- Mồ côi không nơi nương tựa, không có nhà để về, từ quê lên thành phố kiếm sống hay rời bỏ gia đình vì nhiều lý do… trẻ em đường phố thường xuyên phải đối mặt với vô số những cạm bẫy, bi kịch rình rập như: Đói ăn, bệnh tật, nghiện ngập, bị thu gom, bắt bớ hay bị xa lánh, kỳ thị, bị lạm dụng.
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm MSD (Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững) trên 120 trẻ em đường phố ở TP.HCM cho thấy: 92,5% trẻ em đường phố tại đây từng bị xâm hại tình dục, khiến các em không chỉ bị tổn thương về thể chất mà cả tinh thần. 98,3% các em đã từng thử một hoặc nhiều chất gây nghiện như rượu, bia thuốc lá, heroin, methamphetamine (đá), keo hay tân dược. Nhiều em sử dụng các chất gây nghiện từ khi còn rất nhỏ, hầu hết nằm trong độ tuổi từ 12-13.
Đây là một vài kết quả được công bố tại hội thảo “Huy động sự tham gia hành động vì trẻ em bị xâm hại tình dục và lạm dụng chất gây nghiện” do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) tổ chức. Hội thảo là sự kiện mở đầu chiến dịch Nâng cao năng lực của các bên liên quan, huy động sự tham gia và vận động chính sách vì trẻ em bị xâm hại tình dục và chất gây nghiện” do MSD phối hợp tổ Quỹ Fotana thực hiện.
Ảnh minh họa. |
Là trẻ “bụi đời”, N.H.A, một nam thiếu niên 17 tuổi đã nhiều lần có ý định tìm đến cái chết để giải tỏa cuộc sống của chính mình. “Nhà” của H.A là ghế đá, công viên, và em không hề biết rằng, là con trai, em vẫn có thể bị lạm dụng tình dục. Em không hiểu, và không biết tại sao những người đàn ông có vẻ rất đàng hoàng, lịch sự, từng đối xử rất tốt với em, đưa em đi ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi, mua quần áo mới cho em mặc… lại thích làm những chuyện “dị thường” với em, kinh khủng hơn, họ bắt em quan hệ tình dục. H.A phản đối, nhất quyết không làm nhưng không cưỡng lại được. Em băn khoăn tại sao họ lại thích như thế? Và mình có lây nhiễm gì từ người đó hay không?
Em chỉ là một trong số rất nhiều trẻ đường phố bị lạm dụng mà không hề biết. Cũng có em vì muốn kiếm tiền, chấp nhận làm tất cả, cho rằng mình “tình nguyện thì không phải là nạn nhân”.
“Làm vậy để kiếm tiền, nói với ai làm gì!” – cô bé T.H.Y.L, 10 tuổi - nạn nhân bị lạm dụng tâm sự. Còn em L.T.V, 17 tuổi thì cay đắng giấu kín bởi: “Em thấy mặc cảm, nhục nhã cho bản thân của em. Nói ra sợ mọi người cười em”.
Nghiên cứu của MSD cho biết, 92,5% trẻ em đường phố từng bị xâm hại tình dục ở nhiều mức độ khác nhau. Dù là nam hay nữ, các em hầu như bối rối và bế tắc trong việc tìm kiếm những biện pháp tự bảo vệ mình trước mối nguy bị lạm dụng như: Chỉ tiếp xúc với người trông đáng tin hay ăn mặc kín đáo. 66,7% các em là nạn nhân lựa chọn giải pháp im lặng vì tâm lý e sợ, mặc cảm, không có người chia sẻ hay nhận thức sai lầm.
Trong khi rất thiếu thốn các thông tin để phòng ngừa, bảo vệ chính mình thì trẻ em đường phố lại là nhóm đối tượng dễ dàng tiếp xúc và sử dụng các chất gây nghiện. Các em tìm đến rượu, thuốc lá, ma túy, đá, ke… vì nhiều lý do: Thiếu nhận thức về chất gây nghiện, bị bạn bè rủ rê, dùng để quên đi nỗi buồn, giảm đau và tăng hưng phấn cho những trận xô xát, hay khủng khiếp hơn là bị khách làng chơi “ép” dùng trong những lần “làm việc”.
Nghiên cứu của MSD chỉ ra, 98,3% trẻ em đường phố nằm trong nhóm nghiên cứu đã từng sử dụng một hoặc nhiều các chất gây nghiện, độ tuổi trung bình của lần đầu sử dụng dao động từ 12 đến 15 tuổi và số đông sử dụng với liều lượng, tần suất đáng lo ngại.
“Lúc đầu em bị rủ rê chơi, em chơi đá vì nghĩ nó không bị nghiện và không bị bệnh truyền nhiễm…” – em L.T.V, 17 tuổi tâm sự. Còn em T.H.V (16 tuổi, nam) thì cay đắng: “Đi khách và có chích chung với khách, đi với người ta, người ta trả tiền, nếu mình từ chối thì mình đâu có được trả tiền”.
Cứ như thế, không ít các em bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn: Nghiện khi làm việc, khi đi khách, và bắt buộc phải đi khách, kiếm tiền để nuôi cơn nghiện.
Bà Hoàng Thu Trang – Quản lý chương trình của Trung tâm MSD khẳng định việc lạm dụng chất gây nghiện đẩy các em tới tình trạng bị tổn hại về thần kinh, bị lệ thuộc, dễ mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, C cũng như các vấn đề về tâm lý. Và trên thực tế, những dịch vụ hỗ trợ trẻ em đường phố còn thiếu vắng, còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao: “78,3% các em không biết cơ sở hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, chỉ 7,5% biết đến những trung tâm xã hội, nhà mở, mái ấm hoạt động trên địa bàn, và khoảng 5% nêu được số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ. Phần lớn các em đều mong muốn thoát khỏi cuộc sống đường phố, tuy nhiên chỉ có 22% trẻ biết đến các dịch vụ hiện có, và các dịch này vẫn còn ít, không tương xứng, các em vẫn chưa thể tiếp cận các dịch vụ này vì những lý do như: Mất hoặc không có giấy tờ tùy thân để tiếp cận và tham gia”.
Có mặt tại hội thảo, bà Nancyline Agaid, chuyên gia của tổ chức Stairway – người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em đường phố kêu gọi sự chia sẻ, cùng tham gia của các cá nhân, tổ chức xã hội trong việc bảo vệ trẻ em đường phố. “Bạn sẽ không thể ngồi yên và so sánh giữa những con số, nên dùng trái tim để cảm nhận những bi kịch mà các trẻ em đường phố phải trải qua, hay giả sử bạn đặt mình vào vị trí của người mẹ, hay người cha của – dù – chỉ - một bé trai, hay bé gái rơi vào những hoàn cảnh đó”.
Minh Tâm