Ngày chưa lấy chồng, tôi đã có thói quen tích góp tiền bạc. Mỗi tháng tôi vẫn đều đặn gửi tiền về cho bố mẹ nên khi tôi lấy chồng, bố mẹ rất ngạc nhiên vì tự tôi tổ chức tiệc cưới ngon lành, chẳng phiền đến ai. Lấy chồng rồi, tính “thủ” ấy của tôi càng được phát huy.
Anh là người miền Tây nên tính rộng rãi, phóng khoáng. Tôi là con gái gốc miền Trung lại rất cần kiệm. Chúng tôi vốn làm chung công ty rồi yêu nhau. Vì tôi làm nghề kế toán nên thi thoảng anh vẫn hay đùa: “Cái ngân hàng này gửi vào thì dễ nhưng rút ra chắc khó lắm”.
Ảnh minh họa. |
Lương công chức, mỗi tháng tính cả phụ cấp chỉ vỏn vẹn khoảng sáu triệu đồng. Hai vợ chồng gom lại được hơn chục triệu. Tháng lương nào anh cũng giao cho tôi giữ hết, chỉ để một ít uống nước, đổ xăng. Nhưng, anh lại có tật hay mời bạn bè về nhà ăn nhậu, thỉnh thoảng lại còn la cà quán xá. Những lúc đó, anh đều lấy tiền từ vợ. Không đưa anh cũng không xong vì vợ chồng đã thỏa thuận anh không giữ tiền nhưng khi cần thì phải có ngay.
Để lên kế hoạch cho việc có con, tôi đã âm thầm giấu riêng một khoản không cho chồng biết. Đó là tiền chợ, tôi dành dụm lại. Tháng nào, tôi cũng lấy một phần trong lương của chồng, âm thầm cất đi. Kiến tha lâu đầy tổ, dần dần tôi đã gom đủ tiền cho kỳ vượt cạn. Đến khi tôi thông báo có thai và nghỉ việc để chờ sinh, chồng chạy vắt chân lên cổ mượn tiền. Tôi chỉ nói tỉnh queo: “Anh cứ làm đưa hết lương về đây là được. Không cần phải vay mượn ai”. Nghĩ vợ không có tiền dự trữ nên anh không chỉ đều đặn cống nạp lương, mà khoản uống nước cũng phải cắt giảm. Không nói cho chồng biết mình để dành riêng cũng giúp chồng có trách nhiệm, tiêu xài tiết kiệm hơn.
Khi có con, tôi lại nghĩ đến khoản để dành cho tương lai con. Hằng tháng, tôi lén mua bảo hiểm cho con mà không cho chồng hay. Anh vẫn không biết tiền lương mình đưa về đã được vợ tiết kiệm tối đa, dành cho những kế hoạch lâu dài của gia đình. Đến khi chồng ra hùn hạp làm ăn với bạn bè, thu nhập tăng lên, biết tính chồng hay ham vui với bạn bè, tôi càng mạnh tay “siết” chặt.
Ngày chồng tôi quyết định sửa lại căn nhà, anh méo mặt khi số tiền tính toán vượt xa con số dự trù. Anh định đi mượn nợ thì tôi đã chìa ra trước mặt một khoản tiền làm anh choáng váng. Anh hỏi: “Ở đâu mà em có nhiều tiền vậy?”. Sợ chồng giận nên tôi đành nói dối: “Là chị Hai cho em mượn”. Tôi biết nói dối chồng là không hay nhưng nếu lời nói dối ấy làm anh có trách nhiệm với gia đình hơn và không ảnh hưởng gì đến hạnh phúc thì cũng nên nói.
Từ khi cưới nhau đến giờ con trai đã gần 10 tuổi, tôi vẫn phải luôn nói dối chồng về những khoản tiền bí mật, nhưng tôi không bao giờ thấy ray rứt hay sợ chồng sẽ tức giận khi phát hiện sự thật là vợ “thủ”, vì toàn bộ số tiền đó tôi đều dành để xây đắp cho tổ ấm gia đình.
(Theo PNO)