Cuối tháng 11 rồi, cơ quan em tổ chức đi du lịch thường niên. Nghe nói đi chơi, ai trong cơ quan cũng vui, chỉ có mình em là phát rầu. Tất cả chỉ vì cái tính ghen tuông kỳ quặc của anh.
Lúc mới vào làm, cơ quan tổ chức đi nước ngoài, nhưng người thân đi theo phải đóng tiền. Gần chục triệu một suất, đóng thêm cho anh và con đi cùng là nhà mình mất khoảng 20 triệu. Lúc đó nhà kẹt tiền, nên em chỉ đăng ký đi một mình. Ai ngờ, anh không chịu nghe giải thích mà lại nổi giận: “Chắc cô muốn tự do đi với thằng nào trong cơ quan đúng không?”. Anh làm ầm ĩ mấy ngày, em mệt mỏi quá nên hủy chuyến đi đó.
Đến năm sau, cơ quan cho đi Nha Trang. Rút kinh nghiệm lần trước, cộng với lần này chi phí thấp, em đăng ký cho cả anh và con. Suốt chuyến đi, anh quan sát các đồng nghiệp nam của em. Thấy ai có vẻ thân thiết, nói chuyện nhiều với em là anh ghi nhớ, đến khi về phòng là tra hỏi: “Thằng đấy là thằng nào? Sao không nói chuyện với người khác mà toàn nói chuyện với em thế?”. Đến bãi biển, em vừa thay bộ đồ tắm, anh buông một câu xanh rờn: “Mặc cho thằng nào nhìn thế?”. Những tưởng cả gia đình sẽ có những ngày vui vẻ bên nhau, ai ngờ cái tật ghen của anh lại biến chuyến đi chơi thành chuỗi dài căng thẳng và bức bối.
Nguồn: Internet |
Năm nay, em không đăng ký đi du lịch, vợ chồng con cái đều ở nhà. Tưởng vậy là anh không ghen. Ai ngờ, anh lại nói: “Chắc là có gì mờ ám trong cơ quan, nên không dám dắt chồng đi chứ gì?”. Thiệt tình, em không biết làm sao anh mới vừa lòng.
Hồi mới cưới, vì cái điện thoại mà hai vợ chồng mình cãi nhau mãi. Anh cứ canh chừng em sơ hở là lấy điện thoại của em đọc tin nhắn, kiểm tra các cuộc gọi. Thấy có dấu hiệu khả nghi, anh mở ngay “cuộc điều tra”. Có khi anh hỏi dò bạn bè, người quen xem đối tượng là ai. Có khi anh gọi thẳng cho đối tượng, hỏi han lòng vòng. Có khi anh “chơi bài ngửa”, gọi em ra hỏi thẳng. Em giận quá, cài mật khẩu điện thoại để anh khỏi lục lọi, thì anh lại nói xiên nói xỏ theo kiểu: “Chắc có gì giấu diếm nên mới cài mật khẩu”. Rồi laptop, email của em cũng chung số phận với cái điện thoại. Hai vợ chồng suốt ngày cứ cắn đắng, giận hờn, cãi nhau theo những cơn ghen của anh.
Công bằng mà nói, trừ vụ ghen bóng gió, anh rất tốt. Mình quen nhau chẳng phải ngày một ngày hai, trước khi yêu nhau đã có cả quãng thời gian dài làm bạn. Ngày xưa, em là hoa khôi của trường. Còn anh là chàng trai có vẻ ngoài dưới trung bình, tính tình cục mịch, ít nói. Vậy mà hai đứa lại yêu nhau rồi cưới nhau trong sự ngạc nhiên của bạn bè. Chắc có lẽ vì mặc cảm vẻ ngoài thua sút, nên anh hay ghen chăng?
Phải chi tính em trăng hoa, anh ghen cũng dễ hiểu. Đằng này, từ lúc lấy nhau đến giờ, em chưa bao giờ làm gì có lỗi với chồng. Hơn nữa, biết tính anh, trong lời nói, trong ứng xử và hành động hàng ngày, em luôn giữ ý tứ, tránh để anh hiểu lầm. Vậy mà, anh vẫn ghen, ghen dữ dội. Bao nhiêu năm qua, anh cứ mãi đi tìm kẻ thứ ba không có thật.
Nếu anh muốn tìm “kẻ thứ ba” ấy, em sẽ chỉ cho anh. “Kẻ thứ ba” chính là cái thói ghen tuông bóng gió của anh. “Kẻ thứ ba” ấy đang chen giữa hai vợ chồng mình; làm cho anh đa nghi, anh dằn vặt, anh hằn học, anh tức tối. Làm cho em căng thẳng, em bức xúc, em tổn thương. “Kẻ thứ ba” ấy đang bào mòn tình cảm vợ chồng, làm hình ảnh của anh ngày càng xấu đi trong mắt em. Anh hãy gìn giữ hạnh phúc gia đình bằng cách triệt tiêu “kẻ thứ ba” ấy đi.
(Theo Phunuonline)