“Con là đứa trẻ xui xẻo lắm mẹ à!” - Câu nói của bé T.T.T. như vết dao cứa vào lòng chị Th. Chị rưng rưng kể: “Những “con sâu” của nghề bảo mẫu trong suốt ba năm đã làm hại con tôi, biến T. từ một đứa trẻ vui vẻ, hồn nhiên bỗng trở nên hoảng loạn, sợ sệt”.
Nỗi đau của con
Năm T. lên ba tuổi, bắt đầu đi nhà trẻ thì cùng lúc chị Th., giáo viên THPT phải học nghiệp vụ vào hai ngày cuối tuần. Để ổn thỏa mọi việc, chị Th. tìm nơi gửi con gái.
Thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng vậy, chị Th. đưa con đến một nhóm trẻ gia đình nhờ trông giúp. Được hơn một tháng, con gái về nhà nói với mẹ: “Mẹ ơi, con mỏi tay chân quá”. Nhìn kỹ, chị Th. phát hiện hai đầu gối con có vết bầm. Hỏi ra chị mới biết con bị người giữ trẻ bắt quỳ suốt buổi trưa vì bé không chịu ngủ. Chị Th. cho bé nghỉ học và tìm chỗ khác gửi con. Lần này là một nhóm trẻ gia đình trên đường Tân Sơn Nhì, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú. Chỉ bốn ngày sau (20/7/2011), khi chị Th. đến đón con thì thấy cháu T. nằm co ro ở một góc nhà, thân thể có nhiều vết roi. Vợ chồng chủ nhóm trẻ nói tỉnh bơ: “Tại nó hư, quậy quá nên đánh cho bỏ tật!”. Chị kể: “Lúc ấy tay con tôi còn đang bó bột do té ngã trước đó, mà họ nỡ nhẫn tâm đánh cháu”. Chị Th. ôm con chạy đến cơ quan công an kêu cứu mới biết vì T. lỡ bấm tay vào màn hình vi tính lúc con gái của vợ chồng người giữ trẻ học bài. Cháu bị người giữ trẻ dùng roi quất từ đầu tới chân đến ngất mới thôi. Công an và UBND P.Tân Sơn Nhì đã buộc chủ nhóm trẻ bồi thường tiền thuốc cho T., và xử phạt vi phạm hành chính với chủ nhóm trẻ.
Bé T. đang "biểu diễn" lại tư thế đứng “hầu” mà cháu thường xuyên bị phạt khi còn học mầm non. (Ảnh chụp ngày 23/12/2013) |
Lên lớp lá, bé T. học tại một trường mầm non công lập. Một lần đón con, chị Th. thấy con sốt cao…”. Chị Th. rưng rưng: “Tôi muốn phát điên, bởi buổi sáng gửi con, tôi đã dặn dò cô rất kỹ rằng bé đang bị viêm phế quản, vậy mà trưa cháu khát cô cấm không cho đi uống nước. Suốt đêm hôm ấy con tôi sốt mê man”.
Chỉ trong ba năm con tới trường mầm non, chị Th. không thể nào đếm xuể bao nhiêu lần con bị té (thậm chí có lần do cô giáo không canh kỹ, giờ chơi, bé T. leo trèo cầu thang, bị ngã bầm mặt).
Sai lầm của mẹ
Thấy con gái cứ bị đánh, bị ăn hiếp trên lớp hoài, chị Th. bắt con phải hứa với mẹ: “Không được để cô giáo hay bạn đánh, nếu không thì mẹ sẽ đánh con!”.
Từ đó, hễ bị chuyện gì, T. cũng không dám kể cùng mẹ nữa và cứ vài đêm cháu mê sảng, khóc thét, ôm cứng lấy mẹ. Chị Th. nói: “Thấy con như vậy, tôi lo không ngủ được”.
Bé T. giải thích với tôi: “Cô ơi, không phải con phá giấc ngủ của mẹ đâu, chỉ vì con ngủ mà cứ thấy bị cô giáo bắt quỳ phạt, nên con khóc đó. Cô giáo bắt dang hai tay, dù đứng hay ngồi cũng không được dựa lưng đâu. Nếu mình mỏi quá, ngồi bẹp xuống đất là bị cô đánh đòn, bắt đứng xa bức tường ra như thế này nè…”. Rồi T. làm cho chúng tôi xem những kiểu đứng mà cháu từng bị phạt.
Giờ T. vào lớp 1 đã năm tháng rồi. Cách đây một tháng, đang ngủ, T. bò tới tìm kéo tay mẹ, vừa khóc vừa kể: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con nhe mẹ, đừng đánh con nhe mẹ, con thương mẹ lắm!”. Linh cảm có chuyện không lành với con, sáng ra, chị đến trường tìm cô bảo mẫu. Sau khi bị chị Th. hỏi vặn, cô này cho biết: “Hôm qua đang giờ ngủ trưa, bé T. cứ xin đi uống nước hoài, lại nói nhiều quá, nên tôi tát nó”. Tức giận, chị Th., tìm gặp cô hiệu trưởng yêu cầu giải quyết vụ việc.
Chị Th. nói: “Mẹ con tôi lại tiếp tục nhận những lời xin lỗi từ ban giám hiệu và hứa sẽ sửa sai như bao nhiêu lần trước. Với những người làm công tác quản lý giáo dục, hình như sau khi họ “dàn xếp” xong một vụ việc khiếu kiện cô giáo, bảo mẫu đánh đập hay hành hạ học trò (có biên bản cũng như không có biên bản, miễn là phụ huynh đồng ý “cho qua”), là xong chuyện”.
Nhiều ngày qua, chị Th. nhờ người thân động viên, an ủi T. bớt hoảng loạn. Chị Th. cũng tìm đến các tổng đài tư vấn, chuyên viên tâm lý nhằm giải tỏa tinh thần cho cả hai mẹ con. Từ phân tích của những chuyên viên, chị Th. mới biết việc bắt con “không được để ai đánh” là một sai lầm của chị, lời dạy này không những phản tác dụng mà còn gây một áp lực lớn lên T. khiến bé càng thêm hoảng loạn.
(Theo PNO)