Bị bại liệt, nằm 1 mình trong nhà khi vợ con đã chuyển ra ở riêng, người đàn ông tên Anh đã nhiều lần phải nhờ đến nhóm thanh niên tình nguyện, thậm chí là những người xe ốm để cung cấp nguồn thức ăn...
Vợ bỏ mặc chồng bại liệt nằm trong nhà hơn 2 tháng ?
Tâm sự với phóng viên, tình nguyện viên tên Nhung thuộc CLB Tình nguyện trẻ - người trực tiếp mang đồ ăn cho người đàn ông tên Anh tại địa chỉ ngõ 823 đường Hồng Hà – Hà Nội cho biết:
Từ ngày 13- 9, sau cuộc điện thoại cầu cứu của một bạn trẻ nhờ mang đồ ăn đến cho ông Anh ở địa chỉ trên, Nhung đã hỏi rõ về hoàn cảnh và quyết định mang đồ ăn đến đây khi trời đã nhá nhem tối.
Lúc này, sau nhiều cuộc điện thoại cho ông Anh, một sợi dây từ tầng 2 của căn nhà 3 tầng được thả xuống. Nhung được hướng dẫn buộc đồ ăn vào sợi dây để ông Anh kéo lên.
Từ đó, nhóm thanh niên tình nguyện của Nhung vẫn thường chuyển đồ ăn cho ông Ánh bằng phương pháp này, và cửa của ngôi nhà vẫn luôn đóng im ỉm đồng thời được khóa cẩn thận bằng 2 ổ khóa.
Cho đến cách đây 1 vài ngày, ông Anh điện thoại cho biết, đã 4, 5 hôm nay ông Anh không có đồ ăn. Nhóm tình nguyện lại tiếp tục mang thức ăn đến cho ông Anh, nhưng không thể chuyển lên được vì sợi dây và cây gậy – dụng cụ lấy đồ ăn thường ngày của ông Anh đã biến mất. Một vài người hàng xóm cho rằng, bà Tạ Bích Loan (vợ ông Anh) đã vứt sợi dây và cây gậy đó đi.
Sợi dây thả từ tầng 2 xuống để lấy đồ ăn từ các tình nguyện viên đã không còn. |
Nhóm thanh niên tình nguyện đã huy động đến cả những người hàng xóm và bác Nguyễn Hữu Cầm, tổ trưởng tổ dân phố để bắc thang đưa đồ ăn cho ông Anh, nhưng không được.
Ông Cầm cho biết, do địa hình khó khăn nên không thể đưa được đồ ăn vào trong. Hơn nữa, cán bộ công an cũng e ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm, nên mọi người đành chịu.
Ông Cầm nói, “anh Anh bị liệt từ 6 năm nay. Thời gian trước, gia đình bên nội của anh Anh thường cung cấp tiền, mỗi tháng khoảng 5, 6 triệu để thuê osin phục vụ cho anh Anh. Nhưng sau đó, chắc vì thời gian quá lâu, người bên nội không kham nổi số tiền mỗi tháng nên họ đã ngừng cung cấp tiền thuê osin. Osin sau 2 tháng không được trả lương đã làm đơn ra phường để kiện rồi nghỉ việc”.
Ông Nguyễn Hữu Cầm - Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: Sau khi không còn sợi dây, mọi người đã cố gắng để chuyển đồ ăn vào cho anh Anh, nhưng không được. |
“Sau khoảng thời gian đó, chị Tạ Bích Loan và con gái cũng chuyển ra ngoài ở, và một mình anh Anh ở lại trong căn phòng tầng 2, của ngôi nhà 3 tầng, với diện tích khoảng hơn 10m2” – ông Cầm nói thêm.
Người vợ bức xúc vì bị bôi nhọ
Trước thông tin bị lan truyền truyền trên mạng cho rằng, bà Loan và con gái đã chuyển ra khỏi nhà từ hơn 2 tháng nay, bỏ mặc chồng nằm liệt trong căn phòng tầng 2, bà Loan vô cùng bức xúc.
Bà Loan vô cùng bức xúc vì bị cho rằng bỏ mặc chồng nằm liệt trong nhà |
Bà Loan cho rằng, thông tin bà và con gái bỏ mặc chồng bị bại liệt nằm 1 mình trong nhà là không đúng sự thật. “Thông tin đó đã bôi nhọ danh dự của gia đình tôi. Tôi vẫn ở nhà, có lúc không ở nhà, nhưng đấy là quyền của tôi và mọi người không có quyền hỏi tại sao tôi lại không ở nhà” – bà Loan nói.
Tuy nhiên, sau đó, bà Loan lại xác nhận: bà và con gái sinh năm 1988 đã chuyển khỏi nhà khoảng hơn 2 tháng nay, nhưng cách 1, 2 ngày bà lại mang theo đồ ăn cho ông Anh chứ không có chuyện bỏ mặc.
Bà Loan lý giải việc chuyển ra ngoài ở: “ngọn nguồn của câu chuyện này rất dài, nhưng chung quy lại là vì không có tiền, và họ hàng cũng không cho tiền nên không có người giúp việc. Như vậy thì việc vệ sinh cho người bệnh sẽ bị kém đi nhiều, dẫn đến môi trường bẩn, nên tôi không thể ở đây được, tôi phải chuyển đi chỗ khác ở nhờ”.
Hỏi vì sao bà không cố gắng dành 15p mỗi ngày giúp ông Anh vệ sinh, để ngôi nhà đỡ bốc mùi hôi thối, bà Loan cho biết: “Tôi ốm lắm, tôi không làm được, tôi tiếp cận được cái mùi ấy là rất khó khăn. Hơn nữa, tôi còn đã từng bị đau dạ dày. Còn cháu nó (cô con gái sinh năm 1988 – pv) thì phải đi làm, áp lực với công việc rất lớn, nên không thể bắt cháu nó phải làm những việc đó.”
“Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định là tôi không bỏ, tôi không bao giờ bỏ ông ấy, vì nói thẳng ra là cũng không thể bỏ cho ai, còn tôi làm được những gì, và làm đến đâu là phụ thuộc vào khả năng của tôi”
“Còn nếu đội tình nguyện muốn đến giúp đỡ thì phải liên hệ với chủ nhà, cụ thể là tôi để tìm hiểu thực tế, hoàn cảnh gia đình xem ra sao, rồi mới được làm việc (mang đồ ăn cho ông Anh – pv) chứ tại sao cháu không làm việc với tôi, cháu không biết tôi thì phải tìm tôi chứ?” – bà Loan bức xúc khi nói chuyện với 1 tình nguyện viên – người đã trực tiếp mang đồ ăn, tiếp tế cho ông Ánh trong hơn một tháng qua.
Vũ Lụa