Bình thường không sao nhưng mỗi khi nhà có chuyện, mẹ tôi lại bới móc quá khứ của ba mà chì chiết. Có lẽ bao nhiêu năm thanh xuân, mẹ nín nhịn để ba tác oai, tác quái đủ điều nên giờ về già vẫn ấm ức, muốn làm ông phải bẽ mặt trước đám con cháu.
Theo các dì tôi kể, ba tôi mồ côi cha mẹ từ sớm nên mẹ tôi từ thương hại dần chuyển thành tình yêu. Mẹ khâm phục ba ở nghị lực học hành. Ngày trẻ, ba tôi nổi tiếng là người hào hoa phong nhã. Làm trưởng phòng một công ty thương nghiệp thời bao cấp, tiền bạc trong túi ba lúc nào cũng rủng rỉnh. Ba lại đi làm ở Hà Nội, cả tháng mới về nhà một lần. Mẹ gốc nông dân, lại sống ở vùng đất “gió Lào cát trắng” nên quanh năm vùi mặt vào ruộng đồng.
Mẹ tự nhận mình là người phụ nữ quê mùa, dốt nát nên luôn sợ chồng một phép. Có lần, một người bạn ở Hà Nội điện thoại cho mẹ nói ba bệnh nặng, mẹ tức tốc đón xe lên thăm. Đến nơi, mẹ mới biết sự thật phũ phàng, người bạn gọi điện ấy chính là chồng của cô tình nhân mà ba đang cặp kè. Mẹ như chết đứng khi đẩy cửa vào phòng thấy ba và cô ta trong tư thế lõa lồ. Trong lúc kích động, mẹ gào khóc, hét toáng lên. Sợ xấu hổ, ba vội mặc đồ vào, ôm chặt mẹ kéo ra ngoài. Trên đường về nhà, ba tìm mọi lời ngon ngọt dỗ dành mẹ, thậm chí còn rơi nước mắt vì... hối hận. Những giọt nước mắt cùng lời ngon tiếng ngọt của ba dần thuyết phục được mẹ. Mẹ chấp nhận bỏ qua, tha thứ cho ba.
Nhưng, “ngựa quen đường cũ’, chứng trăng hoa của ba chẳng mấy chốc lại tái diễn. Mỗi lần cặp một cô ba lại có một lý do rất “hợp tình hợp lý” để mẹ tha thứ. Lần nào ba cũng đóng vai nạn nhân của những cuộc tình đó. Có lần, ba ngang nhiên dẫn cô người tình về nhà, giới thiệu là cô em họ thất lạc mới tìm được. Mẹ tưởng người thân của ba nên đón tiếp như một bà hoàng. Suốt một tuần ở nhà, mẹ bắt hết gà vịt thết đãi. Chưa kể, khi cô ấy và ba trở lại Hà Nội, mẹ tôi còn chạy khắp xóm tìm mua trái cây để cô ấy làm quà cho bạn bè.
Mẹ tôi thật thà đến khờ khạo nên không biết “màn kịch” vụng trộm giữa chồng mình và cô tình nhân. Chỉ khi công ty ba tôi làm ăn thua lỗ, đổ nợ; cô tình nhân quay sang đòi tiền ba tôi, lúc đó mẹ mới biết sự thật. Lúc này ba tôi đã tay trắng, không còn chỗ để đi. Mẹ lại chấp nhận nuôi chồng. Không còn tiền, không có tình, ba tôi có muốn cũng không cô nào nhìn đến. Lúc này, mẹ mới được “toàn quyền sở hữu” ba theo đúng nghĩa vợ chồng.
Bao năm chung sống với ba, từ một người phụ nữ đôn hậu, chân chất mẹ tôi dần trở nên đa nghi, đố kỵ. Nỗi uất ức ấy không bao giờ có cơ hội giải tỏa khiến mẹ sinh ra “cừu hận”. Bao tức tối, ghen tuông mẹ dồn hết vào tuổi xế chiều để đay nghiến ba. Phải chi ngày trẻ, mẹ tôi không nhẹ dạ nghe theo lời ngon ngọt, dỗ dành của ba? Hay phải chi mẹ không nhẹ dạ “mắt nhắm mắt mở” ngó lơ những lỗi lầm của ba mà thẳng thắn nhìn nhận sự thật ấy một lần thì về già, ba mẹ đã không phải lục đục với nhau.
(Theo PNTP)