Ngày xưa mẹ hay nói với tôi:“ Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định đánh roi đi quyền” rồi bồi thêm một câu “Con gái có võ, sau này lấy chồng khỏi sợ ăn hiếp!”. Ủa, đó là câu hát ca ngợi tài võ của phụ nữ miền Trung, chứ có dính líu gì đến chuyện bị chồng đánh? Nói để thấy, cái quan niệm “chồng đánh vợ” nó ăn sâu trong lòng những người phụ nữ xưa như thế nào! Bước vào hôn nhân là chuẩn bị đối phó. Còn tôi, tôi cho rằng, bị chồng đánh đập thì thế nào cũng có phần lỗi của người vợ.

Trước tiên, chị đã không lựa chọn người đàn ông an toàn. Ông nào đánh vợ cũng sẽ có một trong những biểu hiện ban đầu: xuất thân từ một gia đình có cha đánh mẹ, ông đánh bà, thô lỗ hay độc ác với người xung quanh…. Người xưa có câu “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” chớ có sai! Giai đoạn tìm hiểu là giai đoạn rất quan trọng. Chị đi mua cái áo, chị thử hai, ba lần ; chị đi mua căn nhà, chị đến xem buổi sáng, chị ghé coi buổi chiểu, chị dòm hàng xóm, chị canh mùa mưa nước ngập không, chị coi ngày nắng có chói chang đến ngột ngạt? vậy tại sao lấy chồng chị không tìm hiểu cho kỹ? Đến thăm nhà năm ba bảy lần, xem xét sinh hoạt, quan điểm, xem mẹ anh có phải là người thiệt thòi và chịu đựng? Vai trò của mẹ có được tôn trọng hay không vì đa phần đàn ông thường lấy mẹ làm hình mẫu cho người vợ sau này. Nếu đã lăn tăn thì đừng tiến tới.

{keywords}

Đàn ông đánh vợ thường biểu hiện ban đầu là một người cục tính. Trong giai đoạn tìm hiểu, chị thấy anh có thô lỗ? Có vô văn hóa? Có hung hăng? Đừng tự ru ngủ mình rằng anh chỉ xử tệ với những người xung quanh mà sẽ không thô lỗ với chị! Nếu đã là bản chất thì một ngày rộng tháng dài sẽ biểu lộ ra. Tôi nhớ lời một tư vấn hôn nhân khuyên rằng “Hãy lấy người đàn ông có trái tim nhân hậu”. Nếu người đàn ông của chị đang tâm giết hại một con mèo con thì anh ấy đã có mầm mống của sự ác độc.

Nếu việc đánh vợ không phải là bản chất thì sẽ là dạng đánh vợ thứ phát. Có những người đàn ông sinh trưởng trong một gia đình tử tế, bản thân không thô lỗ nhưng một ngày phát hiện ra đánh vợ là một thú vui bệnh hoạn thì việc này do lỗi rất nhiều ở chị vợ. Tôi biết có chị hàng xóm mỗi khi chồng say xỉn lại chì chiết chồng. Chị sẽ lôi chuyện từ ông cố ông sơ ra lải nhải rồi dần dần cao giọng ba làng tám xóm cùng nghe. Anh chồng ban đầu im im, sau đó chửi lại và cuối cùng là đánh vợ như đá banh. Chị sẽ gầm rú lên, anh chồng càng nện và sau đó im dần, hàng xóm bình yên. Vậy tại sao chị dại dột như thế? Việc gì phải lải nhải lúc anh ấy say xỉn? Chị nói với tôi “Tui thà thế chứ đợi đến mai là không chịu nổi!”. Tại sao chị lại “huấn luyện” anh phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị? Vì buổi “nói chuyện” luôn phải kết thúc bằng những trận đòn, nếu anh không đánh, chị nào để anh yên?

Tôi biết có những người phụ nữ hay thách chồng “Ông ngon ông đánh đi!” Rồi đưa cái mặt kênh kênh dí sát mặt ông chồng đang điên tiết. Thế nào cũng ăn một quai! Vì sao? Vì tiện và vì sĩ diện. Quan điểm đàn ông Châu Á vẫn còn phong kiến lắm! Dù ra xã hội bạn tài giỏi đến đâu, dù chị quyền cao chức trọng đến đâu thì vẫn cứ thu chồng một bậc. Tôi không cổ xúy cho “chồng chúa vợ tôi” nhưng trong bất kỳ một tổ chức nào cũng cần có nguyên tắc. Là vợ thì đừng hung hăng, đừng hỗn với chồng, đừng chửi chồng dù nói thẳng hay xách mé, đừng thách thức vì bạo hành bắt nguồn từ sự thiếu tôn trọng.

Chuyện bạo hành vợ xảy ra trên khắp thế giới nhưng đa phần là ở Châu Á và các nước không tôn trọng phụ nữ. Đàn bà bị chồng đánh là đàn bà không biết tôn trọng những giá trị bản thân. Nếu bị đánh một lần thì không nói nhưng đến lần thứ ba là có vấn đề! Phụ nữ bị bạo hành cần lắm sự hỗ trợ từ những đoàn thể và cá nhân xung quanh. Cha mẹ phải lên án và đừng cổ xúy cho con mình đánh vợ, hàng xóm phải can ngăn, Hội Phụ Nữ phải bảo vệ phụ nữ, cơ quan công an phải xứ lý nghiêm và đừng cho đó là việc bình thường. Dùng vũ lực với vợ là một hành động chống lại xã hội văn minh và nhân văn. Và nhất là các chị, đừng đứng chờ người khác cứu mình, phải tự thương lấy thân mình, đừng bao giờ chịu đựng vì con, vì tiền, vì nhà, vì sĩ diện, vì một người chồng đánh vợ là một người không xứng đáng để các chị hy sinh!

(Theo PNO)