“Quyền lao động là quyền của tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ. Tại sao lại cấm phụ nữ làm những công việc phù hợp với họ, gắn bó với họ? Rồi đây họ sẽ lấy gì mà sống”, một độc giả lên tiếng.
Thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH quy định danh mục 77 công việc phụ nữ không được làm chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12 đang là tâm điểm của dư luận. Nhiều độc giả gửi phản hồi thể hiện thái độ không đồng tình, cho rằng thông tư có nhiều quy định chưa sát với thực tế.
Không cho làm thì lấy gì mà sống?
Độc giả Minh Long cho biết, nhà anh ở gần chợ Long Biên, ngày ngày anh vẫn thấy hàng trăm phụ nữ mưu sinh bằng nghề bốc vác, kéo xe, đẩy hàng ở khu chợ này. Đúng là công việc rất nặng nhọc, nhưng họ không còn nghề nào khác để lựa chọn nên buộc lòng phải làm để mưu sinh.
“Họ không bằng cấp, không nhà cửa, chủ yếu là dân nhập cư tứ xứ về đây làm cửu vạn để kiếm miếng cơm manh áo nuôi con. Đúng là việc mang vác trên 50kg là cực nhọc, nhưng sẽ khốn khổ hơn khi các con họ đói rách vì mẹ chúng mất việc. Thực ra với phụ nữ thành thị, quen sống trong nhung lụa thì 50kg là quá sức, nhưng với những người sinh ra ở vùng thôn quê, núi cao, họ lao động từ nhỏ, quen với cường độ lao động ấy rồi nên vẫn có thể làm được.
Nghề nặng nhọc nhưng là nguồn nuôi sống cả gia đình. Ảnh: TT |
Thiết nghĩ việc bảo vệ phụ nữ là rất cần thiết, là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng hãy tạo công ăn việc làm cho họ đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện cấm làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Còn đang dưng đi cấm nghề mưu sinh của họ thì họ lấy gì mà sống?”, độc giả này chia sẻ.
Độc giả Vũ Tuấn Hùng cũng đồng quan điểm: “Nhà nước có tạo ra công việc đầy đủ cho phụ nữ không mà quy định cấm, nếu trong số những công việc cấm này mà nhiều phụ nữ phải mất nguồn thu nhập chính thì phải làm sao đây? Liệu những người này nhà nước có cho họ việc làm để họ nuôi sống bản thân và gia đình không? một văn bản thiếu tính khả thi. Tại sao lại ban hành?”.
Độc giả có mail phanguyenv...@yahoo.com viết: "Tôi không hiểu mục đích của việc đưa ra 77 công việc phụ nữ không được làm là gì? Có phải muốn bảo vệ sức khỏe và tránh nguy hiểm cho chị em không? Muốn bảo vệ sức khỏe và an toàn cho chị em thì trước hết phải giúp lo cuộc sống của họ và gia đình họ, nếu nhà nước có đủ khả năng giúp việc đó thì mới được ra lệnh cấm, còn không giúp đươc mà cứ cấm thì chỉ đẩy nhiều chị em và gia đình họ đến chỗ khốn khổ mà thôi".
Rất nhiều độc giả cho rằng, lệnh cấm này sẽ khiến phụ nữ nghèo khó tìm việc làm hơn.
“Ở quê tôi, rất nhiều phụ nữ mưu sinh bằng nghề bốc vác hàng tại bến tàu. Mỗi bao hàng cũng phải nặng cả tạ, nhưng làm cũng thành quen. Có lần tôi mạnh dạn hỏi tại sao họ không chọn công việc khác nhẹ nhàng hơn như chạy chợ, bán quán. Lý do là vì không phải công việc nào cũng có được mức lương như vậy, thu nhập đều như vậy. Cả gia đình 4-5 miệng ăn chỉ chờ vào đồng lương của ngày làm công ấy. Giờ cấm họ làm, con cái và cha mẹ họ ai nuôi? Bảo vệ họ, tạo điều kiện cho họ sinh con tốt nhưng lại khiến cuộc sống họ đói nghèo đi, có nên không”, độc giả Thanh lên tiếng.
Phụ nữ có quyền làm bất cứ việc gì họ muốn!
Độc giả Đào Hằng cho rằng, việc pháp luật bảo vệ phụ nữ, quan tâm đến phụ nữ là rất nhân văn và cần thiết. Nhưng bảo vệ không có nghĩa là cấm, bởi trong danh mục 77 nghề bị cấm làm, rất nhiều phụ nữ vẫn thấy mình phù hợp và thậm chí là yêu thích công việc đó.
“Các công việc như lái xe lửa, lái ô tô trọng tải trên 2,5 tấn, mổ tử thi, liệm, mai táng người chết, thăm dò giếng dầu… là những công việc hết sức bình thường mà phụ nữ ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn đang làm và có thể làm tốt, tại sao lại cấm? Thậm chí có những người thấy yêu thích những công việc ấy cũng cấm họ làm hay sao?”, độc giả này chia sẻ.
Các ý kiến khác cũng cho rằng, quyền lao động là quyền của tất cả mọi người nên không thể đơn phương cấm phụ nữ không được làm việc, dù rằng mục đích để bảo vệ họ.
“Bình đẳng giới đã được hiểu sai, và ra lệnh cấm vô lý. Quyền được lao động là quyền của tất cả mọi người, không phân biệt nam, nữ”, độc giả Goldriver nói.
“Buồn cười thật đấy. Tưởng là tạo điều kiện cho phụ nữ, hóa ra lại trọng nam khinh nữ. Nghề nghiệp không cấm, cớ gì cấm phụ nữ chọn công việc phù hợp với mình. Thay vì cấm thì nên tạo điều kiện cho chị em chăm sóc sức khỏe mới phải. Lao động chính đáng giờ thành phạm pháp”, độc giả Nguyễn Văn Võ tiếp lời.
K. Minh (tổng hợp)