Chị Mi và anh Tấn (Nghĩa Đô, Hà Nội) yêu nhau đã được 7 năm. Sau quãng thời gian gắn bó, hai người quyết định đi đến hôn nhân bằng tình cảm trong sáng, thật lòng.

Anh chị sống cùng bố mẹ chồng, thời gian đầu cả nhà ai cũng vui vẻ và chị thấy hạnh phúc khi không có bất cứ một mâu thuẫn nào với mẹ chồng. Đơn giản vì ai cũng có công việc của người nấy và đều tôn trọng nhau. Anh chị đi làm và bố mẹ chồng chị cũng có niềm vui riêng, công việc riêng. “Bố mẹ mình tuy đã về hưu nhưng các cụ vẫn còn sôi nổi lắm, bố thì suốt ngày đi bơi, tennis, thể dục thể thao còn mẹ chồng thì vui thú với các hoạt đồng khu phố”, chị kể.

Nhưng bên cạnh điều đó, chị phải thừa nhận mẹ chồng mình quá lười. Những hôm nào chị đi làm về muộn thì một là cả nhà ra ngoài hàng ăn, hai là chị sẽ mua đồ ăn sẵn về nhà. Mẹ chồng chị bảo bà bị thấp khớp nên chẳng đụng vào nước non được.

Nhà chồng chị khá giả, nhưng phải cái tiết kiệm, trước đây khi chị chưa về làm dâu, ông bà cứ túc tắc ăn mì gói, hoặc cơm với rau xanh, con cá bé xíu bằng hai ngón tay, chồng chị ăn gì thì ăn... Còn giờ có chị rồi, mọi việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa đều đến tay chị.

{keywords}

Biết bao chuyện trái khoáy nảy sinh xoay quanh chuyện giúp việc khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhà chị rất căng thẳng (Ảnh minh họa).

Công việc bận rộn nhưng chị biết phận làm vợ, làm dâu, chị sẽ phải hi sinh ít nhiều công việc vì gia đình. Chị làm chăm chỉ việc nhà mà không kêu than nửa lời.

Nhưng đến khi có bầu, chị không thể làm việc năng suất như trước. Chị thấy mệt mỏi khi mỗi ngày về nhà đối diện với hàng đống quần áo, chậu bát chất ngùn ngụt, rác lung tung khắp nhà. Chị bày tỏ mong muốn với cả gia đình là cần thuê người giúp việc. Mẹ chồng chị nằng nặc không đồng ý vì tiết kiệm là một, thêm phần sợ ô sin sẽ xáo trộn cuộc sống gia đình. Ngày ngày, bà kể cho chị nghe về vụ bà hàng xóm cạnh nhà nuốt nước mắt nhìn chồng cặp bồ với ôsin, hay chuyện ông chồng trẻ "đổi gió" với giúp việc.

Thực lòng chị đâu muốn có sự xuất hiện của người ngoài trong gia đình, nhưng khi mang bầu và hiện tại là sinh con, chị không thể kham được khối lượng việc nhà khổng lồ như vậy. Thêm phần, chị sinh mổ, cơ thể vô cùng mệt mỏi, kiệt sức và không thể tự mình chăm con. Bố mẹ chị ở quê xa, họ không thể lên hẳn đây để đỡ đần con gái.

Thời gian đầu, mẹ chồng cũng cố gắng quét nhà quét cửa, nấu ăn dọn dẹp giúp con dâu nhưng sau vài ngày đâu lại đóng đó. Chị suốt ngày phải chạy ra đầu ngõ mua cháo dinh dưỡng về ăn tẩm bổ để có sữa cho con vì bà còn bận phố xá, họp hành.

Cực chẳng đã, chị gọi cô Út ở quê lên giúp gia đình chị. Cô cũng đã ngoài 45 tuổi, tháo vát, nhanh nhẹn, biết việc. Thế nhưng không ngày nào cô giúp việc được yên thân được với mẹ chồng chị. Chị đau đầu mỗi khi mẹ chồng sang tỉ tê: “Con thay ngay mụ giúp việc này cho mẹ, nhìn mặt câng câng, hóng hớt, lại hay gọi bố chồng con bằng anh. Mẹ không hài lòng tẹo nào”.

Để vừa lòng mẹ chồng, chị cũng nhắc nhở để mong cô giúp việc có thể ở lâu dài với nhà mình. Chị bảo cô không gọi bố chồng bằng anh nữa mà gọi là bác.Thấy vậy, mẹ chồng lại mắng thẳng vào mặt cô Út: “Mày bao nhiêu tuổi mà mày gọi chồng tao là bác. Mày rủa ông ấy chết sớm hả?”. Gọi kiểu gì bà cũng không chịu, thậm chí bà còn lôi ra hàng loạt chuyện để nói xấu cô giúp việc rằng cô có mắt long lanh, đưa tình.

Không ngày nào chị không thấy cô Út khóc lóc ỉ ôi, còn mẹ chồng thì ra rả đe dọa chị: “Con mà không thay sau này bố con mà cặp với nó, mẹ không nhìn mặt con đâu”.

Không những thế, bà còn kể lể than thở với hàng xóm, họ hàng về tội của chị "cõng rắn cắn gà nhà". Ai gặp cũng khuyên chị "Phận làm dâu, ai làm thế". Ngại ngần, chị đành tiễn cô giúp việc tốt bụng, chăm chỉ lên đường về quê.

Sau vài ngày chăm con một mình, dọn dẹp một mình, chị lại phải tìm người giúp việc khác. Lần này rút kinh nghiệm, chị tìm một cô bé chỉ mười mấy tuổi, nhưng ngoan ngoãn, sạch sẽ, biết vâng lời, biết chăm bé.

{keywords}

Sau khi người giúp việc thứ 2 nghỉ, chị chán nản, mệt mỏi, giận lây sang chồng (Ảnh minh họa).

Nhưng không ngày nào mẹ chồng không mắng mỏ cô bé: “Làm thế mà làm à?”… Một lần, bà kêu ầm nhà là bị mất trộm dây chuyền vàng để trên bàn. Bà cứ nằng nặc bảo cô bé giúp việc lấy. Chưa bao giờ chị thấy ai khóc thảm thiết như thế. Cô bé này là họ hàng xa xôi với gia đình chị, chị nghĩ không bao giờ con bé lại lấy trộm bởi chị biết rõ tính nết và gia đình con bé thế nào. Nhưng tình ngay lý gian, chị nói, giải thích cho mẹ chồng nhưng bà không nghe, bà còn rủa xả nhà chị là "chuyên gia chứa chấp loại không ra gì". Con bé cũng chịu không nổi đành xin nghỉ sau 2 ngày làm việc.

Một ngày chị nhìn thấy chiếc dây chuyền của bà lơ lửng treo trên mắc quần áo trong nhà tắm, chị cảm thấy căm hận bà vô cùng. Hôm đó, lần đầu tiên chị cãi tay đôi với bà.

Sau khi người giúp việc thứ 2 nghỉ, chị chán nản, mệt mỏi, giận lây sang chồng. Anh cũng khó chịu và biết mẹ đã cư xử thái quá.

Chị lại bắt đầu hành trình tìm người giúp việc khác. Lần này, chị thuê được là một cô gái độ 20 tuổi, trẻ trung, trắng trẻo. Thấy giúp việc, bà dằn mặt chị: “Cứ liều liệu, rước ô sin về biếu không chồng đấy. Con thuê ai chứ lại thuê người làm ưa nhìn thế kia”.

Chị biết bà lo là chính đáng nhưng chị chẳng biết phải làm thế nào... Không có giúp việc không được, mà có giúp việc cũng không xong. Chị đành tự an ủi bản thân: “Được đến đâu hay đến đó vậy”.

Một lần về nhà, chị thấy bà đòi họp gia đình để giải quyết "con hồ ly tinh". Bà chì chiết chị vì cái tội mang mỡ về treo miệng mèo, khẳng định rồi chị sẽ mất chồng vì những biểu hiện "khó lường" của giúp việc.

Hỏi thì chị mới biết, bà khó chịu vì giúp việc mặc quần ngố khoe chân, mời chào chồng chị. Rồi bà bảo: "Tao bực mình vì con bé kia cứ lau nhà là đeo khẩu trang, nó coi nhà này là đống rác chắc". Tiếp đó, bà quay sang mắng chị là ngu đần, ngốc nghếch, không biết giữ chồng. Chị chán nản, mệt mỏi lắm. Chị bảo: "Mình đã mệt thì chớ, đằng này mẹ chồng cứ gây hấn, kiếm chuyện, nói qua nói lại suốt...".

Chị ngẫm lại từ ngày có giúp việc không ngày nào nhà được yên ổn, cả nhà cứ "loạn cào cào" cả lên. Đường cùng, chị cho giúp việc nghỉ việc, chị tặc lưỡi: "Mệt thì mệt thật nhưng phải yên nhà trước đã".

(Theo Trí thức trẻ)