- Ngay sau khi có quyết định về thời gian nghỉ tết Nguyên đán, nhiều chị em công sở đã hối hả thay đổi lại lịch trình và lập kế hoạch đặc biệt cho 9 ngày nghỉ Tết sắp tới.
Hối hả thay đổi lịch trình nghỉ Tết
Từ TP. Hồ Chí Minh, ngay sau khi có thông tin về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Ngọc Mai (Bình Trị Đông – Bình Tân) đã vội vàng thay đổi lịch trình nghỉ Tết của cả gia đình.
Chị Mai cho biết, chị Mai và chồng đều quê ở ở Nam Định nên Tết đến chỉ muốn được về quê đón Tết với gia đình. Tuy nhiên, vì thời điểm cuối năm, công việc ở cơ quan bận rộn, 2 vợ chồng lại phải làm đến tận 30 Tết mới được nghỉ nên khó lòng đặt được vé về Bắc. Vì vậy, đã 3 năm nay, 2 vợ chồng đều phải đăng ký trực Tết tại cơ quan. Sau đó, chờ đến khi mọi người đi làm trở lại, 2 vợ chồng mới xin nghỉ bù để về quê với gia đình.
Theo chị Mai, về quê vào thời điểm đó tuy không vui bằng về vào đúng dịp Tết nhưng việc đặt vé và đi lại cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vào ngày 3/12 sau khi đọc báo thấy có quyết định nghỉ Tết 9 ngày, hơn nữa, lại được nghỉ từ 28 Tết, chị Mai và chồng đã quyết định thay đổi kế hoạch và sẽ đưa gia đình về Bắc vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
Không phải sống quá xa quê như trường hợp của chị Mai, nhưng Tết năm nào 2 vợ chồng chị Bình cũng phải cãi nhau vì việc phân chia ngày nghỉ tết ở bên nội và bên ngoại.
Theo chị Bình, mọi năm, kỳ nghỉ Tết chỉ bắt đầu từ 30 tháng Chạp, và kéo dài cho đến hết ngày mùng 5. Tức là 2 vợ chồng chỉ được nghỉ Tết 5, 6 ngày. Trong khi đó, ở 2 bên nội ngoại, cả chị Bình và chồng đều là con một. Bố mẹ chồng chị ở Thái Bình, còn chị lại quê ở Lào Cai. Do vậy, việc sắp sếp để về cả 2 quê vào đúng ngày Tết là vô cùng khó khăn. Có năm vì phải lo Tết ở gia đình nhà chồng, chị Bình không thể về quê ngoại vào 3 ngày Tết khiến chị thương bố mẹ mà khóc hết nước mắt.
Năm nay, vừa biết tin được nghỉ tết 9 ngày, chị đã nhảy lên sung sướng và vội vàng điện thoại cho chồng để chốt lịch phân chia. Theo đó, chị quyết định, 2 vợ chồng sẽ ở quê nội hoặc ngoại từ 28 Tết cho đến hết ngày mùng 1. Tối ngày mùng 1, sẽ mua vé tàu về quê còn lại.
“Như vậy là thuận cả đôi đường, và ai cũng ở được với bố mẹ nhiều hơn” – chị Bình nói.
Lập kế hoạch sắm thực đơn Tết đặc biệt
Khác với mọi năm, năm nay, không chỉ được thời gian nghỉ tết dài, dân công sở còn được nghỉ trước Tết 2 ngày, do đó với mong muốn chuẩn bị một cái Tết đặc biệt, nhiều chị em đã lên diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm và đặt mua những món ăn đặc sản, đảm bảo tiêu chí ngon bổ rẻ, nhưng phải độc và lạ.
Chị Thu Trang ở nickname Meobeo... chia sẻ: Là một kế toán, cho nên công việc cuối năm của chị thường rất bận. Vì vậy, chị thường không có thời gian đi sắm Tết chu đáo như mọi người.
Do đó, Tết năm nào cũng như năm nào, chị chỉ sắm được mấy món truyền thống như : bánh chưng, giò, gà, nem ... và một ít bánh kẹo, hoa quả tiếp khách.
Năm nay, nhân có đợt nghỉ Tết dài ngày, lại có thời gian nghỉ trước Tết, chị quyết định thay đổi thực đơn Tết để cái Tết trở nên đặc biệt hơn. Vì thế, chị Trang lên diễn đàn để hỏi kinh nghiệm mua đặc sản từ các chị em khác.
Chị Trang cho biết, “một số mẹ trên diễn đàn đã gợi ý các thực đơn rất hấp dẫn, nên mình cũng đã chọn và đặt mua được vài món yêu thích”.
Cũng giống như chị Trang, chị Hương làm việc tại một công ty di động cũng cho biết, chị đã bắt đầu lên thực đơn đặc biệt cho từng ngày ăn Tết và đang tham khảo ý kiến mọi người để đặt mua ở những địa chỉ uy tín mà giá cả lại phải chăng.
Minh Anh
Kế hoạch đón tết năm nay của bạn ra sao? Mời bạn chia sẻ theo tiện ích phản hồi dưới đây hoặc email: doisong@vietnamnet.vn |