Vốn là một bà chị chồng khó tính, tôi cũng đã được “đại khai nhãn giới” với các dạy con của cô em dâu.
Tôi năm nay đã gần 40 tuổi, có một em trai kém tôi 5 tuổi. Vì mẹ mất sớm, hai chị em tôi sống với bố từ nhỏ. Tôi và em rất yêu thương nhau. Em trai tôi học giỏi, học đại học ở Hà Nội xong, nó được nhận ngay vào một công ty nước ngoài. Ở đấy, nó yêu một cô bạn gái người Mỹ 2 năm rồi đi đến hôn nhân. Hai đứa nó sống chung với nhau ở thành phố. Tôi vì còn gia đình, lại phải chăm cha già nên ở quê làm việc trong một cơ quan nhà nước của địa phương. Vì vốn không có mẹ chăm sóc, tôi luôn coi mình như người chịu trách nhiệm về hạnh phúc của em trai. Do vậy, nàng dâu Mỹ kia đừng tưởng thoát khỏi ‘ách mẹ chồng', đặc biệt là trong vấn đề nuôi dạy cháu tôi, tôi càng khó tính và khắt khe gấp bội.
Nổi tiếng là bà chị chồng khó tính, nhưng chỉ sau một lần lên ở nhờ nhà hai vợ chồng em trai một tuần, tôi đã phải “mắt tròn mắt dẹt” với cách dạy con rất khéo của cô em dâu người Mỹ. Nhớ đến hai đứa con, một lớp 5, một lớp 1 mà vẫn còn đòi mẹ xúc cơm ở nhà, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Hôm ấy, lần đầu tiên đến ở nhờ nhà em trai, tôi có chuẩn bị cho hai đứa trẻ mấy gói bánh kẹo ở quê và một bộ đồ chơi. Nhưng vì vội đi, tôi quên mất gói kẹo cho đứa anh, vậy là Ken và Bin, hai cậu con trai 5 tuổi và 6 tuổi của em trai tôi quay ra cãi nhau kịch liệt để tranh giành bộ đồ chơi. Theo lẽ thường, tôi đang định can thiệp và giải quyết, vậy nhưng em dâu lại cản tôi. “Cứ kệ bọn trẻ chị ạ”, em dâu nói. Tôi vô cùng ngạc nhiên với thái độ phớt lờ của cô em dâu. Vậy nhưng sau một hồi tranh cãi, hai đứa trẻ quay sang ‘mách’ mẹ chúng. Lúc này cô em dâu tôi mới hỏi bằng một giọng rất nghiêm túc “Thế hai con định giải quyết ra sao?”. Thấy được mẹ tôn trọng, Ken và Bin bỗng nhiên thôi hẳn trò trẻ con cãi nhau rồi im lặng suy nghĩ. Sau đó, chúng tự thống nhất với nhau mỗi đứa được chơi 15 phút rồi đổi. Lúc này, em dâu tôi mới gật đầu hài lòng. Bằng vốn tiếng Việt đủ dùng, em dâu tôi nói rằng tranh cãi giữa hai đứa con trong nhà là chuyện cơm bữa. Vậy nhưng cha mẹ nên để con tự quyết định, đừng vội vã nhảy vào làm trọng tài cho chúng. Trẻ thấy được tôn trọng sẽ tự biết đường cư xử. Tôi có được bài học đầu tiên.
Trong quá trình sống tại nhà em trai, tôi đã phát hiện ra thêm một nguyên tắc dạy con rất hay của em dâu Mỹ mà tôi tạm gọi là nguyên tắc “tự do trong khuôn khổ”. Vốn nghe nói phụ nữ Mỹ rất nghiêm khắc trong việc dạy con, tôi mới thấy em dâu mình đúng là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, có lẽ người ta mới nói được nửa vế: Mẹ Mỹ có khuôn khổ, nhưng để con được tự do trong khuôn khổ của mình. Em dâu tôi luôn đặt qua các qui tắc và giới hạn cho con, nhưng luôn tôn trọng con trong mỗi quyết định của mình. Tôi có thể kể ra những ví dụ về “tự do trong khuôn khổ” mà em dâu Mỹ áp dụng với con như:
- Đến 9 giờ tối là giờ đi ngủ, Ken và Bin bắt buộc phải lên giường. Tuy nhiên, ở trên giường, chúng thích làm gì tùy ý.
- Mỗi ngày, Ken và Bin chỉ được xem tivi 2 tiếng. Còn xem lúc nào, xem hoạt hình, ca nhạc hay phim,… đấy là tùy chúng quyết định.
- Dù thích ăn hay không, Ken và Bin đều phải ăn tất cả các món ăn. Tuy nhiên, chúng không cần phải ăn hết bát.
- Khi đi ra ngoài, mẹ cần phải giúp các con lựa chọn quần áo cho phù hợp hoàn cảnh và thời tiết. Vậy nhưng ở nhà, chúng thích mặc thế nào cũng được.
- Hầu hết thời gian bọn trẻ không được ăn vặt, vậy nhưng cứ đến bữa chiều, chúng có thể thoái mái lựa chọn bim bim, bánh ngọt hay sữa chua tùy thích.
- Mẹ không mua cho các con những món đồ không cần thiết. Vậy nhưng nếu chúng có tiền tiết kiệm, chúng có thể tùy ý mua thứ mình thích. (Ken và Bin cũng được em dâu tôi dạy cách tiêu tiền và cho tiền lẻ từ lúc 5 tuổi)
Nhiều người nhầm lẫn giữa việc cho con tự lập và để bé tự do. Vậy nhưng với cách dạy con “tự do trong khuôn khổ” của em dâu, tôi chợt phát hiện ra mình hoàn toàn có thể tạo cho con sự chủ động và cảm giác được tôn trọng.
"Tự do trong khuôn khổ" giúp trẻ tự tin và có cảm giác được tôn trọng (ảnh minh họa) |
Hài lòng với cách dạy con của em dâu là vậy, tuy nhiên có một điều vẫn khiến tôi khá “nhăn mặt”, đó là cô nàng hiếm khi khen con “giỏi lắm” bao giờ. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu, ai cũng khuyên bố mẹ nên khen và khuyến khích con trẻ những khi chúng làm việc tốt. Vậy nhưng khi Ken đi học lớp 1 được 10 điểm tập viết hay Bin vẽ được bức tranh đẹp chạy ra khoe mẹ, em dâu tôi chẳng khen bao giờ. Thay vào đó, cô nàng chỉ nói “Con thấy mình vẽ thế nào?” hay “Bài kiếm tra này con thấy mình làm siêu nhất phần nào?” và chờ đợi sự phân tích của hai đứa trẻ.
Lúc đầu tôi thấy khó hiểu. Vậy nhưng sau khi tiếp xúc nhiều với Ken và Bin, thấy hai đứa trẻ rất tự tin, biết rõ điểm mạnh điểm yếu của mình và luôn cố gắng, tôi mới biết lý do vì sao. Giống nhiều phụ huynh Mỹ, em dâu tôi không cho rằng sự tự tin của trẻ đến từ những lời khen của bố mẹ, để cho chúng ‘yên tâm’ rằng chúng đã giỏi. Trẻ chỉ tự tin khi chúng càng làm được thêm nhiều việc, và làm tốt những việc đó. Thật ra, tôi bắt đầu nghĩ, khen nhiều quá đôi khi cũng lại thành có hại, khiến trẻ hoặc ngừng cố gắng, hoặc luôn cố gắng chỉ riêng vào phần giỏi của mình. Nghĩ lại hai đứa con ở nhà, tôi thường khen con viết chữ đẹp, vậy là con bé chỉ thích mỗi môn luyện chữ và luôn than ngán thở dài rồi chống chế trước những điểm 6,7 môn Toán. Đứa nhỏ hay khen con vẽ con gà đẹp, vậy là bức tranh nào cũng có con gà. Nhiều khi tôi chỉ buồn cười nhưng giờ mới nghĩ, mình khen quá đã vô tình làm mất khả năng sáng tạo của con.
Tôi thấy ngày nay, rất nhiều bà mẹ Việt nhạy cảm quá đà với những lời khen ngợi phương Mỹ dạy con của người nước ngoài. Tôi không nói mẹ Việt ta không biết dạy con. . Các dạy con khác nhau cũng phần nhiều do văn hóa khác nhau Bản thân tôi là một người mẹ, luôn hướng tới những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Ta nên đọc, nên biết và nên chọn lọc để lấy những điều hợp lý nhất cho con của mình.
(Theo Eva.vn)