Mỗi lần vợ chồng gây nhau, cả hai đều không đủ bình tĩnh để... kiệm lời và kìm lòng; câu chữ thốt ra, do đó, cũng chẳng cần đối phương nghe, miễn sao mình đã nư, hả dạ.

Mọi chuyện chỉ dừng lại khi một trong hai bị tổn thương, không chịu đựng được nữa, vào phòng đóng sầm cửa hoặc đi đâu đó cho nguôi ngoai. Vợ nhận ra, trong những cuộc cãi vã, vợ như biến thành một người khác, rất… tồi tệ trong mắt chồng và ngược lại. Liệu chúng mình có xấu thế không?

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vợ đang ngồi kiểm điểm bản thân, khi “trận chiến” vừa rồi, chồng kết thúc bằng câu: “Tôi là loại người như thế, không chút xứng đáng với cô thì cô lấy tôi làm gì?”. Trước đó, vợ đã xối xả: “Anh là thứ đàn ông ích kỷ. Tôi quá thất vọng vì “vớ” phải người chồng tủn mủn, vụn vặt, lòng dạ chật hẹp như anh”. Thế nhưng, chồng có nhớ, câu đó của vợ là để đáp lại lời chồng: “Cô đúng là… thiểu năng. Cãi nhau với cô không bõ!”. Chuyện có gì đâu, đơn giản là vợ lén chồng cho em trai một ít tiền tiêu vặt. Chồng biết chuyện, xỉ vả vợ đầu óc không biết nghĩ, tiền bạc ban phát vô tội vạ. Hai mươi tám tuổi, Tuân - em trai vợ vẫn chưa có việc làm, lông bông sống dựa vào bố mẹ. Ông bà chán ngán, cắt viện trợ để Tuân có ý thức, trách nhiệm hơn với bản thân. Biết vậy nhưng em trai ghé chơi, hỏi xin ít tiền, vợ không thể ngó lơ. Chồng bực: “Giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo. Em cứ vậy, cậu ấy sao lớn nổi. Làm gì cũng phải nghĩ, cái đầu có biết nhìn xa trông rộng hay không chính là những lúc như thế”. Vợ tự ái, vả lại, chỉ có mấy trăm ngàn đồng thì có đáng gì, nên nổi xung: “Anh đừng làm lớn chuyện”. Vậy là gây nhau. Chồng bảo vợ “thiểu năng”, vợ nói chồng “hẹp hòi”.

Lần trước cũng vậy. Chồng phán như đinh đóng cột: “Cô ác quá vậy! Cô không đáng làm người, huống gì làm mẹ”. Vợ sững sờ, nhưng cũng kịp trả đũa: “Ác thế tôi mới trị nổi thứ người chuyên phá hoại như cha con anh”. Số là, hai cha con chơi xong trò tô tượng, dính bẩn, con trai chạy vào bếp rửa tay, loay hoay thế nào mà lọ thủy tinh vợ vừa mua bị rơi xuống nền vỡ tan. Bị mẹ phát vô mông ba cái, con khóc thét. Chồng lao đến, ôm con, hỏi vợ “có trái tim không?”. Điên tiết, vợ giằng lại con, đét thêm một phát, cốt… đánh cho bõ ghét chồng. Chồng quắc mắt nhìn vợ rồi bồng con ra ngoài, không quên ném lại câu vợ là người ác độc, sống thiếu tình thương.

Lần trước và những lần trước nữa, không thể nhớ nổi vợ chồng mình đã làm tổn thương nhau bằng lời lẽ xúc phạm như thế nào. Lẽ ra phải chấn chỉnh ngay từ đầu nhưng cả hai vẫn cứ “ăn thua đủ” với nhau. Cuối cùng, ai cũng trở nên chai lì. Để rồi sau đó, vợ nhốt mình đau khổ, khóc thầm, tủi thân vì thực tế vợ đâu phải là người như thế. Chồng cũng có hơn gì, có lần gây với vợ xong, chồng phóng xe đi gặp người bạn thân, mắt đỏ hoe trút tâm sự rồi nức nở hỏi bạn: “Ông thấy tui có… tệ đến mức đó không? Sao vợ tui miệt thị, khinh khi tui đến vậy?”. Nghe người bạn kể lại, vợ thắt lòng vì thấy thương chồng, thấy mình có lỗi.

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sáu năm chồng vợ, những lời “có cánh” dành cho nhau như đã không còn. Những lời nặng nề trong lúc nóng giận khiến vợ, chồng đều chung cảm giác… mắc cỡ, xấu hổ khi hai đứa làm lành, lời yêu thương trở nên ngượng miệng, thành thứ quà xa xỉ. Cứ tiếp diễn như thế, e rằng đến một ngày ngay cả giao tiếp bình thường, vợ chồng cũng sẽ khó lòng mở lời với nhau. Hiện tại, rõ ràng là truyền thông giữa hai vợ chồng đã trở nên… cộc lốc, giản lược câu chữ đến mức tối thiểu.

Kiểm điểm bản thân xong, vợ mở máy tính, đặt câu hỏi “Làm sao để kìm lòng, bớt lời… tàn độc trong lúc gây nhau?” lên diễn đàn dành cho các đôi vợ chồng trẻ. Một comment xuất hiện: “Nghĩ đến một cốc nước mát thay vì cố tìm lời xúc phạm” khiến vợ bật cười. Không biết lời tư vấn hiệu nghiệm đến đâu nhưng vợ vẫn thấy vui vì đã nghiêm túc nhìn nhận lại khuyết điểm của mình, từ đó sẽ có ý thức sửa sai. Còn chồng thì sao? Hợp tác với vợ nhé. Cố gắng này không thể chỉ đến từ một người…

(Theo PNO)