Tôi đến chị xin việc theo giới thiệu của người bạn. Thời nay mấy ai thuê gia sư dạy văn, nên tôi mừng như bắt được vàng, dù bạn tôi đe: chưa chắc đậu được đâu, nghe nói chị ấy gặp cả chục người rồi mà vẫn chưa chọn được. Sao lại khó vậy ta? Tôi thắc mắc thầm.

Chị tiếp tôi trong căn phòng khách rộng mênh mông và lạnh lẽo đến ghê người vì mọi thứ đều bằng đá hoa cương sáng bóng. Chị có gương mặt dịu dàng, phúc hậu và khá xinh đẹp. Cách nói chuyện của chị cũng nhẹ nhàng, ôn tồn dù vẫn toát lên sự quyền uy. Chị hỏi tôi rất tỉ mỉ về gia đình, về bố mẹ, anh chị em, về cuộc sống hiện tại của tôi…; đến mức tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Nhưng, lời hứa hẹn về khoản lương cao bất ngờ mà cô bạn cho biết, khiến tôi cố kiềm chế. Thôi thì… chiều mấy bà trọc phú này chút xíu để kiếm tiền.

Cuối buổi nói chuyện, chị bảo, coi như chị nhận em nhưng giờ để xem em tự thấy mình có phù hợp với công việc không? Tôi thật sự ngạc nhiên khi chị nói: “Em không cần dạy dỗ gì cả, chỉ cần đến, ngồi bên cạnh khi con chị học, ăn cơm với nó, trò chuyện và giải thích cho nó những thắc mắc về cuộc sống và xã hội… Thế là đủ!” Tôi ngạc nhiên: “Em tưởng em sẽ dạy văn?”. Chị giải thích: “Công việc của chị phải đi suốt ngày, rồi còn đi công tác xa tháng 2-3 lần. Con chị ở nhà một mình suốt. Nó ngoan và học giỏi nhưng biếng học. Nó bảo học hoài một mình cũng thấy chán. Chị đang cần nó có kết quả học tốt để vài năm nữa cho đi du học. Ăn cơm hoài một mình, nó bảo không nuốt được. Vì thế, chị cần một người bạn lớn ở bên cạnh nó”. Thảo nào chị lại tra vấn tôi kỹ thế.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Một tuần năm tối, sau giờ làm việc, tôi ghé đến với Tuấn, con chị, một cậu bé 13 tuổi, còn to cao hơn tôi. Chúng tôi cùng làm việc. Tuấn học, tôi ngồi bên cạnh lo bài vở, công việc của mình. Cậu bé không đến nỗi quá trầm lặng, tự kỷ như mẹ cậu lo lắng. Chỉ một tuần sau khi làm quen, Tuấn đã vui mừng mỗi khi tôi đến. Học bài một chút, người làm nấu xong cơm, hai chị em kéo xuống ăn. Tuấn thường nhai rất uể oải, có khi một chén cơm mất cả tiếng đồng hồ. Tôi hỏi sao ăn gì mà lâu thế, nó bảo: “Em quen rồi, cứ thế này ngồi nhai cho đến khi cơm thành bột trong miệng mới nuốt. Có gì mà vội, lúc nào cũng chỉ một mình”.

Khác với những đứa trẻ con nhà chủ mà tôi từng dạy kèm khác, Tuấn rất vui vẻ rủ tôi ăn cái này cái kia. Tuấn luôn liệt kê đồ ăn và rủ tôi ăn cùng mọi món ăn vặt. Tôi cảm nhận rõ là Tuấn cần người chia sẻ mọi thứ đang quá thừa thãi với nó. Chỉ có điều, tôi cảm thấy không an tâm khi những gì Tuấn ăn, Tuấn có đều là những thứ làm sẵn, có sẵn ở siêu thị, cửa hàng mang về, không hề có hơi ấm bàn tay của một người chăm sóc. Có lần, khi tôi chê bánh flan công nghiệp trong tủ lạnh và hứa thứ Bảy rảnh việc, sẽ làm bánh flan cho Tuấn ăn thì Tuấn reo lên vui mừng, chờ mong suốt mấy ngày cho đến thứ Bảy.

Có lần, cùng ngồi ăn với Tuấn, tôi kể cho nó nghe về những bữa cơm , những món ăn vặt nghèo của gia đình tôi. Những chiếc bánh xèo vàng ươm với những viền bánh giòn tan, những chén bánh bèo dẻo mịn, rồi những viên đậu phộng rang muối trong những chiều mưa lút đồng không có gì đưa cơm của má tôi. Tôi bảo, ở quê ăn cái gì cũng ngon. Chỉ là những món dân dã nhưng được má chị chăm chút, đặt hết tình cảm vào đó, nên trở thành rất ngon. Tuấn tròn mắt nhìn tôi, rồi cười gường gượng. Nó bảo, giờ em biết vì sao cô giúp việc nhà em nấu ăn dở thế rồi. Cô ấy có tình cảm gì với em đâu mà nấu cho ngon. Tôi tự dưng thấy đắng nghẹn, dù thằng bé hình như chỉ nhận xét rồi quên.

Thấm thoắt tôi đã làm gia sư đặc biệt như thế được năm tháng. Khi má tôi bệnh nặng, tôi gặp chị xin nghỉ việc về quê chăm sóc má. Chị hốt hoảng: “Giờ nó quý em quá rồi. Em nghỉ chị biết tính sao?”. Chị hứa tăng lương lên gấp đôi, bảo tôi cố gắng thu xếp để giúp chị. Dù cũng thương quý Tuấn lắm nhưng tôi buộc phải từ chối. Thật lòng tôi chỉ muốn nói với chị là chị không thể thuê một người mãi mãi gần gũi con giùm chị được. Người gia sư nào rồi cũng phải ra đi. Chỉ có chị mới ở bên con suốt cuộc đời được.

(Theo PNO)