Xin chia sẻ với các bạn 10 điều mình cho là bí quyết để giúp làm dâu Hà Nội thật "chuẩn". Đây là những gì mình tự đúc kết ra kinh nghiệm từ 3 năm làm dâu Hà thành.
Là gái Sài Gòn, làm dâu Hà Nội 3 năm, thi thoảng mình nhận được rất nhiều lời hỏi thăm về cuộc sống hiện tại của các đồng nghiệp cũng như bạn bè ở quê nhà. Mỗi lần chia sẻ với họ là mỗi lần mình cũng được nhìn lại hoàn cảnh làm dâu, làm vợ Hà Nội hay nói xa hơn là làm dâu đất Bắc của mình.
Nhìn bên ngoài thì cuộc sống của mình rất ổn, thậm chí có vẻ sung sướng hơn nhiều chị em khác khi nhà chồng nề nếp, kinh tế khá giả, bố mẹ chồng hiểu biết, chồng tâm lý. Nhưng còn bên trong thì sao? Có lẽ cũng vẫn chấp nhận được nên mình vẫn sống sót và sống tốt.
Tuần vừa rồi, một cô bạn thân trong Đà Lạt của mình thông báo sắp chính thức sắp theo gót mình làm dâu Hà Nội, mình vui và chúc phúc cho cô ấy nhiều lắm. Buổi chuyện trò thân mật qua chat, cô ấy bỗng dưng hỏi mình rằng: 3 năm làm dâu Hà Nội, bạn có bí quyết nào thì truyền lại cho mình với.
Sau một hồi suy ngẫm và cân nhắc thật sự, mình đã đưa ra 10 bí quyết để làm dâu Hà Nội "chuẩn không cần chỉnh" cho cô bạn mình. Đây là những gì mình tự đúc kết ra kinh nghiệm từ 3 năm làm dâu Hà thành. Và thực sự khi áp dụng những bí quyết nhỏ nhỏ ấy, chúng cũng đã giúp mình ngày càng hạnh phúc hơn ở nhà chồng.
Xin chia sẻ với các bạn 10 điều mình cho là bí quyết để giúp làm dâu Hà Nội thật "chuẩn". Mọi người có thấy mình "list" ra chuẩn không? Điều nào đúng, điều nào chưa đúng? Nếu mọi người có góp ý gì thì cứ chia sẻ và comment phía cuối bài viết này để những cô gái sắp và đã lấy chồng Hà Nội tham khảo xem có đúng không nhé!
Làm dâu Hà Nội, trước khi muốn nói bất cứ điều gì cũng phải "uốn lưỡi 7 lần" (Ảnh minh họa) |
Điều 1: Nghĩ khác đi, không định kiến vùng miền
Mẹ chồng là người cùng chiến tuyến chứ không phải bên kia chiến tuyến. Bạn phải đi lấy chồng với một cái đầu rỗng, không chứa đựng bất kỳ định kiến nào về con người Hà Nội cũng như người miền Bắc.
Áp đặt định kiến lên người khác sẽ khiến mẹ chồng con dâu ghét nhau trước khi có cơ hội tìm hiểu về nhau.
Điều 2: Mọi thứ đều có thể thay đổi, kể cả khẩu vị
Mình là con gái miền Nam nên thích ăn ngọt, ngược lại nhà chồng lại ăn cay, nóng và nhiều gia vị. Ban đầu mình phát ốm lên với đồ ăn ở đây.
Nhưng không ăn không có nghĩa là không nấu. Mình đã tự bồi dưỡng cho mình bằng một khóa học nấu ăn phong vị Bắc trước khi lên xe hoa, chủ yếu về những món trong bữa cơm hằng ngày. Và kết quả sau 3 năm mình nấu được nhiều món ăn Hà Nội còn ngon hơn cả mẹ chồng.
Điều 3: Đừng mơ đến thời trang thiếu vải khi làm dâu Hà Nội
Có một khác biệt thú vị là các phụ nữ đã có gia đình ở Hà Nội thường ăn mặc rất kín đáo và tinh tế. Điều này khác hẳn với người miền Nam vì từ già đến trẻ đều thích mặc thoáng. Như mẹ mình ở nhà hơn 50 tuổi vẫn quần short, áo sát nách ra đường.
Về điều này, để thay đổi phong cách ăn mặc, ban đầu mình cũng thấy cực khổ như thay đổi tính cách, ép mình thành một người khác. Nhưng các bạn ạ, chỉ vì sở thích ăn mặc mà đánh đổi lấy những mâu thuẫn thì không nên phải không?
Điều 4: Người Nam thương nhau thì cho ăn, người Bắc thương nhau thì tặng quà
Mình không dám nói bên nào xem trọng vật chất hơn bên nào. Nhưng với người miền Nam, nếu thương mẹ chồng thì chở mẹ ra nhà hàng xịn ăn một bữa ra trò. Còn mẹ chồng Bắc thì thích những món quà nhỏ nhặt và ý nghĩa.
Vì thế, đi công tác về, sinh nhật, ngày lễ phụ nữ hoặc thậm chí là ngày thường cũng nên thỉnh thoảng tặng quà cho mẹ chồng hay các thành viên gia đình nhé. Nói chung nên mở túi tiền một chút thì mẹ chồng Hà Nội cũng sẽ mở lòng dù cho họ có là người không coi trọng vật chất.
Điều 5: Không tiết kiệm lời khen, không nói bông đùa quá trớn
Người Nam chúng mình ít khi xem trọng thứ bậc, già trẻ lớn bé gì cũng có thể đùa giỡn thái quá, thậm chí ăn nói sỗ sàng với nhau. Nhưng điều đó tuyệt đối cấm kỵ khi làm dâu Hà Nội. Người Hà Nội thích cười thâm sâu hơn là cười xuề xòa và khoảng cách cha mẹ con cái dù gần gũi mấy cũng phải lễ nghĩ và phải tôn trọng.
Hơn nữa, người Hà Nội có xu hướng thích khen hơn dù cho họ có là người không ưa nịnh. Mà lời nói thì không mất tiền mua, tốt nhất là nên lưu ý điều này để đôi bên đều sướng.
Điều 6: Trước khi muốn nói bất cứ điều gì cũng phải "uốn lưỡi 7 lần"
Người Nam thích nhìn vấn đề theo chiều rộng, còn người Bắc thích nhìn vấn đề theo chiều sâu và hơi hay suy diễn. Nên bạn sẽ rất dễ “phạm thượng” nếu lỡ nói nhăng cuội. Đặc biệt là không nói nhiều, không buôn chuyện và xưng hô cho đúng.
Điều 7: Nếu có mâu thuẫn thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”
Cho dù rõ ràng là mẹ chồng sai nhưng tuyệt đối nhưng phận làm con, nhất lại là con dâu thì không được "bật lại" và nóng nảy. Hãy cứ tạm thời nhận lỗi cho qua chuyện rồi đợi đến lúc nào mẹ chồng nguôi ngoai thì hãy thủ thỉ phân tích.
Vì coi trọng trên dưới nên tất nhiên các mẹ chồng Bắc cũng trọng thể diện hơn. Không có đời nào các mẹ xuống nước thừa nhận mình sai và xin lỗi con cái như các bà mẹ Nam đâu.
Điều 8: Cùng mẹ chồng xem chồng là “quý tử”
Người Nam mình rất hay, các bà mẹ thường dạy con trai “Mày không biết nấu ăn giặt giũ thì con nào lấy mày”. Điều đó có nghĩa là họ sẽ rất vui vẻ nếu con trai học chia sẻ việc nhà với vợ.
Nhưng các bà mẹ chồng Hà Nội nói riêng và mẹ chồng miền Bắc nói chung thì không thế. Bếp là của phụ nữ, đàn ông sẽ chỉ ngồi từ phòng khách trở ra ngoài. Mình bảo đảm là 100/100 mẹ chồng Bắc sẽ sa sầm mặt nếu thấy con trai quý của họ phụ vợ nấu nướng hay thậm chí là phơi áo quần, lau nhà...
Con dâu sinh được cháu trai cho nhà chồng thì vẫn tốt hơn (Ảnh minh họa) |
Điều 9: Con dâu sinh được cháu trai cho nhà chồng thì vẫn tốt hơn
Người Nam thật sự không đặt nặng chuyện sinh con trai, con gái. Với họ chuyện thờ cúng thì con nào lo cũng được, miễn là con cái có hiếu. Nhưng với người Hà Nội, dù tư tưởng trọng nam khinh nữ đã được cải tiến nhiều, dù họ có bảo "Cháu nào cũng là cháu cả" thì trong lòng họ vẫn cứ nghĩ, có một đứa con trai lông bông trong nhà vẫn hay hơn là không có.
Mẹ chồng mình nói “Cháu nào mà chả quý, nhưng sinh được cháu trai vẫn quý hơn”. Đấy, mẹ chồng mình tư tưởng tiến bộ thế dù đang cố tỏ ra bình đẳng nhưng cuối cùng vẫn “lòi đuôi” trọng nam.
Điều 10: Phải luôn có cùng quan điểm với mẹ chồng
Tức là lỡ mẹ có ghét ai thì cũng nên ghét người đó, mẹ nói xấu ai cũng nên hùa theo. Nghe có vẻ cục bộ nhưng thật sự trong những lúc như thế, tình mẹ con được thắt chặt hơn nhiều.
Mặc dù đôi lúc vẫn muốn bênh vực người “bị hại” nhưng nghĩ lại mình có ở với người ta đâu. Hoặc nếu muốn bênh thì cũng bênh vừa phải và đừng "ra mặt" mà mẹ chồng lại ghét và nói: "Sao lại toàn bênh người ngoài thế?".
(Theo Pháp Luật Xã Hội)