Phiên tòa bế mạc. Chị lật đật rời phòng xử như trốn chạy những lời chì chiết, đay nghiến của mẹ và các chị chồng. Anh ra sau, nhìn theo chị nói rít qua kẽ răng: “Tôi muốn giết chết nó. Cùng lắm là đi tù!”. Nghe lời này, khó ai nghĩ anh chị từng một thời đầu ấp tay gối, gắn với nhau hai tiếng vợ-chồng…

1. Tháng 9/2011, TAND tỉnh An Giang tuyên hai người ly hôn, chị đứng đơn yêu cầu. Ba con chung lần lượt sinh năm 1995, 1998 và 2007 do chị trực tiếp nuôi dưỡng. Tài sản chung gồm 33.000m2 đất ruộng chia thành hai thửa có diện tích 25.000m2 và 8.000m2, tòa tuyên anh thửa lớn, chị thửa bé, buộc anh thối lại chị phần chênh lệch vì đất ruộng không thể chia đều. Chị kháng án, đề nghị chia mỗi người 16.500m2 hoặc chị nhận thửa lớn, thối chênh lệch cho anh.

Phiên phúc thẩm diễn ra ở TAND tối cao tại TP.HCM chiều 4/10/2013, chị trình bày: “Con gái lớn vào đại học. Một mình phải lo cho ba đứa, tôi cần nhiều đất hơn để có điều kiện nuôi con”. Chị vừa dứt lời, mẹ và các chị chồng đồng loạt phản bác: “Cô có nuôi con đâu. Cô ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, bỏ mặc tụi nhỏ mà đòi đất thì có quá đáng không”. Anh đứng dậy, chậm rãi phát biểu: “Cô ấy không làm tròn nghĩa vụ một người mẹ. Sau ly hôn, cô ấy bỏ đi đâu không ai biết. Các con tôi thiếu mẹ, sống khổ sở bên ngoại nên tự động rủ nhau về xin ở với tôi mấy tháng nay”. Chị rơm rớm nước mắt, nghẹn lời: “Tôi đi làm chứ đi đâu!”.

h{keywords} 

Đối lập với sự đơn độc của chị khi đến tòa, anh có sự “hộ tống” của người thân gồm mẹ và các chị ngồi ở hàng ghế sau

 

Chủ tọa giải thích với anh rằng, trong trường hợp cảm thấy vợ không nuôi dạy các con chu đáo, anh có thể khởi kiện, yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Quay sang chị, chủ tọa ôn tồn phân tích, đất ruộng tính theo thửa, rất khó để chia đều, ai nhận phần nhiều phải thối lại người kia là hợp lý nhất. Mặt khác, tài sản ấy vốn của cha mẹ anh cho, với mong mỏi anh là con trai út, có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm lo cha mẹ. Nay anh chị ly hôn, phần nhiều thuộc về anh cũng là chuyện nên nhường. Chị ngẫm ngợi, đồng ý lời khuyên của chủ tọa, song yêu cầu khoản chênh lệch thối lại sẽ tính theo định giá tại thời điểm phân chia, không chấp nhận mức thối mà cấp sơ thẩm đã tuyên từ hai năm trước. Tòa nghị án, tuyên theo ý chị.

2.Quãng ngắn dẫn từ phòng xử án xuống dưới sân tòa, sau phiên xử bỗng trở nên xa ngái. Sau lưng chị, mẹ và các chị chồng hằn học: “Thứ đàn bà tham lam, đất của người khác nhảy vô đòi chia”; “Làm mẹ mà bỏ con, kiểu người ấy có đáng sống không”. Anh góp thêm: “Tại nó mà tôi mất việc”, rồi kể: “Tôi vốn là cán bộ xã, vợ con kiểu vậy, suốt ngày kiện tụng tranh chấp thì xin nghỉ chứ còn nói ai nghe”. Chị lầm lũi phía trước, đôi mắt đỏ hoe. Anh nói như cố tình để lọt tai chị: “Ngưỡng ấy, bỏ nhà đi thì chỉ có bán thân mới sống được chứ biết làm gì”. Lời anh tựa mũi dao cắm phập, khiến chị không còn đủ sức bước. Bất ngờ co mình đứng lại, chị cúi đầu nhường lối cho những người vốn một thời gần gũi, thân thương.

Họ đi rồi, chị đổ người ngồi thụp, nức nở với tôi: “Phiên tòa này, chỉ tranh chấp tài sản, nên tôi không muốn vạch áo cho người ta thấy nỗi khổ tâm của mình”. Yêu nhau một thời gian dài, năm 1993, chị và anh chính thức kết duyên vợ chồng. Chị về làm dâu, giỏi quán xuyến, lo toan việc nhà, được gia đình chồng hết mực thương yêu, tin tưởng giao đất cho trông coi, canh tác. Hạnh phúc nhân đôi khi con gái chào đời. Rồi chị sinh tiếp đứa thứ hai. Nụ cười trên môi anh không còn rạng rỡ khi hy vọng một đứa con trai bị dập tắt. Anh bắt đầu thay đổi, bớt quan tâm tới vợ và tìm vui bên người phụ nữ khác. Vợ chồng thường xuyên căng thẳng bởi những trận cãi vã khởi nguồn từ nỗi ghen tuông.

Chị có thai đứa thứ ba, thể theo ý nguyện của gia đình chồng, cũng là mong mỏi của chị, phải có con trai mới níu giữ được anh. Con tạo trớ trêu, sau sáu tháng thai kỳ, chị siêu âm, phát hiện là con gái, anh lạnh nhạt ra mặt, tiếp tục tìm vui bên ngoài. Đau khổ, tuyệt vọng, chị quyết định ly thân, về tá túc bên mẹ. Quãng thời gian từ ly thân đến ly hôn, trong lời khai tại tòa sơ thẩm, anh khẳng định có cho tiền con, song thực tế, chị rất khó khăn, đôi lúc túng quẫn mà vẫn cắn răng chịu đựng. “Ngày tôi sinh, anh cũng không đoái hoài, đến thăm, xem con gái tròn vuông, mặt mũi thế nào” - chị kể tủi. Mở một quán cà phê nhỏ sống đắp đổi qua ngày, không ngờ phán quyết ly hôn sau đó khiến đứa em trai cùng mẹ khác cha của chị trở mặt. “Nó lo ngại bốn mẹ con tôi bị chồng bỏ, về sống với mẹ để tranh giành tài sản nên nhiều lần hắt hủi, chửi mắng, đuổi đi” - chị tức tưởi.

Bước đường cùng, chị gửi con cho mẹ, theo lời mách của nhiều người, chị về Bình Dương làm công nhân. Thu nhập thấp, chưa ổn định chỗ ở, chị chưa dám đón con theo. Không ngờ, ở quê em trai lấn lướt, đối xử tệ bạc với các cháu, ba đứa nhỏ phải dắt díu về ở với ba. “Có người mẹ nào muốn xa con nếu không vì bất đắc dĩ” - nói đoạn, chị vạch một hướng đi: “Đợi thi hành án xong, tôi dùng tiền thối lại để ổn định chỗ ở, còn thửa ruộng dành sản xuất, nuôi các con ăn học…".

Khi chúng tôi điện thoại cho anh để xác minh thông tin, anh nổi giận: “Tôi có quen ai đâu? Bằng chứng nào nói tôi bồ bịch. Gái trai gì đều là con mình, tôi sao hèn hạ đến mức bên trọng, bên khinh. Cô ấy tính toán hết rồi, vì tranh giành tài sản mới ly hôn, chứ tôi đâu muốn gia đình tan nát”.

Sau cuộc ly hôn, khi tình nghĩa không còn, ai cũng đòi hơn thua và có những lý lẽ chính đáng để bảo vệ, biện minh cho bản thân. Thật, giả, đúng, sai, chỉ người trong cuộc mới rõ. Nhưng cảnh ba đứa trẻ vắng mẹ, thiếu cha, chênh vênh dắt tay nhau tìm hơi ấm người thân khi bị cậu hắt hủi, không khỏi khiến người ngoài đau lòng.

 

Bản án hợp lý, hợp tình

Theo điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Trong vụ án này, bản án phúc thẩm nói trên của TAND tối cao tại TP.HCM xét về lý, tình đều thỏa đáng, phù hợp với quy định pháp luật về phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (Nghị định 70 ngày 3/10/2001 hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Hôn nhân và Gia đình). Diện tích đất ruộng 33.000m2 được cha mẹ tặng/cho khi hai người đã kết hôn và được cả hai thừa nhận là tài sản chung nên khi ly hôn, mỗi người đều được nhận 1/2 giá trị; vì nhiều yếu tố khách quan không thể chia đều, ai sở hữu phần hơn phải thối lại tiền chênh lệch là điều tất nhiên.

Tuy nhiên, bước ra khỏi quan điểm pháp luật về tranh chia tài sản trong câu chuyện này, chúng ta sẽ bắt gặp điểm nổi bật của tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại trong tâm thức nhiều người. Cuộc sống bấp bênh, giới tính không được coi trọng là căn nguyên dẫn đến ly hôn (như lời người mẹ). Liệu những đứa trẻ có được đảm bảo cuộc sống và một sự phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần, khi cha mẹ quá đặt nặng cái tôi lợi ích cá nhân?

Theo PN TPHCM