Trong mọi thứ tình cảm giữa con người và con người với nhau có lẽ tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, làm xúc động lòng người nhất và được thấu hiểu nhất. Ấy thế mà hôm nay, trên các trang mạng xã hội, trang báo giấy, báo online, hình ảnh một người mẹ như phát hóa điên vì con mình phải chết lại không nhận được sự đồng tình, cảm thông nào của mọi người, vì đâu?

Hồ Duy Trúc bị tử hình vì đã phạm tội tổ chức đồng bọn gây ra nhiều vụ án cướp của mà vụ án khiến hắn sa vào lưới pháp luật là vụ chặt gần đứt lìa bàn tay cô gái trên cầu Phú Mỹ để cướp chiếc xe SH. Bản án được tuyên, tưởng chừng câu chuyện được khép lại với cái thở phào của nhiều người khi nghĩ rằng: bớt đi một tội phạm quá tàn ác, hung bạo, không tính người thì lại mở ra những xôn xao, ồn áo mới khi báo chí đồng loạt đăng tải hình ảnh bà mẹ của Trúc gào thét, khóc lóc, quỳ lạy van xin trước tòa.

Trong cơn đau đớn cùng cực, bà đã phát ngôn nhiều câu khiến trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ phải bình chọn là câu nói trong năm: “Con tôi chỉ chặt tay cướp của chứ đâu có giết người, sao lại tử hình?” “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH) tại tòa. Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”. Và hình ảnh người mẹ điên dại, thương tâm khi gào khóc những câu nói đó đã lập tức nhận được sự phê bình, chỉ trích mạnh mẽ của toàn xã hội. Thậm chí, trên FB, nhiều người quá khích còn phát biểu: Tử hình luôn bà mẹ - người nuôi dưỡng, bao che và tán đồng cho cái ác mọc lên và phát triển trong cuộc sống này.

Giờ đây mọi người không ai còn thắc mắc: Vì sao mới chỉ 20 tuổi mà Trúc đã có thể dã man, tàn ác đến như thế? Con tôi “chỉ” chặt tay cướp của. Đúng là chỉ có người mẹ mới nhìn thấy trong hành vi tàn ác này những bào chữa giảm nhẹ tội cho con mình, chỉ trái tim người mẹ mới mù quáng mà cho rằng con mình không làm gì quá nguy hiểm cho xã hội. Và chắc những chữ “chỉ” này đã được bắt đầu từ ngày thơ ấu: Con chỉ làm thế này thế kia, vì thế kia thế nọ. Người mẹ đó chắc đã có những 20 năm bao che cho hành động của con mình, có lẽ là từ những cú giành giật đồ chơi với con hàng xóm, cái giẫm đạp lên đuôi một con mèo con, để đến hôm nay, đứa trẻ thích những trò chơi bạo lực đó lớn lên và trở thành kẻ tàn ác đáng ghê sợ.

Đã bao nhiêu ngày sau khi vụ án xảy ra, hình ảnh bàn tay biến dạng và tình trạng thương tật vĩnh viễn đến mức mất đi cả sức lao động của nạn nhân cuối cùng của con mình đã được đăng tải, 7 nạn nhân của con người mẹ đó có mặt tại tòa còn run sợ khi nghĩ về những gì đã xảy ra với mình, thế mà người mẹ đó vẫn không nhận ra được hành động con mình là sai trái, là cần phải bị trừng trị đích đáng. Bà vẫn coi đó chỉ là điều nông nổi con mình gây ra mà nguyên nhân chính là tại “lũ nhà giàu” kia dám sống hơn con bà, dám đi xe xịn, xài đồ sang để con bà phải ra tay cướp giật.

“Con hư tại mẹ”, câu thành ngữ này đã được đúc kết từ muôn đời nay như một điều cảnh tỉnh, nhắc nhở những người làm mẹ. Không hiếm những người như bà mẹ của Trúc, luôn bao che, giấu giếm, bào chữa cho những hành vi xấu của con mình. Và thậm chí, còn hơn nữa, sống làm gương, ủng hộ, thúc đẩy con làm những điều xấu: sống ích kỷ, sống thủ đoạn, sống tàn nhẫn với con người. Tai họa với xã hội là điều đương nhiên, khi những đứa con ấy lớn lên và sống như đã được giáo dục, dạy dỗ. Nhưng tai họa sẽ giáng xuống cả người mẹ đó khi phải chấp nhận những trả giá của con mình, những trả giá của chính mình khi và giọt nước mắt của tình mẫu tử không hề nhận được một lời cảm thông, chia sẻ hay thương xót nào.

(Theo Phunuonline)