Mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu không chỉ khiến các nàng dâu mệt mỏi, stress mà ngay cả những ông chồng cũng lâm vào cảnh bế tắc.
Chẳng ai muốn mình phải đứng giữa hai làn đạn. Tuy nhiên, nếu vướng phải khúc mắc này, cánh mày râu hiện đại sẽ làm gì?
Người đàn ông hiện đại tâm niệm nếu vợ và mẹ nảy sinh mâu thuẫn, người chồng không nên bênh vực bên nào hoặc bỏ đi mà hãy tìm cách giảng hoà và giải quyết đến cùng mâu thuẫn đó.
Họ nghĩ điều này cần làm sáng tỏ nhằm giúp hai bên có cái nhìn tích cực về nhau, tránh có những lời lẽ đã căng càng căng thẳng hơn, hoặc bênh vực người thân mà quát nạt dạy vợ và ngược lại. Người chồng cũng cần hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn để trở thành người trung gian làm cầu nối giúp vợ và những người thân của mình có cơ hội hiểu nhau hơn.
“Mâu thuẫn gì rồi cũng sẽ được hóa giải nếu biết trò chuyện, chia sẻ, chấp nhận”
Đó chính là chia sẻ rất thẳng thắn của nhà báo Hoàng Anh Tú. Anh Tú cho biết thêm: “Trong cuộc trò chuyện ở Đà Nẵng về hôn nhân, khi được hỏi: 3 từ quan trọng nhất trong cuộc hôn nhân của anh là gì? Mình đã trả lời: 3 từ đó là: trò chuyện, chia sẻ, chấp nhận. Đó là 3 từ mình chợt nghĩ ra nhưng cũng là 3 từ vô cùng quan trọng đối với mọi mối quan hệ. Và mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng không phải ngoại lệ.
Là trò chuyện bởi không chỉ hôn nhân, mọi mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc đời này đều cần đến trò chuyện. Người ta không thể duy trì một mối quan hệ nếu không có trò chuyện. Yêu quý đến đâu mà không thể trò chuyện được với nhau thì mối quan hệ ấy sẽ sớm chết yểu.
Trò chuyện được thì nếu có rạn nứt, tình cảm mẹ chồng - con dâu vẫn có thể cứu vãn. Trò chuyện được thì mới hiểu được, thì mới tìm thấy được tương lai. Bằng không trò chuyện được, mỗi người đều nói một hướng, mỗi người đều cố thủ với ý nghĩ hơn thua thì cuộc trò chuyện ấy sẽ đi vào bế tắc.
Là chia sẻ bởi sự chia sẻ bao nhiêu cũng không đủ. Càng chia sẻ được với nhau thì những khác biệt sẽ càng dễ được trân trọng và hiểu thấu. Chia sẻ cũng là cách để nuôi lớn tình yêu trong hai con người với nhau.
Nhà báo Anh Tú cho rằng: “Mâu thuẫn gì rồi cũng sẽ được hóa giải nếu biết trò chuyện, chia sẻ, chấp nhận”. |
Là chấp nhận bởi người ta sẽ chấp nhận khác biệt nhờ trò chuyện và chia sẻ. Chấp nhận con người của nhau để đi xa hơn, để đừng bức xúc về nhau nữa. Ai cũng có một cái tôi to đùng và khó chấp nhận cái tôi cũng to không kém của đối phương thì làm sao giữ lại được nhau?
Ngoài 3 từ đó, tôi còn nghĩ và nhớ ra vài từ khác nữa như: Trân trọng nhau. Trân trọng trái tim nhau để không làm trái tim ấy bị tổn thương. Để tâm đến nhau chứ đừng chỉ để ý. Tin nhau nhiều hơn. Hy vọng về nhau và cho một ngày mai phía trước...
Là nhiều nữa nhưng tựu chung lại là mong mỏi chung về một mái ấm. Chừng nào ước muốn của cả 2 còn mong giữ mái ấm này thì mọi điều đều làm được. Vậy thôi! Chính vì thế, khi hai vợ chồng cùng thực hiện nghiêm túc 3 điều quan trọng nhất đó, mình tin gia đình mình sẽ không bao giờ xảy ra những mâu thuẫn không mong muốn, như mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu chẳng hạn.
Thêm vào đó, mình thiết nghĩ, điều quan trọng để không có mâu thuẫn là ông chồng cần có cách ứng xử công bằng, khôn khéo, biết tạo ra cơ hội để vợ ghi điểm đối với gia đình chồng. Nhưng cũng đồng thời biết tìm ra những mấu chốt mâu thuẫn giữa họ với nhau để giải quyết nó ngay từ khi mới nảy sinh”.
“Mình sẽ là người giải hòa êm đẹp mâu thuẫn đó”
Là một người chưa lập gia đình song Nguyễn Thái Anh (25 tuổi, Nhân viên truyền thông) đã có những chia sẻ rất chín chắn về vấn đề này.
Anh tâm sự: “Mình là con trai duy nhất trong nhà, nên dù chưa lập gia đình nhưng mình cũng dự định sau khi lập gia đình sẽ sống cùng mẹ (vì bố mình đã mất) để tiện chăm sóc bà. Vì vậy, việc mâu thuẫn giữa mẹ mình và vợ (tương lai) là điều có thể lường trước được.
Nhưng mình nghĩ, đối mặt với trường hợp này, người đàn ông như mình cần nhận biết tính chất của mâu thuẫn đó đã đi đến mức độ nào, ví dụ như mâu thuẫn nhỏ hay đã trở nên gay gắt…
Với những mâu thuẫn nhỏ, mình hi vọng mình là người sẽ biết cách hòa giải mối quan hệ giữa mẹ và vợ mình. Mình sẽ nhẹ nhàng nói chuyện với mẹ để giúp mẹ hiểu hơn về con dâu của bà, và cũng sẽ tâm sự với vợ để vợ có thể thông cảm hơn cho mẹ chồng của nàng.
Là một người chưa lập gia đình song Nguyễn Thái Anh (25 tuổi, Nhân viên truyền thông) đã có những chia sẻ rất chín chắn. |
Còn đối với những mâu thuẫn lớn, khi tình hình trở nên căng thẳng, mình sẽ không ngần ngại chỉ ra cái sai và mong muốn những điều tương tự không lặp lại. Mình sẽ chỉ ra cái sai dựa trên sự hòa hợp, gắn kết để hiểu nhau hơn trong một gia đình chứ không phải chỉ ra cái sai để chì chiết mẹ hoặc vợ. Làm sao mình có thể chì chiết hai người phụ nữ mà mình yêu thương chứ?
Thứ nữa, mẹ mình là một người phụ nữ cực kỳ tâm lý. Vì thế, mình tin bà sẽ biết cách xử sự để hiểu và ‘chiều’ vợ của con bà. Và điều quan trọng nhất, người mà mình sẽ chọn làm vợ, chắc chắn cũng sẽ yêu thương mẹ mình chẳng khác nào mình.
Vì vậy, mình tin là cuộc sống của mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình mình sẽ không gặp phải những vấn đề mâu thuẫn quá gay gắt, bởi mình sẽ dành tất cả để yêu và thương cho hai người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình”.
“Sẽ luôn tổ chức những bữa ăn ấm cúng để thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình”
Đó là cách giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu của anh Sơn Tùng (26 tuổi, diễn viên điện ảnh) nếu phải rơi vào tình huống khó xử này.
Anh chia sẻ: “Mình nghĩ khi có mâu thuẫn giữa mẹ và vợ mình, người chồng không nên là quan tòa phân xử đúng - sai mà nên lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của cả hai bên để có thể chia sẻ, làm dịu bớt cảm xúc của họ, giúp những thành viên trong gia đình mình, nhất là cha mẹ mình cảm thấy được tôn trọng. Còn vợ mình cảm thấy không bị bỏ rơi.
Mình tin người phụ nữ của mình cũng sẽ có cái nhìn cảm thông với gia đình chồng. Bởi sau những sóng gió của cuộc đời, điều cô ấy cần là hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự.
Về phía vợ, mình sẽ nói với cô ấy rõ quan điểm rằng "Bố mẹ anh chỉ có 1".
Sơn Tùng chia sẻ: “Sẽ luôn tổ chức những bữa ăn ấm cúng để thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình”. |
Còn về phía mẹ, mình sẽ nói và phân tích mong mẹ hiểu hơn về cô ấy. Mình sẽ tâm sự mong mẹ thông cảm cho sự khác biệt về quan điểm sống tồn tại giữa 2 thế hệ. Nếu mẹ làm căng thẳng mâu thuẫn với vợ thì người khổ nhất là mình chứ không ai khác. Mẹ nào mà chẳng thương con.
Thêm vào đó, mình sẽ cư xử rõ ràng, không bênh ai. Khi biết mình không bênh vợ, mình nghĩ mẹ sẽ dịu ngay thôi. Sau đó bằng 1 cách khéo léo mình sẽ tổ chức 1 bữa ăn ấm cúng để thắt chặt tình cảm và xóa tan mâu thuẫn không đáng có trong gia đình”.
(Theo Trí thức trẻ)