Giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet chiều 5/12/2013, GS.TS Nguyễn Lân Việt- chuyên gia hàng đầu về tim mạch và tăng huyết áp khuyến cáo mỗi người "Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình", bởi căn bệnh hiểm này không chừa một ai và đang gia tăng nhanh chóng trong cộng đồng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị Tăng huyết áp (THA) và có tới 7.5 triệu người tử vong do nguyên nhân trực tiếp là THA trên toàn cầu.

Ngay ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố của nước ta thì tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%! Nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA.

Báo cáo về sức khoẻ hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh: THA là “kẻ giết người số một” với nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần nguy cơ từ hút thuốc lá và cao gấp 100 lần so với nguy cơ tử vong vì tai nạn từ lái ô tô.

Nguy hiểm là vậy nhưng THA lại là căn bệnh diễn tiến âm thầm, ít có dấu hiệu cảnh báo. Những dấu hiệu của THA thường không đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Nhiều khi, bệnh nhân thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì ngay tiếp theo đó cũng là những giây phút cuối cùng của cuộc đời do họ đã bị xuất huyết não nặng nề.

Mặc dù y học đã chứng minh mức độ phổ biến và nguy hiểm của bệnh THA, nhưng cho đến tận bây giờ trong điều trị THA vẫn tồn tại 3 nghịch lý. Đó là:
- THA là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo HA khá đơn giản) nhưng người ta thường lại không được phát hiện mình bị THA từ bao giờ.
- THA là bệnh có thể điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều.
- THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được “HA mục tiêu” lại không nhiều.

Ở Việt Nam, trong tổng số người bị THA, có 52% không biết mình bị THA; 30% số người biết bị THA nhưng không điều trị; 64% số người biết bị THA, đã được điều trị, nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.

Liệu chúng ta có thể phòng, chống lại “kẻ giết người thầm lặng” được hay không? Có cách nào đơn giản biết mình THA? Nếu đã mắc THA thì có cách nào điều trị đạt huyết áp mục tiêu?

Để cùng bạn đọc giải đáp băn khoăn nói trên, Báo VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến: Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án phòng chống THA Quốc gia.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

{keywords}

Nhà báo Phạm Anh Tuấn- Phó Tổng biên tập Báo VietNamNet tặng hoa GS.TS Nguyễn Lân Việt. Ảnh: Lê Anh Dũng

1 TRONG 4 NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH MẮC TĂNG HUYẾT ÁP

Dinh Xuan Hung Nam 72 tuổi:
Tôi bi THA 10 năm nay, hiện tại vấn đang điều trị theo đơn tại BV tỉnh. Xin hỏi GS với người cao tuổi thì điều trị THA có điểm gì cần phải chú ý hay không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với người cao tuổi bị THA thì cần chú ý một số điểm sau đây:
- Người cao tuổi thường bị THA tâm thu, nghĩa là chỉ có số HA tối đa tăng cao, trong khi số HA tối thiểu thì bình thường hoặc thấp.
- Khi điều trị cho bệnh nhân cao tuổi THA thì người cao tuổi rất dễ bị hiện tượng tụt áp trong tư thế đứng, nghĩa là khi nằm hoặc ngồi HA bình thường hoặc cao, nhưng khi bệnh nhân đứng dậy thì HA bị tụt một cách đột ngột làm cho bệnh nhân có cảm giác loạng choạng, chóng mặt, thậm chí ngã gục xuống
- Liều lượng thuốc hạ áp dành cho người cao tuổi thường được cân nhắc kỹ lưỡng, nói chung liều lượng thuốc nên thấp hơn ở người trẻ vì chức năng thận của người cao tuổi thường không thực tốt như của người trẻ và khi HA bị hạ nhanh quá thì hay gây ra tình trạng thiếu máu não, làm cho người bệnh cảm thấy bị loạng choạng, chóng mặt...

Xuan Khiem 58 tuổi
Khoảng 6-7 năm nay,tôi bị THA,cứ về đêm đến sáng sớm tôi đo được từ 160-170/100-11. Sau đó nó tự giảm dần về chiều,có hôm phải uống thuốc viên Micardis Plus hoặc viên Nifedipine,tối uống thêm một viên cadit hoặc enapapril, tình hình có giảm nhẹ nhưng không bền vững. Đi khám, BS không giải thích hiện tượng này.Mong các GS giải thích và cho thêm biện pháp xử lý,nếu được gặp gỡ trực tiếp các GS chắc tốt hơn.Xin cảm ơn.

{keywords}

Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Ở người bình thường HA thường khoảng 110 - 120/70 - 80 mmHg. HA của mỗi người sẽ dao động trong ngày tùy theo trạng thái của cơ thể đang lao động hay nghỉ ngơi, thoải mái về tinh thần hay đang bị stress tâm lý… Ngoài ra HA của chúng ta cũng còn phụ thuộc vào một số yêu tố ngoại cảnh khác như: điều kiện nhiệt độ của môi trường sống… Tuy nhiên khi HA của bạn ≥ 140/90 mmHg thì được gọi là THA.

Bạn bị THA và đang được sử dụng thuốc điều trị THA, thuốc điều trị THA có nhiều nhóm thuốc khác nhau với các đặc điểm rất khác nhau. Có thuốc điều trị THA tác dụng nhanh và cũng có những thuốc tác dụng kéo dài 24 giờ trong ngày, có thuốc làm tăng nhịp tim và cũng có thuốc làm giảm nhịp tim…Vì vậy bạn cần đến cơ sở y tế để được các BS thăm khám chuyên khoa (đeo máy holter HA 24 giờ) … và được điều trị thích hợp.

Ngoài ra bạn cũng cần phải có 1 chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Bùi văn Sinh, Nam - 51 Tuổi
HA của tôi dao động từ 155 đến 165 trên 90 vậy có cao hay không? Nếu đi khám bệnh tôi phải khám những gì, nhờ BS tư vấn giúp.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với các bệnh nhân THA khi đi khám bệnh thường BS sẽ khám xét toàn diện, kiểm tra số đo HA ở cả chi trên và chi dưới, đồng thời cho kiểm tra 1 số xét nghiệm cơ bản như: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp tim phổi thẳng, xét nghiệm sinh hoá máu, xét nghiệm protein niệu, soi đáy mắt. Trong 1 số trường hợp nghi ngờ THA có nguyên nhân thì BS có thể cho kiểm tra thêm siêu âm thận, động mạch thận, tuyến thượng thận... hay định lượng 1 số nội tiết tố ở trong máu và nước tiểu.

Hoang Tung 64 tuổi
Kính gửi GS .Tôi bị THA 4 năm nay. Hiện tại tôi đang uống thuốc của Pháp loại Coversyl 30 viên/lọ 5mg nhưng HA không giảm là mấy (140/93). Tôi có phải khám lại và đổi thuốc không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Bạn bị THA và đang được sử dụng thuốc điều trị THA, thuốc điều trị THA có nhiều nhóm thuốc với các đặc điểm rất khác nhau. Có thuốc điều trị THA tác dụng nhanh và cũng có những thuốc tác dụng kéo dài 24 giờ trong ngày, có thuốc làm tăng nhịp tim và cũng có thuốc làm giảm nhịp tim…Vì vậy bạn cần đến cơ sở y tế chuyên sâu để được các BS thăm khám và làm các thăm dò thêm như đeo máy holter HA 24 giờ) … và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Ngoài ra bạn cũng cần phải có 1 chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Khuynh hướng chung hiện nay là cần phối hợp thuốc hạ HA để có thể đạt được HA mục tiêu và hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc.

Lê Thu Nữ 32 tuổi
Kính thưa GS, bố cháu năm nay trên 80 tuổi và thường xuyên bị THA, có lúc trên 200, uống thuốc (BS kê) thì có giảm về 160 nhưng ngày hôm sau lại tăng trở lại. Cháu xin hỏi có cách nào để điều trị dứt điểm căn bệnh này không? HA cứ tăng cao như vậy thì xử lý như thế nào? Cháu xin cám ơn.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Bố cháu thường xuyên bị THA, như vậy thì việc điều trị cần tiến hành đều đặn hàng ngày lâu dài, chứ không được dừng thuốc. Ngoài ra cần chú ý điều chỉnh một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm nặng thêm tình trạng THA (ăn mặn, hút thuốc lá, thuốc lào, căng thẳng thần kinh, bị lạnh đột ngột…)

Nguyễn Văn Tâm, Nam - 35 Tuổi
Xin GS cho biết: Các nguyên nhân dẫn đến THA; cách phòng tránh; HA tăng cao nhưng người vẫn thấy khỏe mạnh thì có vấn đề gì không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khoảng 90% những người bị THA là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, có khoảng 10% những người bị THA là do một số nguyên nhân sau đây:

- Nguyên nhân tim mạch: hẹp eo động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hẹp động mạch thận...

- Nguyên nhân nội tiết: u lớp vỏ thượng thận, u tủy thượng thận, cường giáp trạng...
- Nguyên nhân bệnh lý thận: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn, viêm thận bể thận, sỏi thận, suy thận...
- Một số nguyên nhân khác: nhiễm độc thai nghén, sử dụng 1 số thuốc (ví dụ: thuốc cam thảo, thuốc tránh thai, 1 số thuốc chống viêm nhóm stéroid...), xơ cứng mạch máu nhiều nơi...
 
Ở người THA tuy thấy rằng không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt nhưng thực ra các biến chứng lên các cơ quan đích như tim, mắt, não, thận, mạch máu lớn... vẫn đang âm thầm xảy ra và ngày một nặng dần mà đôi khi người bệnh không cảm thấy được, vẫn tưởng rằng mình khỏe mạnh bình thường. Vì vậy, với mọi bệnh nhân THA dù có thấy biểu hiện lâm sàng hay không đều phải điều chỉnh lối sống hợp lý và điều trị thuốc hạ HA một cách đều đặn hàng ngày và nhất là cần điều trị lâu dài.

Nam 23 tuổi
Cháu đi khám bệnh và được chẩn đoán là THA người trẻ tuổi. Cháu đã xem truyền hình và được nghe GS nói có phương pháp điều trị đốt mạch thận, có thể điều trị triệt để. Vậy xin hỏi GS cháu được chẩn đoán THA vô căn có thể điều trị triệt để được không?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Đa số các trường hợp THA là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiêu có 5-10% bệnh THA, nhất là những người trẻ tuổi thì THA có thể do 1 số nguyên nhân như: Hẹp Động mạch thận, u tuỷ thượng thận, viêm cầu thận, hẹp eo động mạch chủ, sử dụng không hợp ý một số thuốc… Để điều trị THA nói chung người ta cần điểu chỉnh lối sống hợp lý và sử dụng 1 số thuốc hạ áp để đạt được HA mục tiêu. Tuy nhiên có 1 số trường hợp THA kháng trị (đã sử dụng từ 3 loại thuốc hạ áp trở lên, trong đó đã có thuốc lợi tiểu) nhưng vẫn chưa đạt được HA mục tiêu (< 140/90 mmHg). Trong những trường hợp này gần đây người ta có áp dụng một kĩ thuật mới là triệt phá các thần kinh giao cảm quanh động mạch thận bằng sóng RF. Tất nhiên các trường hợp này phải được các BS chuyên khoa khám xét kỹ và chỉ định.
 
Trần Hữu Chất, Nam - 58 Tuổi
Thưa GS, Bệnh THA với Áp huyết cao có khác nhau không? Thế nào là THA, cách phòng chống như thế nào là tốt nhất? Tôi hiện giờ 58 tuổi thì HA 155/90 có cao quá không? Xin trân trọng cám ơn GS

 
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Gọi là THA khi HA tối đa (HA tâm thu) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/ hoặc HA tối thiểu (HA tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg. Ở người cao tuổi có thể gặp hình thái THA tâm thu đơn độc, nghĩa là HA tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg nhưng HA tâm trương vẫn nhỏ hơn 90mmHg.
 
Hiện nay Hội Tim mạch Việt Nam thống nhất dùng thuật ngữ THA chứ không gọi là cao HA vì thuật ngữ cao HA chỉ thể hiện một mức HA cao chứ không thể hiện được mức độ biến động của con số HA nhất là những trường hợp HA bị thay đổi tăng lên nhiều.
 
Để phòng chống bệnh THA thì cần thực hiện việc điều chỉnh để luôn có một lối sống hợp lý:
- Không nên ăn mặn, hạn chế ăn mỡ động vật mà thay bằng các loại dầu thực vật, hạn chế các loại thực phẩm có nhiều cholesterol như: tim, gan, bầu dục, não, trứng...
- Không nên uống nhiều rượu bia.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Tránh lo âu quá nhiều, căng thẳng thần kinh quá mức.
- Nên điều chỉnh chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi một cách hợp lý.
- Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng, cố gắng mỗi ngày khoảng từ 30-45 phút.
- Điều trị triệt để những yếu tố nguy cơ về tim mạch như: tối loạn lipid máu, tiểu đường, bệnh thận mạn, thừa cân, béo phì...
- Khám sức khỏe định kì và làm một số xét nghiệm cần thiết trong những đợt khám sức khỏe đó.

Trường hợp của ông có HA 155/90mmHg thì chắc chắn đã là bị THA và rất cần phải được điều trị kịp thời.

Đỗ Đình Đảng, Nam - 48 Tuổi
Cháu hay bị nhức đầu, có phải là triệu chứng bị THA không? Cám ơn BS

{keywords}

GS. TS Nguyễn Lân Việt đang trả lời câu hỏi bạn đọc VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau như: THA, thiên đầu thống, viêm não, viêm màng não, u não, viêm xoang, các viêm nhiễm khác nhau ở hệ thống tai mũi họng và răng hàm mặt, sốt cao vì các nguyên nhân khác nhau... Tuy nhiên, nếu thấy nhức đầu thì rất nên kiểm tra số đo HA. Những người bị THA mà thấy nhức đầu thì lại càng phải kiểm tra ngay số đo HA của mình vì có thể đấy là dấu hiệu báo cho biết là số HA đang tăng lên.

Dấu tên - Nữ 30 tuổi
Tôi khoảng hai tháng nay cứ thấy người mệt mỏi, ngực nặng, tức và hơi đau bên trên ngực trái, người tôi hay hồi hộp bàng hoàng, liệu có liên quan gì đến Tim không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Đau ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân chứ không phải cứ đau ngực là có bệnh tim. Tất nhiên, khi đau vùng ngực bên trái, nhất là đau thắt ngực thì nên nghĩ đến bệnh lý của động mạch vành. Trong trường hợp này nên đến các thầy thuốc chuyên khoa Tim mạch để được làm một số những thăm dò cần thiết để có được chẩn đoán xác định, từ đó đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.

Nhiều trường hợp đau ngực nhưng nguyên nhân có thể là do nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm, do bệnh lý của màng ngoài tim, do hở động mạch chủ, do tách thành động mạch chủ, do bệnh lý của phổi (u phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phổi, nhồi máu phổi) hoặc bệnh lý của hệ cơ hoặc thần kinh ở lồng ngực, hoặc rất nhiều các trường hợp đau ngực nhưng do các bệnh lý của dạ dày (viêm, loét dạ dạy hoặc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản)...

Bùi Thị Thắm - Nữ 35 tuổi
Xin chào BS, năm nay cháu 35 tuổi. Bác cho cháu hỏi là nhịp tim của cháu lúc nào đo cũng là 90-100, HA đo thì bình thường là 110/70. Bác cho cháu hỏi nhịp tim của cháu thế có ảnh hưởng gì không? Có cần phải uống thuốc điều chỉnh nhịp tim không?. Cháu cũng đã đi kiểm tra tại bệnh viên tỉnh, siêu âm không vấn đề gì chỉ bảo nhịp tim nhanh.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Nhịp tim bình thường của mỗi người lúc nghỉ dao động từ 60-70 ck/phút, nhịp tim sẽ tăng lên khi vận động. Nếu nhịp tim của bạn lúc nào cũng ở mức 90-100ck/phút thì nên đi khám và xét nghiệm một số nội tiết tố (TSH, FT3, FT4, T3, T4) vì có một nguyên nhân hay gặp như bệnh cường giáp (Basedow) có triệu chứng nhịp tim nhanh kèm theo gầy sút cân, run tay, bướu cổ ...

Nếu các xét nghiệm hormon tuyến giáp bình thường thì nhịp tim nhanh của bạn có thể do cường thần kinh giao cảm. Bạn chỉ cần luyện tập thể dục đều đặn hàng ngày, tránh căng thẳng và đảm bảo đủ giấc ngủ ít nhất 8 giờ/ngày.

Nếu nhịp tim vẫn còn nhanh thì bạn cần gặp BS chuyên khoa tim mạch để họ sẽ khám và cho một số thuốc điều trị phù hợp (Ví dụ thuốc chẹn kênh “f” như Procoralan chỉ làm giảm nhịp tim mà không làm giảm HA.

Nguyễn Văn Tuân 32 tuổi
Chào BS, bố cháu thỉnh thoảng thấy khó thở, đau ngang ngực trái. Khoảng thời gian năm ngoái, Bố cháu có đi khám ở bệnh viện huyện thì được chẩn đoán là thiểu năng động mạch vành và cũng đã uống thuốc Aspirin và omega-3. Bệnh này thì như thế nào ạ? Bây giờ bố cháu muốn chữa bệnh này thì phải khám ở đâu ạ? Chế độ ăn uống ạ? Cháu xin cám ơn!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Bác đã đi khám và được chẩn đoán là thiểu năng bệnh động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi tim). Hiện tại bác vẫn thỉnh thoảng xuất hiện đau ngực khi gắng sức, đây cũng là triệu chứng rất hay gặp trong bệnh động mạch vành. Vậy bác nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch để được làm các xét nghiệm thăm dò chuyên khoa như: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp MSCT động mạch vành 64 dãy, MSCT động mạch vành 256 dãy, chụp động mạch vành qua đường ống thông trực tiếp …để chẩn đoán chính xác tình trạng hẹp động mạch vành và từ đó các BS sẽ đưa ra phương thức điều trị thích hợp nhất.

Nguyễn Văn Tuấn, Nam - 29 Tuổi
Kính chào GS Nguyễn Lân Việt. Cháu xin hỏi GS cháu có triệu chứng khi đứng trước áp lực công việc và chuẩn bị phải làm những việc mà không phải sở trường của cháu, thì tim cháu đập rất nhanh và đặc biệt là ra rất nhiều mồ hôi tay... Cháu hỏi GS như vậy tim mạch của cháu có vấn đề gì không ạ Cháu xin cảm ơn GS!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Trường hợp của anh nhiều khả năng là có tình trạng rối loạn thần kinh thực vật kiểu cường giao cảm. Trong các trường hợp này người bệnh thường rất dễ bị những yếu tố bên ngoài tác động vào (quá lo âu, căng thẳng thần kinh, thời tiết thay đổi đột ngột, áp lực công việc quá nhiều...) Những triệu chứng thường gặp trong các trường hợp nói trên là: nhịp tim đập nhanh, HA tăng nhẹ, vã mồ hôi, đau đầu, mặt hồng lên hoặc lại hơi tái...

Để hạn chế tình trạng bệnh lý này thì người bệnh cần cố gắng tự điều chỉnh lối sống của mình, tránh quá lo âu hoặc ngược lại căng thẳng suy nghĩ nhiều. Nên bình tĩnh giải quyết dần các công việc. Nếu các biện pháp này vẫn không giải quyết được thì có thể gặp các thầy thuốc chuyên khoa để được tư vấn sử dụng một số thuốc (như thuốc chẹn Bê-ta giao cảm, thuốc an thần...).

Đới văn Thọ, Nam - 58 Tuổi
Xin GS cho biết hiệu quả của phương pháp đốt rung nhĩ, nơi nào ở Hà Nội thực hiện được kỹ thuật này, Chi phí khoảng bao nhiêu tiền? Xin chân thành cảm ơn GS và chương trình

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim nặng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là gây tắc mạch hệ thống và suy tim. Để điều trị rung nhĩ ngoài việc tìm được nguyên nhân gây rung nhĩ có thể áp dụng một số biện pháp khác như dùng thuốc, sốc điện điều trị phá rung. Gần đây người ta có thể tiến hành thăm dò điện sinh lý tim và sử dụng sóng RF để điều trị trong một số trường hợp rung nhĩ mà thời gian đã bị rung nhĩ chưa lâu. Hiện tại ở Hà Nội, phương pháp điều trị RF đang được tiến hành tại Viện Tim mạch Quốc giá, BV Bạch Mai.

nguyen thi tuoi, Nữ - 29 Tuổi
Xin hỏi GS, cháu mới đi khám sức khỏe định kỳ, sau khi siêu âm tim kết quả là hở van tim 1/4 mức độ nhẹ? Cháu muốn hỏi việc này là bình thường hay là một biểu hiện nhẹ cho bệnh tim? Bệnh THA có liên quan thế nào tới bệnh tim không ? Cám ơn BS!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khi kiểm tra siêu âm tim nếu thấy có hở van 3 lá nhẹ hay hở van động mạch phổi nhẹ thì cũng không có gì đáng lo ngại. Nếu có hở van 2 lá mức độ nhẹ (1/4) ở những người khoảng từ 40 tuổi trở lên thì cũng không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu ở trẻ em hay 1 số người trẻ tuổi mà có hở van 2 lá thì cần khám lâm sàng và làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác để xem có phải là bị di chứng của thấp tim hay bất thường nào đó của van 2 lá (ví dụ: sa van 2 lá), hoặc là do một bệnh lý nào đó làm cho buồng thất trái dãn ra gây hở van 2 lá cơ năng. Nhìn chung ở người lớn vẫn khỏe mạnh sinh hoạt bình thường mà làm siêu âm - Doppler tim có hở rất nhẹ van 2 lá thì cũng không có gì đáng lo ngại cả.

Lại Trọng Khâm, Nam - 56 Tuổi
Kính chào GS. Tôi bị cao huyết áp, hẹp mạch vành đã đặt Stent, uống Betaloc 50mg, enaplaril 10mg ngày 2 lần và plavix, aspirine... nhưng huyết áp dạo này hay cao : >150/10 vậy tôi phải làm sao để HA hạ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Trường hợp của ông vừa bị THA vừa bị tổn thương động mạch vành và đã được đặt Stent động mạch vành thì là một trường hợp có nhiều yếu tố nguy cơ về tim mạch. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc chẹn Bê-ta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, thuốc Statin... thì việc kiểm soát huyết áp tốt là hết sức cần thiết.

Ông đã dùng 2 loại thuốc hạ áp nhưng vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu thì trước hết cần điều chỉnh chặt chẽ hơn về chế độ ăn uống, chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi của mình. Nếu vẫn không điều chỉnh được số đo huyết áp thì có thể phối hợp thêm 1 loại thuốc hạ áp thứ 3 hoặc thay bằng những nhóm thuốc hạ áp khác.

Nguyễn Thế Dũng, Nam - 53 Tuổi
Xin chào GS Việt. Tôi bị chứng rối loạn mỡ máu. Chỉ số Triglycerides có lúc lên tới 6.0. Điều trị bang Lipanthyl 200 mg xuống đến 4.0. Từ 4 tháng nay tôi được chỉ định dùng Lipanthyl Supra và xét nghiệm máu thấy Triglycerides xuống 3.2. như vậy vẫn còn cao đúng không ạ? Tôi có nên chuyển sang dùng thuốc khác hoặc điều chỉnh liều không ạ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Rối loạn Lipid máu là khi có rối loạn ít nhất 1 trong 4 thành phần chủ yếu như sau: tăng cholesterol, tăng LDL.C, tăng Triglycerides hoặc giảm HDL.C. Trường hợp của anh đúng là có tăng Triglycerides máu. Hiện tại mức Triglycerides là 3,2 nghĩa là đã được giảm hơn trước nhưng vẫn còn hơi cao vì mức Triglycerides bình thường là dưới 1,8mmol/l. Tuy nhiên anh cũng không nên lo lắng và sốt ruột quá mà chỉ cần tiếp tục điều chỉnh chặt chẽ hơn về chế độ ăn uống của mình và tiếp tục dùng thêm thuốc đó với liều lượng như trên thì hi vọng tình trạng rối loạn lipid máu sẽ được ổn định dần.

TRIỆU CHỨNG THẦM LẶNG, BIẾN CHỨNG CHẾT NGƯỜI

Ngọc Anh Nữ 29 tuổi
Bệnh cao HA gây ra những hậu quả nào?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Bệnh THA có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau:

- Tim: dày thành thất trái, suy tim, nhồi máu cơ tim
- Tai biến mạch não (nhũn não hoặc chaỷ máu não) với một số biểu hiện như tê tay chân, yếu hoặc liệt ½ người, bán mê, hôn mê hay nói ngọng, méo miệng, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ)…
- Mắt: mờ mắt, xuất tiết – xuất huyết võng mạc, phù gai thị…
- Thận có protein niệu, phù, suy thận
- Mạch máu: phình hoặc phình tắc thành động mạch, hep tắc mạch ngoại vi.

Doan Thu Thao 50 tuổi
Tôi năm nay 50 tuổi, bị THA, tôi đang dùng thuốc hạ HA, nhưng gần đây thấy mắt hay bị nhức, có khi nhìn mờ. Xin hỏi THA có ảnh hưởng tới mắt không và ảnh hưởng như thế nào? Có cách nào phòng ngừa?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: THA là bệnh lý ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như tim, thận, não và mắt. Tác động ở đáy mắt phụ thuộc vào mức độ THA. Có 3 loại tổn thương chính: xơ cứng động mạch võng mạc; bệnh lý động mạch do THA; bệnh võng mạc do THA ác tính: phình động mạch, giãn tĩnh mạch, phù võng mạc (đặc biệt trong nhiễm độc thai nghén khi THA phối hợp với bệnh thận) biểu hiện phù gai, bong hắc võng mạc.

Nguy hiểm nhất là tắc động mạch trung tâm võng mạc gây giảm thị lực. Soi đáy mắt có thể thấy động mạch trung tâm võng mạc co nhỏ, phù trắng võng mạc. Nếu không kịp thời điều trị dây thần kinh thị giác sẽ bị thoái hoá, mắt đó sẽ mù vĩnh viễn. Vì vậy khi nghi ngờ bị tắc động mạch trung tâm võng mạc nhất thiết phải đưa ngay người bệnh tới trung tâm nhãn khoa để được xử lý kịp thời.

Phòng ngừa biến chứng này bằng kiểm soát HA (uống thuốc hạ HA theo chỉ định của BS), kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập. Nếu HA không giảm thì phải khám lại để điều chỉnh hoặc thay thuốc.

Trường hợp của bác có biểu hiện nhức, mờ mắt cần phối hợp khám và điều trị cả chuyên khoa mắt và tim mạch. Lời khuyên là bác nên đi khám ngay tại chuyên khoa mắt để soi đáy mắt và kiểm tra HA, từ đó mới có hướng dẫn dùng thuốc thích hợp.

{keywords}

GS.TS Nguyễn Lân Việt. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyễn Ngọc Trà Nữ 40 tuổi
Xin hỏi bác sĩ, HA của tôi thường xuyên ở mức độ 180/120, cũng đã có lúc lên 220/120 đã bị chảy máu mũi, cấp cứu tại bệnh viện hết 7 ngày mới dứt chảy máu mũi. Hiện nay sau khi điều trị một thời gian khoảng hơn 6 tháng nhưng HA của tôi vẫn không giảm, hiện nay vẫn giữ mức 160/110. Bác sĩ cho tôi hỏi có thể điều trị như thế nào, uống thuốc gì để HA có thể trở lại bình thường.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: HA của chị như vậy là rất cao, rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm do THA gây nên. Nếu HA của chỉ vẫn là 160/110 mmHg thì chưa đạt được mức HA mục tiêu. Vì vậy bạn nên đến khám các BS chuyên khoa tim mạch để có thể được tư vấn, đươcj lựa chọn phối hợp các thuốc hạ áp có hiệu quả nhất.

Hồ Chí Năm Nam 51 tuổi
Thưa GS. TS Nguyễn Lân Việt, tôi bị cao HA đã nhiều năm nay, hiện tại thường xuyên uống thuốc (Lostan, Amplo) vào buổi sáng hàng ngày và thường xuyên đo HA ở mức từ 135/95 đến140/100. Xin hỏi GS tôi uống thuốc vậy có đúng không và có hại gì không, nếu có GS cho lời khuyên và cách điều trị khác. 

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Kết quả điều trị của anh như vậy là tạm được nhưng nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và điều trị bằng thuốc để cho đạt HA mục tiêu (<140/90 mmHg) thì tốt hơn.

Trần Thị Mỹ, Nữ - 50 Tuổi
Thưa GS! Em 50 tuổi bị THA từ hơn 5 năm. Em đã đi khám và điều trị bằng nhiều loại thuốc theo đơn BS nhưng có loại thuốc uống vào gây dị ứng, ho kéo dài. Xin GS tư vấn cho điều trị loại thuốc gì an toàn và hiệu quả nhất?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Nhóm thuốc ức chế men chuyển dạng Angiotensin là một nhóm thuốc rất tốt để điều trị THA, điều trị suy tim. Nhưng do thuốc làm tăng Bradikinin, là một thuốc dãn mạch mạnh nên có khoảng 10% các bệnh nhân khi dùng nhóm thuốc này thì thấy có hiện tượng ho khan, thậm chí ho khan suốt ngày. Trong trường hợp này chị nên gặp lại bác sĩ điều trị để bác sĩ sẽ hướng dẫn cho chị đổi sang một loại thuốc điều trị hạ áp khác. 

Thực ra không  có thuốc điều trị tốt nhất cho tất cả mọi người bệnh mà chỉ có những loại thuốc thích hợp với từng đối tượng người bệnh khác nhau. Ví dụ, người bị THA mà nhịp tim nhanh thì thuốc chẹn Bê-ta giao cảm là phù hợp, người THA mà bị suy tim hay bị tiểu đường phối hợp thì thuốc ức chế men chuyển dạng Angiotensin hoặc thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin là những thuốc thích hợp nhất...

BỆNH HIỂM ĐẦY NGHỊCH LÝ

Nguyen Long 43 tuổi
Kính gửi GS Lân Việt: Tôi bị THA từ 3 năm nay, tôi đã điều trị theo đơn thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai. Năm 2013 tôi cảm thấy ít đau ngực và HA đã giảm nên tôi tự động 1 tuần uống 01 lần thuốc hạ HA. Tôi xin hỏi GS - Có phải uống thường xuyên khi HA xuống chỉ còn 80/120?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Tất cả các bệnh nhân bị THA cần có chế độ điều trị thường xuyên về điều chỉnh lối sống và thuốc điều trị THA. Trường hợp của bạn sau điều trị HA đã tạm ổn định, nhưng đây là ổn định nhờ thuốc. Vì vậy, cần tiếp tục các thuốc điều trị, nhưng nếu HA giảm nhiều thì cần ghi lại số HA mình vẫn đo ở nhà để gặp lại BS điều trị và BS sẽ điều chỉnh lại liều lượng thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Huong Nữ, 45 tuổi
Xin hỏi GS, khi thấy THA thì chỉ cần uống thuốc hạ áp là đủ phải không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khi bị THA thì việc điều chỉnh lối sống hợp lý và uống các thuốc giảm HA là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong mọi trường hợp thì việc điều chỉnh để có một lối sống hợp lý (điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ tập luyện...) điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác và các bệnh lý khác đi kèm là hết sức cần thiết (ví dụ như điều chỉnh rối loạn lipid máu, rối loạn đường máu, béo phì, hội chứng chuyển hoá, bệnh động mạch vành, béo phì...). Do đó bên cạnh các thuốc hạ áp, việc điều chỉnh lối sống hợp lý phối hợp với điều trị các bệnh lý khác và các yếu tố nguy cơ đi kèm là hết sức cần thiết.

Nguyễn Cường Nam 67 tuổi
Xin hỏi GS là khi bị THA chỉ điều trị thuốc Nam có được không? Xin cảm ơn.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với một số trường hợp THA nhẹ, thì việc điều chỉnh lối sống cộng với việc sử dụng 1 số thuốc có nguồn gốc thực vật với tác dụng lợi tiểu nhẹ cũng có thể giúp giảm HA cho người bệnh. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp THA thì đều rất cần phải sử dụng đến các thuốc tây y mà các thầy thuốc sau khi khám xét kỹ đã kê đơn cho người bệnh để nhanh chóng giúp người bệnh đạt được HA mục tiêu và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh.

Trần Văn Tuấn Nam 37 tuổi
Tôi là nam giới 37 tuổi không hút thuốc lá uống ít bia rượu (1 tuần hoặc vài 3 tuần mới uống 1 lon bia) tôi phát hiện bị THA từ 1 năm nay lúc đó HA khoảng 145/95.

Hiện tôi đang uống thuốc HA Telmisartan Stada 40mg mỗi ngày một viên vào buổi sáng thì HA ổn định về khoảng dưới 120/90 (đo nhiều ngày). Nhưng chỉ cần bỏ thuốc vài ngày thì HA lại có thể tăng lên. Từ khi biết bị HA tôi đã tăng cường ăn rau xanh, giảm đường, muối, chất béo, chất bột và đi bộ hằng ngày. Xin cho tôi hỏi nếu cứ tiếp tục uống thuốc kéo dài nhiều năm như vậy có bị lờn thuốc hay không?

Và có thuốc gì có tác dụng lâu hơn một ngày như các thuốc HA hiện tại ( ví dụ như thuốc có tác dụng 2-3 ngày hay 1 tuần mới phải uống một viên). Trên thị trường có quảng cáo thuốc An cung ngưu hoàng hoàn chữa THA có tác dụng 6 tháng, thực hư vấn đề này như thế nào (xin đừng bỏ qua câu này vì nếu bác sĩ không giải thích thì nhiều người có thể tiền mất tật mang).

Xin cho tôi biết có phải uống thuốc HA thường xuyên thì thường bị thiếu canxi, nếu đúng thì bổ sung bằng cách nào? Cám ơn bác sĩ.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Hiện tại anh đang uống thuốc hạ áp và duy trì được tình trạng HA khá ổn định, không thấy tác dụng phụ gì thì nên tiếp tục dùng lâu dài chứ không được dừng điều trị. Nếu sau này phác đồ điều trị đó mà chưa điều chỉnh được hệ số HA như mong muốn thì bác sĩ sẽ điều chỉnh, bổ sung các thuốc hạ áp khác có thể đạt được HA như mục tiêu.

-Nói chung các thuốc hạ áp hiện nay thường chỉ có tác dụng trong 24h vì vậy nên uống thuốc hàng ngày chứ không thể 2,3 ngày mới uống.

- “An cung ngưu hoàng hoàn” không phải là thuốc chữa THA và chắc chắn không thể có tác dụng 6 tháng để chữa THA được.

- Các thuốc hạ áp thường gây ra tình trạng thiếu canxi. Muốn biết thiếu Ca+ máu hay không phải xét nghiệm máu và thùy theo mức độ giảm canxi máu mà người bệnh có thể bổ sung thêm Ca+ bằng thực phẩm hay bằng thuốc.

lananh Nữ 28 tuổi
Thưa GS, mẹ chồng em cũng bị bệnh THA. Bà vẫn uống thuốc HA hàng ngày ạ. Hiện tại sức khỏe của bà vẫn bình thường, vậy có thể dừng thuốc được không ạ? 

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Về nguyên tắc, THA cần được điều trị 1 cách liên tục lâu dài. Vì vậy không nên dừng thuốc vì khi dừng thuốc thì HA lại càng tăng cao và có thể gây những biến chứng bất lợi cho người bệnh.

trần hữu tri Nam 62 tuổi
Tôi bị HA từ hồi thanh niên (quân đội không nhận, dù hồi đó còn chiến tranh ác liệt). Do hoàn cảnh, trong khoảng thời gian dài không theo dõi nên không biết HA thế nào. Sau này, khoảng vài mươi năm trở lại, đo biết là HA của mình cao ( 140-170/ 80-110); thường xuyên uống thuốc và thay đổi thuốc để ổn định HA. Rất ít khi đau đầu, kể cả sau này khi HA 170/110. Tôi muốn hỏi người đã cao HA ngay từ trước 18 tuổi như tôi có nhiều không? Và có cần thiết phải uống thuốc không khi ngay từ trẻ HA cũng đã cao sẵn rồi? Cảm ơn GS

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Có 1 số người trẻ, thậm chí cả trẻ em cũng có thể bị THA tuy nhiên tỉ lệ THA ở người trẻ tuổi thường rất thấp. Nhưng những người trẻ bị THA thì thường có 1 nguyên nhân nào đó, song dù có tìm được nguyên nhân hay không thì vẫn luôn luôn phải điều trị để đạt được huyêt áp mục tiêu, không thể thấy người bình thường không thấy dấu hiệu đau đầu, chóng mặt (mặc dù HA vẫn còn cao nhiều) mà lại ngừng việc điều trị THA.

Nguyên Hữu Nhân Nam 55 tuổi
Tôi thường có HA 180/100, nhưng sao cơ thể vẫn thấy bình thường, không có biểu hiện mệt mỏi gì cả, xin cho hỏi sức khỏe có vấn đề gì không, có cần phải đến bệnh viện thăm khám không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Anh nên biết rằng người ta thường nói “THA là kẻ giết người thầm lặng”. Trường hợp của anh HA khá cao (180/100mmHg) mà chưa thấy có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt thì thực ra cũng không phải là tốt vì như vậy có thể là “hệ thống báo động” trong cơ thể của anh đã có vấn đề, nên mặc dù HA cao mà các biểu hiện lâm sàng chưa thực rõ. Song với mức HA như vậy chắc chắn rằng các cơ quan đích (tim, mắt, não, thận, mạch máu lớn…) đều đã và đang bị tổn thương với các mức độ khác nhau. Vì vậy dù không thấy rõ các triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn cần phải thực hiện việc điều trị đều đặn, liên tục, hàng ngày để đạt được HA mục tiêu.

"HÃY NHỚ SỐ ĐO HUYẾT ÁP NHƯ SỐ TUỔI CỦA MÌNH"

Viet Anh 54 tuổi
Chào BS, cho em hỏi đề phòng bệnh THA thì mình cần phải làm những gì ạ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: THA có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm vì vậy việc phòng ngừa THA là hết sức cần thiết. Cụ thể là cần điều chỉnh chế độ ăn uống (không ăn mặn, hạn chế uống rượu bia, hạn chế ăn các chất mỡ động vật), tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh quá nhiều, điều chỉnh chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi hợp lý hàng ngày. Nên khám sức khoẻ định kỳ và nhất là kiểm tra số đo HA của mình. Cố gắng nhớ được số đo HA như số tuổi của mình. Nên điều chỉnh kịp thời những yếu tố nguy cơ khác (như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì...), tăng cường vận động thể lực khoảng 30 - 40 phút mỗi ngày.

Thu Hương 23 tuổi
Mẹ tôi năm nay 46 tuổi. Cách đây mấy ngày mẹ tôi cảm thấy chóng mặt, kèm theo nhức đầu. Đi khám ở trạm y tế, BS đo HA mẹ tôi lên đến 154. BS bảo mẹ tôi bị THA. Xin hỏi: Tại sao những người lớn tuổi bị THA? HA của người bình thường là bao nhiêu? Còn trẻ tuổi mà muốn tránh bệnh THA thì cần phải làm, ăn những gì? Người bị THA cần tránh những thức ăn gì?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Theo tổ chức y tế Thế giới (WHO) khi HA lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg thì được gọi là THA.
Người già hay bị THA do thành động mạch bị lão hóa, giảm tính đàn hồi, động mạch trở nên cứng hơn, tăng tích lũy mỡ dẫn đến xơ vữa động mạch, rồi sẽ xơ cứng động mạch ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như môi trường sống, chế độ ăn uống, trạng thái thần kinh, các bệnh kết hợp (tiểu đường, gout…).

Người trẻ muốn phòng tránh tăng HA thì:
- Năng tập TDTT, tăng hoạt động cơ bắp làm chậm tiến trình lão hóa.
- Hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Sinh hoạt điều độ, đảm bảo giấc ngủ hợp lý.
- Môi trường sống lành mạnh, ít tiếng ồn, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
- Điều chỉnh để không bị thừa cân hay béo phì.
- Khám sức khỏe định kỳ.

Chế độ ăn đối với người bệnh tăng HA:
- Quan trọng hàng đầu trong chế độ ăn là phải giảm muối, không ăn nhiều thịt hộp, cá hộp, cá kho mặn, lạp xường, không nên dùng thêm nhiều nước mắm hoặc nước chấm khác có muối. Hạn chế dùng những thức ăn khác có nhiều Natri (bột ngọt), giảm mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật.
- Không nên uống nhiều rượu bia, cà phê.
- Giảm hàm lượng calo trong chế độ ăn ở những người béo phì.
- Nên bổ xung thêm một số loại vitamin cần thiết.

Trần Hoà Nữ 38 tuổi
Xin GS vui lòng cho biết chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp với người cao HA? Những loại thực phẩm nào có lợi cho người cao HA và cần phải hạn chế những gì? Xin chân thành cảm ơn GS.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với bệnh nhân THA thì việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý là rất quan trọng. Nên có ý thức ăn nhạt, hạn chế uống rượu bia, hạn chế các loại mỡ động vật và thay bằng các loạ dầu thực vật, hạn chế đồ ăn nhanh. Nên tăng cường các loại rau xanh và hoa quả tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Với người THA nên tập thở, tập đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày là luôn luôn tốt cho người bệnh. Không nên tập các môn thể thao đòi hỏi gắng sức quá nhiều vì không có lợi cho bệnh nhân THA.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số câu hỏi chưa được GS.TS Nguyễn Lân Việt giải đáp. VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến ông.

Để tìm hiểu thêm về bệnh THA, kính mời bạn đọc tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website http://huyetap.vn hoặc gửi email đến hộp thư info@huyetap.vn

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet