Khi trẻ, mỗi lần vợ chồng có mâu thuẫn, cãi cọ, cơ hội để cả hai tìm kiếm những thú vui riêng giải tỏa căng thẳng khá nhiều. Khi về già, cả vợ lẫn chồng đều “khó tính” hơn, tính xấu bộc lộ ra hết, nếu không chịu đựng được nhau thì chuyện vợ chồng già ly thân, một nhà hai niêu hoặc kéo nhau ra tòa ly hôn cũng là điều không quá khó hiểu.

Cãi cọ vì làm nhau “ngứa mắt”

Chuyên gia tư vấn tâm lý, TS. Đinh Đoàn cho biết, trước đây người ta thường cho rằng những đôi vợ chồng trẻ người non dạ, thiếu kỹ năng sống mới ly hôn nhưng hiện nay, tình trạng “trẻ nết na, già hư hỏng” không phải hiếm. Nhiều cặp vợ chồng sống với nhau từ thời bao cấp, bao nhiêu khó khăn đều cùng nhau vượt qua nhưng đến lúc già lại “dở chứng” và rất khó hòa hợp. Có những ông chồng sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, ít học, gia trưởng, về già lại thêm rượu chè cờ bạc nên khó bắt nhịp với cuộc sống mới, nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng. Lại có những người hậu về hưu tính tình cáu bẳn, hay gây sự với vợ…. Tỷ lệ người già ly hôn ngày càng nhiều. Nếu như người trẻ ly hôn vì ngoại tình, kinh tế thì lý do chính khiến vợ chồng già “rẽ đôi” chủ yếu là do mâu thuẫn lối sống, thói quen và tính cách.

{keywords}
Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn

Ông N.V.Đ. (Hà Nội) từng làm Giám đốc của một công ty, trong tay có hàng nghìn quân, “nói có người nghe, đe có người sợ”. Vì công việc, ông thường xuyên tiếp xúc với những đối tác nữ trẻ trung, xinh đẹp có người chỉ đáng bằng tuổi con gái ông nhưng lúc nào cũng xưng “anh, em” ngọt xớt, không thì ít ra quanh ông cũng còn vô số nhân viên nữ, cô kế toán trẻ đẹp… Từ ngày về hưu, thời gian rảnh quá nhiều trong khi chỉ quanh đi quẩn lại trong nhà, chạm mặt suốt ngày với bà vợ già nên ông khó tính hẳn. Hai vợ chồng thường xuyên bất đồng “mấy chuyện không đâu” rồi cãi cọ, trục trặc. Bà sống không sung sướng gì nhưng vẫn cố gắng nhịn ông.

Ông bà có cô con gái lấy chồng ở Bình Dương mới sinh em bé nên điện thoại ra bảo bà vào chăm cháu. Bà chán cãi nhau với ông lắm rồi lại cũng vì thương nhớ con cháu nên muốn vào đó một thời gian để hai người tạm thời tách xa nhau ra. Thế nhưng khi vừa nghe bà đề cập chuyện đó, ông đã gạt phắt đi, dọa nạt: “Bà mà vào đấy mất chồng thì đừng trách”. Biết mẹ ở thế khó, các con bà liên tục điện thoại thúc giục: “Mẹ kệ ông ý, mai này ốm đâu nằm ra đấy có mà ma nó đến nó hầu. Bây giờ còn khỏe thì cứ cho đi đi, không mất được đâu”. Bà nghe thấy vậy thì cũng sợ, cứ dùng dằng nửa ở nửa đi.

Theo T.S Đinh Đoàn, khi còn trẻ, hàng loạt nỗi lo mưu sinh, con cái, mua nhà mua cửa… đã phần nào lấn át đi các mâu thuẫn tính cách cá nhân giữa hai vợ chồng, giờ có tuổi rồi, giàu cũng không giàu được nữa, không có việc gì để làm, hai vợ chồng cứ ra bước vào bước là lại chạm mặt thì sẽ khó tránh tình trạng đôi bên “ngứa mắt”. Mặt khác, việc về hưu thường sẽ mang lại một cú sốc cho người trong cuộc. Ở nước ngoài, để người về hưu không bị hẫng, họ tổ chức lớp học cho người chuẩn bị về hưu, hướng dẫn người đó tìm việc làm thêm: nhận dự án ngoài, viết sách…, từ đó giúp người già tập trung công sức vào đó và không thấy mình đang chức tước, bận rộn bỗng trở nên vô dụng.

“Lúc nào mày cũng chỉ mong ông chết sớm”

{keywords}
Ảnh minh họa

Bà T.N. (67 tuổi, Hưng Yên) thì đã quyết định ly thân sau quãng thời gian dài chịu đựng tính cách “khó ưa” của chồng. Chồng bà vốn là người gia trưởng, càng về già tính cách gia trưởng càng “phát tiết” ra hết. Ông còn rất mê rượu, bữa cơm nào ông cũng phải uống ít nhất một ly rượu, hôm uống nhiều là ông say xỉn, lôi hết bố mẹ, họ hàng bà ra chửi.

Mấy người con bà đều lên Hà Nội buôn bán, bà ở quê cùng ông chăm 4 đứa cháu nội, mỗi lần ông lên cơn say, chửi bới, đập phá đồ đạc là mấy bà cháu rúm ró vì sợ. Có lần ông say rượu, bước hụt bậc thềm trước nhà, trán bị đập xuống mặt sân nên chảy máu. Bà đang uất nghẹn vì bực, vì tủi thân song vẫn phải cố gắng nhịn nhục chạy lại giúp ông cầm máu vết thương. Ấy vậy mà sáng hôm sau ông còn sinh sự cho rằng bà thấy ông say nên cố tình đẩy cho ông ngã. Liền đó ông còn buông một câu: “Lúc nào mày cũng chỉ mong ông chết sớm”.

Không thể chịu đựng thêm tính cách của chồng, bà quyết định ra ở riêng. Bà với mấy đứa cháu tự nấu nướng, ăn uống và chăm sóc cho nhau còn ông với số lương hưu hàng tháng thì cũng tự lo cho bản thân, cả hai vẫn chạm mặt nhau hàng ngày nhưng dường như không có sợi dây nào liên hệ.

Từ thực tế quá trình tư vấn hôn nhân, T.S Đinh Đoàn thấy rằng các cặp đôi lớn tuổi thường có xu hướng “một nhà hai niêu”, ly thân trước khi ly hôn. Có trường hợp con thương mẹ nên đưa mẹ đến ở cùng còn mặc kệ bố cứ ở nhà cũ.

Đặc biệt, chuyện hòa giải cho các cặp vợ chồng già không hề dễ dàng. Anh cho biết: “Truyền thông cho các cụ khó lắm, các cụ bảo thủ, có nói kiểu gì các cụ cũng không nghe, thậm chí có thể còn quát lên: “Tao ngần này tuổi rồi còn cần mày dạy à”.

Theo anh, vấn đề ở đây là xã hội phải hướng tới việc tạo ra nhiều việc làm cho các cụ, tạo điều kiện cho các cụ tham gia vào các hoạt động của địa phương, xã hội để bớt chán và thấy mình có ích. Các hoạt động này thường không có lương hoặc được phụ cấp rất ít, nhiều cụ bà thường phàn nàn chồng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng thực chất đây chính là một cách tốt để giải tỏa tâm lý tuổi già, khiến các cụ có niềm say mê, vui vì vị trí, vai trò của mình được công nhận chứ không phải dạng bỏ đi. Đồng thời, nên khuyến khích các cụ tập thể dục, tham gia CLB thơ, văn, hạn chế thời gian ngồi không, vợ chồng già chạm mặt nhau quá nhiều dễ gây ra tranh cãi.

Phương Linh