Trước dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định cấm nhà ở làm nhà nghỉ, rất nhiều người dân đã tỏ ra bức xúc, thậm chí có người còn đặt câu hỏi, “thời nhà nghỉ có nhiều “tai tiếng” sao không cấm? bây giờ những nhà nghỉ trở nên thiết thực hơn sao lại cấm ?”
Nhà nghỉ đâu chỉ là nơi tụ tập, bồ bịch
Gần 2 chục năm kinh doanh nhà nghỉ, từng đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách, bà Hoàng Thị Vy, chủ 1 nhà nghỉ trên đường Giải Phóng Hà Nội cho rằng, quy định cấm như trên là hết sức vô lý.
Theo bà Vy: “trong suốt 2 chục năm kinh doanh nhà nghỉ, những người đến thuê phòng không chỉ có các đôi trai gái bồ bịch, đĩ điếm, mại dâm, tụ tập hút hít, bài bạc... mà còn có cả những người đi công tác nhưng không có người thân hoặc không được cơ quan bố trí nhà ở. Họ phải tự thuê phòng để nghỉ ngơi. Những khách du lịch về thăm Hà Nội, hay những gia đình đưa con đi thi cao đẳng, đại học, họ cũng thuê luôn nhà nghỉ gần địa điểm thi để đi lại cho tiện”.
“Vì vậy, bây giờ, nếu nhà nước cấm hết những nhà dân kinh doanh nhà nghỉ, thì những nhóm khách như trên biết ở đâu? Hay lại phải quay về nhờ vả người thân, hoặc thuê phòng nghỉ ở nơi xa tít tắp, không thuận tiện cho việc đi lại, chơi bời, học hành thi cử ?” – bà Vy đặt câu hỏi.
Hơn nữa, theo quan sát của bà Vy, “nếu như cách đây khoảng chục năm, khách đến thuê nhà nghỉ nhất là những khách thuê theo giờ phần lớn là các đôi trai gái tìm nơi “tâm sự”, thì mấy năm trở lại đây, khách du lịch, khách đi công tác đến thuê phòng lại chiếm số lượng nhiều hơn. Nhất là vào các mùa thi đại học, cao đẳng”
Nhiều người dân tỏ ra bức xúc trước dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định cấm nhà ở làm nhà nghỉ |
Cùng chung nỗi bức xúc như bà Vy, anh Nguyễn Văn Thắng quản lý 1 nhà nghỉ thuộc quận Hai Bà Trưng – Hà Nội cho biết: “mấy năm trở lại đây, việc kinh doanh nhà nghỉ trở nên khó khăn hơn. Số lượng khách đến không nhiều như 6, 7 năm về trước. Thỉnh thoảng lắm mới có dịp “cháy phòng”. Mà thường những dịp cháy “phòng đó” đó là những dịp, phụ huynh đưa con lên thi đại học, cao đẳng.
Còn hiện tại, số phòng nhà mình chủ yếu cho người nhà của các gia đình có người thân đang nằm viện Bạch Mai, Thanh Nhàn … để điều trị. 3 phòng ở cố định dành cho các kỹ sư xây dựng người Hàn hiện đang làm việc cho 1 công ty xây dựng ở gần đây thuê đã được 3 tháng”.
“Những trường hợp thuê phòng làm nơi tâm sự trai gái trước kia chiếm đến 75% lượng khách ra vào, thì nay chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng số khách đến thuê phòng ”- anh Thắng nói.
Dịch vụ thiết thực cho dân, sao lại cấm?
Từng được bố đưa lên Hà Nội thuê phòng ở nhà nghỉ trong thời gian thi đại học, anh Trần Minh Khang (hiện đang tạm trú tại quận Hoàng Mai – Hà Nội) cũng cho rằng, việc cấm nhà ở làm nhà nghỉ vào thời điểm này là hoàn toàn bất hợp lý.
Anh Khang cho rằng, nếu cấm thì nên cấm từ cách đây khoảng chục năm. “Thời đó, nhà nghỉ thường bị coi là nơi tụ tập để bài bạc, hút hít, các cặp trai gái bồ bịch dẫn nhau vào nhà nghỉ để “tâm sự”. Các bạn trẻ trốn bố mẹ, bạn bè nên vào nhà nghỉ để tìm không gian riêng. Vì thế cho nên, mỗi lần nhắc đến 2 chữ nhà nghỉ, mọi người đều không mấy thiện cảm.
Còn bây giờ, tư tưởng xã hội thoáng, các đôi trai gái khi cần không gian riêng, không nhất thiết phải vào nhà nghỉ. Do vậy đối tượng khách đến nhà nghỉ cũng đã thay đổi.
Phần lớn, nhà nghỉ bây giờ phục vụ những nhóm đối tượng như: phụ huynh đưa con đi thi đại học, cao đẳng, khách du lịch đến Hà Nội, khách đi công tác. Thậm chí, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng sử dụng nhà nghỉ trong những dịp mất điện, mất nước.
Bản thân mình, cách đây 4 năm, khi lên Hà Nội thi đại học, mình cũng được bố thuê phòng nghỉ ở ngay trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng – Hà Nội) để thuận tiện cho việc đi lại, đỡ phải phiền phức đến người thân. Rồi thêm một vài lần nữa, vì nhà mất nước, mất điện nên mấy anh em cũng rủ nhau ra nhà nghỉ để ngủ cho mát và tắm giặt cho sạch sẽ. Hay có lần, bố mẹ ở quê lên chơi, mình cũng thuê nhà nghỉ để các cụ ở cho tiện và thoải mái”.
“Do vậy, mình nghĩ, nhà nghỉ cũng là một dịch vụ hữu ích phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân, vậy thì sao lại cấm?.” – anh Khang đặt câu hỏi.
Vũ Lụa