can thiệp tâm lý hay không, đó chính là chủ thể - người nắm rõ vấn đề của mình nhất. Xin cảm ơn chị! |
Từ Nữ Triệu Vương
Kỳ tiếp: Sự thật chưa từng công bố về gia cảnh bà Tưng