Vừa nhận tấm thiệp cưới từ bà bạn cùng lớp dưỡng sinh, bà vợ tôi đã tái mét mặt vì đây là tấm thiệp cưới thứ 15 trong tháng...

Tôi về nghỉ hưu với tiền lương gần 4 triệu đồng/ tháng, nếu không phải chi tiêu đình đám thì 2 ông bà cũng không đến mức khó khăn. Thế nhưng, cứ mỗi mùa cưới hỏi đến, là 2 ông bà lại lo ngay ngáy. 

Bảo không lo sao được khi mà tháng nào cũng nhận đến 4, 5 cái thiệp. Nào thiệp tân gia, thiệp đầy tháng cháu chắt, rồi đi đám ma chay, giỗ chạp, đến mùa cưới thì thiệp mời đến dồn dập, có tháng đỉnh điểm như tháng vừa rồi, tôi nhận đến 15 thiệp mời đám cưới. Không đi thì sau nhìn mặt nhau cũng thấy ngại. Nhưng đi thì ... khổ quá. 

{keywords}
Thức ăn thừa để lại vô cùng lãng phí 

15 đám, mà những đám tổ chức ở nhà, ở quê thì phong bì chỉ đồng giá khoảng 200 nghìn, nhưng những đám tổ chức ở nhà hàng, khách sạn thì bỏ 200 nghìn ai coi được, thế là lại phải 300 nghìn, thậm chí là 500 nghìn. Vị chi, đã mất 4 -5 triệu. Hết sạch cả tiền lương của tháng khiến tiền ăn sau đó của gia đình còn không có chứ đừng nói đến chuyện có tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, nếu là đi đám của họ hàng, bạn thân mời cưới con thì đã đành, đằng này có người chỉ quen sơ sơ ở quán bia, hoặc đi tập thể dục cùng nhau mấy bữa... cũng hỉ hả phát cho cái thiếp mời. 

Tóm lại là nhiều gia đình tung thiếp mời “tràng giang đại hải” đến mức người nhận được thiếp cũng khó xử, mà người mời chắc cũng chẳng sung sướng gì vì đã mời là phải chuẩn bị cỗ. 

Xong rồi vì muốn sang với anh em họ hàng, nên nhiều gia đình dù không có điều kiện nhưng vẫn cố gắng chạy vạy, vay mượn làm đến hàng trăm mâm cỗ, mà phải là cỗ thật to, mâm nào, mâm nấy đầy ụ thức ăn, khiến những vị khách như tôi chỉ nhìn thôi đã thấy hoảng. Bởi vì thời buổi bây giờ, có ai ăn uống được nhiều đâu. Có khi, cả mâm, ê hề thịt cá, mà người ăn cũng chỉ gầy gót chút ít, nên rốt cuộc là thừa đến nửa mâm cỗ. Đấy là chưa kể đến những vị khách đã mời nhưng không đến vì cách mời “tràng giang đại hải” của gia chủ nên cỗ thừa càng nhiều. Thậm chí có nhà, thừa đến cả chục mâm cỗ. 

Sau đó, số thức ăn thừa đấy, anh em trong nhà chia nhau ăn mãi không hết lại phải đổ đi trong khi gia chủ vẫn phải ì ạch kéo cầy trả nợ trong một khoảng thời gian rất dài mà chưa hết. Thậm chí có gia đình, bố mẹ trả mãi không xong, nên còn phải “chia nợ” cho chính những người con mà họ đã xây dựng gia đình trước đó.

Thế rồi, những gia đình khác, thấy vậy, nên lúc tổ chức cưới hỏi cho con cũng phải theo cho bằng anh bằng em. Như vậy, có phải là tự làm khổ nhau hay không? 

Vẫn biết là việc cưới to, làm cỗ linh đình để thết đãi họ hàng, dân làng cũng như phong tục mừng cưới lẫn nhau là cái “nợ đồng lần”. Thế nhưng người Việt chúng ta đâu đã giàu nên cứ có cỗ bàn, công việc là gia chủ phải lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì phải chạy vạy khắp nơi, còn người được mời thì nhìn thấy thiệp là đã sợ xanh mắt, nên có ăn cũng chẳng thấy ngon. Vậy thì tại sao lại phải theo đuổi những “hủ tục” rườm rà, tốm kém và vô cùng lãng phí như vậy để người mời và người được mời đều không thấy vui ?

Độc giả Nguyễn Tiệp (Long Biên – Hà Nội)

  
NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ THÓI TIÊU HOANG HOẶC TIẾT KIỆM TRÂN TRỌNG MỜI ĐỘC GIẢ GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL DOISONG@VIETNAMNET.VN!TRÂN TRỌNG CẢM ƠN