- Ngay khi nghe tin về dịch bệnh đau mắt đỏ, nhiều trường mầm non đã tăng cường công tác rà soát học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, đồng thời cho các cháu nghỉ học để tránh lây lan...
Cả nhà đau mắt đỏ
Bắt đầu từ cậu con trai 2 tuổi đi học mang theo dịch đau mắt đỏ về nhà cách đây 1 tuần, cho đến bây giờ, gần như tất cả mọi người trong gia đình từ ông bà, cho đến 2 vợ chồng đều lần lượt bị đau mắt. Cứ người này khỏi lại đến người kia. anh Trịnh Quang Huy (Tân Mai - Hoàng Mai - Hà Nội) hài hước cho biết: “Có hôm, ngồi ăn cơm mà cả nhà phải đeo kính đen".
Cùng chung trình trạng như gia đình anh Huy, chị Huyền (Tăng Bạt Hổ - Hai Bà Trưng - Hà Nội) cũng vừa trải qua đợt dịch cho biết: “1 tuần trước, khi phát hiện 1 chị trong cơ quan bị đau mắt đỏ, mình đã chủ động không lại gần, đồng thời tránh dùng chung các vật dụng khác với chị đồng nghiệp đó. Không ngờ, cuối cùng mình vẫn dính bệnh. Đã vậy khi lôi bệnh về mình còn lây lan cho cả chồng và con, khiến 2 vợ chồng phải nghỉ việc, con phải nghỉ học để ở nhà để chữa trị”.
Tại khu tập thể Đến Lừ - Hoàng Mai, nhiều người dân cũng cho biết, trong khu vực, hiện tại có rất nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ. Do vậy, những gia đình chưa có người mắc dịch đều "cuống cuồng" phòng bệnh.
Tiết lộ bí quyết phòng tránh đau mắt đỏ, chị Ngô Thị Thanh (Khu tập thể Đền Lừ - Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết: "Bình thường mình vẫn gửi con để đi làm, nhưng ngay khi nghe tin có dịch, mình đã chủ động cho cháu nghỉ ở nhà để tránh dịch, bởi vì, ở lớp học với khá đông các cháu nhỏ chính là môi trường rất dễ để các cháu lây lan bệnh. Đồng thời, mình cũng tiến hành nhỏ thuốc mắt phòng bệnh cho cả gia đình, nhắc nhở cả nhà hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Do vậy, dù ở cơ quan, có nhiều người phải xin nghỉ vì đau mắt đỏ, nhưng gia đình mình đến giờ vẫn "an toàn".
Phát hiện bé bị đau mắt đỏ, nhà trường thường động viên gia đình cho bé nghỉ ở nhà để điều trị đến khi khỏi hẳn, tránh lây lan cho các bé khác. Ảnh: Vũ Lụa |
Trường mầm non cuống cuồng chống dịch
Theo khảo sát của PV tại các trường mầm non (hệ công lập và ngoài công lập) trên địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy, có 8/10 trường mầm non cho biết, trên địa bàn trường đã xuất hiện các trường hợp đau mắt đỏ.
Cụ thể: Tại trường mầm non Hương Dung (Lê Thanh Nghị - Hai Bà Trưng – Hà Nội) ông Lê Văn Ánh - hiệu trưởng nhà trường cho biết, cả trường đã ghi nhận 3 trường hợp đau mắt đỏ. Tuy nhiên, cả ba trường hợp này đều được các cô giáo phát hiện ngay từ khi đón các cháu tại cổng nên đã lập tức trao đổi và đề nghị gia đình đưa cháu về điều trị để tránh lây lan sang các cháu nhỏ khác.
Tại trường mầm non Hoàng Văn Thụ (đường Hoàng Mai - Hai Bà Trưng - Hà Nội), trong sáng thứ 2 đầu tuần cũng đã phát hiện 2 trường hợp bị đau mắt đỏ.
Một cô giáo của trường cho biết, khi tiến hành rà soát các cháu, giáo viên của trường đã phát hiện 1 cháu nhỏ bị đỏ rõ ràng và 1 trường hợp nghi đỏ.
Ngay lập tức cả 2 cháu nhỏ này đều được các cô đưa đến phòng y tế của trường để cách ly, sau đó thông báo cho gia đình đến đón các cháu về. Đồng thời tiến hành các biện pháp khử trùng và thông báo đến toàn trường về tình hình dịch bệnh để các giáo viên trong trường nắm thông tin và phát hiện sớm bệnh ở các cháu.
Tại 1 trường mầm non trên phố Huế, chị Trịnh Thị Ngọc Liên, người phụ trách quản lý của nhà trường cũng cho biết. Ngay khi nghe tin dịch bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội, nhà trường đã nhắc nhở các giáo viên cẩn thận trong công tác theo dõi các cháu nhỏ.
Tuy nhiên, cho đến chiều thứ 6 ngày 20/9 nhà trường mới phát hiện 1 trường hợp cháu bé 33 tháng tuổi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ với biểu hiện: hơi đỏ ở mắt và xuất hiện gỉ mắt.
Khi đó, các cô giáo đã tiến hành mua thuốc nhỏ mắt cho cháu đồng thời, buổi chiều khi phụ huynh đến đón con, các cô giáo cũng đã trao đổi tình trạng của cháu nhỏ để gia đình tiện theo dõi. Sau đó, khi biết cháu bị đau mắt đỏ, nhà trường cũng động viên gia đình cho cháu nghỉ ở nhà để điều trị đến khi nào cháu khỏi hẳn.
Song song với đó, nhà trường cũng tiến hành mua thuốc nhỏ mắt dự phòng, có dán tên từng cháu để nhỏ mắt đề phòng bệnh cho các cháu.
"Đau mắt đỏ là bệnh lây lan rất nhanh, do vậy khi phát hiện cô giáo hay 1 cháu nhỏ nào có dấu hiệu bệnh, nhà trường sẽ yêu cầu nghỉ để tránh lây lan sang các trường hợp khác" - chị Liên nói.
Chưa lây bệnh, càng lo Chị Như Ngọc, phụ huynh gửi con ở Trường mầm non Việt Hưng (Long Biên, HN) cho biết cách đây gần 2 tháng con chị cũng bị đau mắt đỏ, ở lớp cháu cũng có một vài bạn bị nhưng may mà dịch không lây lan vì nhà trường đã chủ động phòng ngừa. “Thời điểm đó có khoảng 10 cháu bị rải rác ở các lớp. Nhà trường cho bé nhà tôi nghỉ học 1 tuần. Tôi thấy cứ hai ngày các cô lại lau dọn phòng học, thay toàn bộ khăn mặt cho các cháu. Nên khoảng 1 tuần sau cháu nhà tôi đi học lại, không thấy có hiện tượng gì nữa, các bạn trong lớp cũng không thấy bị”, chị kể. Bên cạnh đó, một số trường vẫn chưa chủ động ứng phó với dịch. Thậm chí nhiều trường còn “giấu nhẹm”, vẫn nhận trông các cháu bị bệnh, làm lây lan sang các cháu khỏe. Chị Nga, gửi con ở một trường mầm non khu vực Dịch Vọng Hậu bức xúc: “Con mình cũng vừa bị đau mắt đỏ đây, lây từ một bạn học cùng lớp. Lớp có bé bị bệnh mà cô giáo không thông báo, cho bé ấy nghỉ học, giờ lây sang mấy bạn nữa rồi. Hai vợ chồng mình đang sẵn sàng chờ đón bệnh đây, con bị thì bố mẹ sao mà tránh khỏi”. Chị Thúy, gửi con ở một trường mầm non trong ngõ 110 Trần Duy Hưng cho biết, ở trường chưa thấy có cháu nào bị mắc bệnh. Nhưng chị rất lo lắng vì cô giáo chủ nhiệm của con vừa mắc bệnh. “Không thấy nhà trường thông báo gì cả. Cũng chưa thấy biện pháp gì phòng ngừa bệnh nên mình rất lo lắng”, chị Thúy chia sẻ. Chị Thúy cũng cho biết, nếu ở trường có nhiều cháu bị bệnh chị sẽ cho con nghỉ ở nhà để tránh lây lan. Tuy nhiên, nếu cho con nghỉ thì chị lại không biết gửi con ở đâu để đi làm. K. Minh |
Vũ Lụa