Trong tiết trời se lạnh, người Đà Nẵng rất chuộng những đĩa bánh khoái, bánh xèo, bánh cuốn, bánh căn... nóng hổi, thơm lựng và vô cùng bắt mắt.
Bánh cuốn
Dù không phải loại bánh gốc miền Trung nhưng bánh cuốn lại là món ăn được nhiều người Đà Nẵng ưa thích vào buổi sáng. Khác với nhiều món khác, bánh cuốn được làm ngay tại chỗ nên khách hàng có thể xem trực tiếp từng khâu chế biến. Những chiếc bánh trắng ngà mềm mại, nghi ngút ngói xen lẫn mùi thơm lừng của mộc nhĩ, nấm hương, thịt heo khiến cho thực khách muốn thưởng thức ngay.
Bánh cuốn ở mỗi quán của Đà Nẵng lại có chút khác nhau nhưng nhìn chung là nhân có nhiều thịt và mộc nhĩ. Bánh sau khi bỏ nhân và cuộn lại sẽ được phết thêm một lớp mỡ phi hành beo béo ở ngoài để trông bắt mắt hơn. Cuối cùng, bánh được cắt nhỏ và rắc thêm chút chà bông, hành phi, vài lát chả.
Nếu bánh cuốn ở miền Bắc chỉ chấm với nước chấm pha chua ngọt và ăn kèm với chút rau kinh giới, rau mùi thì nước chấm bánh cuốn ở Đà Nẵng còn có dưa góp chua ngọt và rau sống cũng đa dạng hơn. Đà Nẵng có nhiều quán bánh cuốn trên đường Lê Duẩn và Điện Biên Phủ nhưng ngon và đậm đà thì phải kể đến quán nhỏ trên ngã ba Ngô Gia Tự và Pasteur. Mỗi đĩa bánh cuốn ở Đà thành có giá trung bình từ 16.000 - 20.000 đồng.
Bánh xèo
Bánh xèo của người miền Trung khá nhỏ, ít nhân, không có màu vàng đặc trưng như bánh xèo ở miền Nam nhưng lại hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon.
Bây giờ, ít có quán nào làm bánh xèo mà không bỏ bột nghệ vào cho bắt mắt. Thông thường bánh xèo phải chấm với nước mắm pha loãng, chua ngọt như miền Nam. Thế nhưng, một số quán thì có cách làm đặc biệt hơn, nước chấm từ gan heo, gan gà xay nhuyễn, hầm nhừ, trộn với ít bột năng nên nước chấm dẻo dẻo. Nước chấm ngon phải đủ các vị bùi bùi, béo béo của gan, vị giòn giòn của đậu phộng rang nhỏ, vị thơm của nấm mèo, thịt băm nhuyễn.
Chiếc bánh xèo nóng hổi, giòn rộm vô cùng hấp dẫn. Thường thì một đĩa cho 2 người ăn gồm 6 chiếc bánh được cắt làm đôi để cuốn vừa với bánh tráng và rau sống. Rau sống Đà Nẵng vừa tươi ngon, vừa đa dạng cũng giúp món ăn được tròn vị và ít ngấy hơn. Bánh xèo thường được bỏ nhiều giá đỗ, bỏ thêm cả bún sợi, tôm, hành nên khi ăn có vị dai dai, lạ miệng. Bánh cũng được bỏ thêm ít gia vị nên khi chấm với nước sốt ăn rất vừa miệng.
Đến Đà Nẵng thưởng thức bánh xèo phải kể đến quán bà Dưỡng nổi tiếng nhất nằm trong kiệt đường Hoàng Diệu; quán Vân trên đường Hải Phòng sát với siêu thị Nguyên Kim. Mỗi đĩa bánh dao động từ 40.000đ-50.000đ/đĩa.
Bánh căn
Bánh căn hay còn gọi là bánh khọt của người miền Nam. Những chiếc bánh tròn quay, vàng rộm, lấp ló những con tôm đỏ au hay những khoanh trứng cút trông cực kỳ bắt mắt. Người dân Đà Nẵng thích ăn bánh căn vào buổi chiều tối, và đây được coi là một món ăn lót dạ trước bữa chính. Để bánh luôn được nóng và giòn thì chủ quán sẽ làm ngay khi có khách gọi.
Bột làm bánh căn chủ yếu là bột gạo nên khi chiên, dù bên ngoài vỏ bánh rất giòn nhưng bên trong vẫn giữ được độ mềm dẻo nhất định. Bột bánh sau khi đổ vào khuôn chiên một lúc sẽ được bỏ thêm trứng cút hoặc tôm vào. Khi bánh bắt đầu chín hoàn toàn, chủ quán sẽ nhanh chóng gắp ra đĩa rồi dọn cho khách. Đôi khi chỉ cần ăn những chiếc bánh chay, không cần có nhân cũng đã rất ngon rồi.
Bánh căn thường ăn kèm với nước mắm chua ngọt pha loãng và rau sống, có thể có thêm đu đủ bào sợi nhỏ cho đỡ ngấy. Một đĩa bánh căn thường có từ 8-10 cái với giá dao động từ 15.000-20.000 đồng.
Tại Đà Nẵng, bạn có thể ghé đến những tiệm bánh căn nổi tiếng như bánh căn Thúy trong đường Nguyễn Trường Tộ, bánh căn Ngọc Vân trên đường Nguyễn Hoàng, hay một quán trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Bánh khoái
Bánh khoái là một đặc sản nổi tiếng của Huế, gần giống với bánh xèo ở Đà Nẵng. Ở Huế, người ta gọi nó là bánh khói, bởi chiếc bánh khi chế biến vốn nghi ngút và người Huế phát âm vần “oi” thành “oai” nên bây giờ hầu hết mọi người đều gọi là bánh khoái.
Bánh cũng được làm từ bột gạo, bên trong bánh cũng có nhân, nhưng hình dạng lại nhỏ nhắn hơn bánh xèo. Ấn tượng ban đầu về bánh khoái chính là nó có rất nhiều tôm thịt, giá đỗ. Để có lớp vỏ bánh giòn dai thì người đầu bếp phải rất cầu kỳ trong khâu chế biến từ việc chọn loại gạo nào ngon, canh thời điểm cho nhân vào và nêm gia vị sao cho vừa miệng. Để bánh có màu sắc bắt mắt thì khi chế biến người ta sẽ cho thêm bột bắp, đường, trứng gà, muối, chút bột nghệ. Nhân bánh thường là thịt heo băm nhỏ, tôm bóc vỏ, giá đỗ, hành lá. Khi chiên bánh cũng phải thận trọng, một cái bánh ngon nhất trung bình từ 12-18 phút, như thế bánh sẽ chín đúng chuẩn, bánh giòn và rất thơm.
Nước chấm bánh cũng được làm rất cẩn thận, phải có những hương vị đặc trưng như gan heo, gan vịt, đậu phộng, mè, và đặc biệt là tương đậu nành đúng chất Huế. Khi nấu, nước chấm sẽ dậy hương rất thơm, sánh dẻo. Ăn kèm với bánh khoái cũng là rau sống và bánh tráng, đặc biệt phải có khế chua thì mới “khoái” nhất. Bánh khoái ở Đà Nẵng tuy chưa được bán rộng rãi nhưng cũng có quán rất ngon như bánh khoái Gia Hội trên đường Ông Ích Khiêm. Giá mỗi đĩa tầm 20.000-30.000 đồng/đĩa.
(Theo Afamily/PLXH)