Theo báo cáo tổng kết của TAND TP.HCM, năm 2013, toàn ngành đã thụ lý 21.453 vụ án ly hôn, giải quyết đạt 92,52%. Như vậy, lượng án năm nay tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy lượng án tăng nhưng theo nhiều thẩm phán, xu hướng ly hôn năm nay thật sự có chuyển biến tích cực…
"Hay ở, dở đi"
Những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng quyết định đường ai nấy bước được chỉ ra không hề mới: thiếu trách nhiệm, rượu chè bê tha, ngoại tình…
Hầu hết tình trạng trên rơi vào nhóm các gia đình trẻ, độ tuổi 20 đến 35; có học vấn cao, thu nhập khá, am tường kiến thức xã hội nhưng thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; thiếu ý thức quan tâm, xây dựng; thiếu trách nhiệm với nhau.
Giữa năm 2013, TAND Q.3, TP.HCM tuyên bác đơn một trường hợp xin ly hôn mà lý do theo người vợ (29 tuổi) là… không đâu, nhưng cô vẫn cương quyết bỏ chồng.
Kháng cáo lên cấp phúc thẩm TAND TP.HCM, trong phiên xử diễn ra vào tháng 10/2013, cô mệt mỏi nói: “Tôi không chịu được việc anh coi nhà mình như quán trọ, chỉ trở về trong tình trạng xập xình, xiên xẹo.
Trăm ngày như một, không tụ tập ăn nhậu anh cũng ngồi đồng cà phê đến nửa đêm mới lò dò về. Con đau, nhà dột, lo liệu nội ngoại trong ngoài đều dồn cho tôi hết thì tôi còn cần chồng để làm gì?”. Cảm giác bị bỏ rơi, đơn độc, tự bơi để duy trì mái ấm bên cạnh người chồng vô tâm, hờ hững ngày càng đè nặng khiến cô chỉ muốn ly hôn.
Tương tự, ngoại tình được ví như đòn đánh chí mạng lên hôn nhân, khiến người trong cuộc không còn đủ sức nắm tay người bạn đời đi tiếp. Sáu năm hôn nhân với những cuộc cãi vã như cơm bữa vì chồng không chịu làm ăn, suốt ngày… xin tiền mẹ, chị Loan (Q.Tân Bình) bỏ ra ngoài sống riêng.
Những tưởng ly thân sẽ giúp chồng tỉnh ngộ; ngờ đâu, như chim sổ lồng, anh Thân - chồng chị Loan - hết quen cô này đến cặp cô khác. Chị Loan nhiều lần tìm cách bắt tại trận để làm bằng chứng xin ly hôn. Chị chưa kịp gửi đơn thì đã nhận được thư mời của TAND Q.Tân Bình, vì anh Thân nhanh tay xin ly hôn trước với lý do bị vợ… gài bẫy, làm mất mặt.
Không riêng nam giới, tỷ lệ ly hôn do phụ nữ ngoại tình cũng đang ngày càng tăng. Bằng cách này hay cách khác, với cái tôi không bao dung của người chồng hay sự tự ti, bị ruồng rẫy của người vợ thì cuối cùng, các đôi cũng đưa nhau đến tòa.
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thu Hiên (Trung tâm Tư vấn TY-HN-GĐ - Hội LHTNVN), phụ nữ ngày nay có điều kiện mở rộng quan hệ, dễ dàng phát sinh tình cảm bên ngoài, trong khi người chồng lại ích kỷ, không chịu nổi sự xúc phạm, mất niềm tin vào lòng chung thủy của vợ nên khó tiếp tục chung sống…
Chiếm một lượng nhỏ trong tổng số vụ án, nhưng ly hôn vì lý do hiếm muộn, chưa muốn có con cũng đang ở mức báo động; bởi khi không bị ràng buộc về con cái, vợ/chồng thường nảy sinh tâm lý coi hôn nhân là một cuộc sống thử, dễ dàng“hay ở, dở đi”.
“Chuyển biến tích cực”
Khác với tình trạng bỏ bê hôn nhân ở các gia đình trẻ; việc ly hôn của các cặp vợ chồng tuổi trung niên, tuổi già được đánh giá là một cuộc “tháo chạy” để thoát khỏi sự đau khổ, bế tắc.
Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng nhưng theo nhiều thẩm phán, bức tranh án ly hôn đã bớt gam màu xám xịt, vì việc ly hôn ở tuổi trung niên, tuổi già có sự chín chắn, cân nhắc, qua đó cho thấy sự tiến bộ về nhận thức pháp luật và “giải phóng” quyền con người.
Bà Hồ Thị Lệ Thanh (thẩm phán TAND Q.Phú Nhuận) khẳng định: “Hiểu biết pháp luật hạn chế cộng với tâm lý ngại ngần, sợ điều tiếng nên trước đây, ở độ tuổi này, người ta thường cam chịu cuộc hôn nhân đã trở thành địa ngục.
Ngày nay, dân trí cao hơn, họ đã mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Tôi cho rằng đây là sự tiến bộ, là chuyển biến rất tích cực”.
Đầu năm nay, bà Hằng (55 tuổi) đã đến TAND Q.Tân Phú nộp đơn xin ly hôn, sau hơn 30 năm chung sống.
Bà trình bày: “Phụ nữ ở tuổi tôi, cái cần nhất là niềm vui, sự chia sẻ, thương yêu chứ không cần một người chồng cho có với người ta”. 19 tuổi, bà Hằng kết hôn, ba người con lần lượt ra đời.
Tảo tần buôn gánh bán bưng, bà đã nuôi các con ăn học và lo lắng chu toàn cho người chồng vừa thất nghiệp, vừa thô bạo, ích kỷ, gia trưởng. Từ ngày ông Nghinh - chồng bà, hùn hạp mở một văn phòng làm dịch vụ tư vấn, bà phải chịu thêm tính… khinh người của chồng.
Khổ thay, người ông Nghinh coi rẻ lại duy nhất là bà. Chăm lo cho chồng từ miếng ăn, giấc ngủ nhưng bà Hằng chỉ nhận lại sự hắt hủi của ông. “Tôi đi gặp khách hàng, nhìn bà… quê quá, già rồi, đi với tôi chi”, “Bạn bè tôi đến chơi, bà nấu vài món rồi đi đâu thì đi, ở đây ăn nói ngờ nghệch người ta cười” là những câu ông Nghinh thường nói với vợ.
Giọt nước vẫn chưa tràn ly sau cái lần bà Hằng phát hiện chồng có nhân tình là một cô gái chỉ trạc tuổi con mình. Bà khóc, ông đánh bà một trận rồi đổ lỗi “Tôi tìm cái bà không đáp ứng được”.
Sợ các con buồn và không biết phải sống thế nào khi hôn nhân đổ vỡ, bà nén đau chịu đựng. Ngưỡng chịu đựng của bà chỉ “chạm mốc” sau một cú đạp của chồng trong ngày ông đổ bệnh.
Trước đó, bà lên cơn đau phải nhập viện, con gái báo tin, ông cười nửa miệng: “Còn sống thì tự lo, khi nào bả chết hẵng tính”. Đến lượt ông bị sốt, í ới gọi ba lần bà mới xuất hiện. Bực mình, ông vừa nói vừa đạp lên người bà: “Chậm chạp! Bà không bằng một con ở”. Bung bét. Bà Hằng quyết định ly hôn để tìm sự bình an cho mình…
Thẩm phán Hồ Thị Lệ Thanh trải lòng, đối với những vụ án mà nguyên đơn là phụ nữ, khả năng hòa giải thành công rất thấp, bởi khi quyết định chấm dứt hôn nhân, người vợ đã cân, đo, đong, đếm rất kỹ nên sự cương quyết rất cao.
“Khi kết hôn, mỗi người trước tiên hãy có trách nhiệm với bản thân; không vội vàng, không có ý nghĩ xây được thì đập được, hôn nhân mới hạnh phúc lâu dài” - bà Thanh nhắn nhủ.
(Theo Phụ nữ online)