Chị Hai tôi thuộc phe “bảo thủ” nên đứa em nào chưa học hành xong, chưa công ăn việc làm mà yêu đương nhăng nhít là Hai chửi tóe khói.
Đứa nào “xăm mình” đem người yêu về giới thiệu, dù cô (cậu) người yêu có là công chúa, hoàng tử gì Hai cũng tìm cách chê. Không bị phán “sứt môi lồi rốn” thì cũng “mình dây khó đẻ” hoặc “tướng gù không sang”. Với Hai, đứa em nào cũng phải có tấm bằng đại học hoặc cao đẳng, rồi có công ăn việc làm (ít nhất) như Hai, thì mới được nói tới chuyện yêu đương.
Ba mẹ mất gần như một lượt. Nhà nghèo, bầy con sáu đứa, đứa nào cũng phải “coi theo chị Hai bây mà ăn học” nên tụi em học khờ người, ba mẹ cũng chạy tiền phờ râu. Ba mẹ mất do lao tâm lao lực quá sức. Khi đó, thằng em út chưa học xong lớp 10, thằng áp út đang 11, Hai thay ba mẹ lo cho bầy em đứa nào thấp nhất cũng tốt nghiệp trung cấp. Năm đứa em lần lượt lập gia đình, vui buồn với nồi cơm lu gạo của mái nhà nhỏ, không còn thời gian nghĩ xem Hai đã tính bao giờ yên ấm.
Cũng đã vài mối tình chóng vánh đi qua tuổi xuân của Hai, nhưng vì người ta không chờ đợi được, vì con gái có thì, trong khi ai nói đến chuyện cưới xin Hai đều bảo “để lo cho mấy đứa nó ăn học xong rồi tính”. 36 tuổi, rồi Hai cũng có chồng. Một người chồng hơn Hai những 15 tuổi. Trong mắt các em, anh rể là một người uyên bác, bặt thiệp và rất cưng chiều Hai. Đứa nào cũng mừng cho chị. Nhưng... đằng đẵng sáu năm, Hai mấy lượt nhìn cái que nhỏ xíu, khấp khởi mừng khi thấy cái vệt hồng thứ hai xuất hiện, nhưng không lần nào mừng trọn vẹn. Vợ chồng lên thác xuống ghềnh đưa nhau đi bác sĩ. Đông - Tây gì cũng tìm đến, cuối cùng là “sức khỏe bình thường”... Thế là, đùng một cái, Hai nói anh chị sẽ ly hôn.
Anh rể bảo, anh chị ly hôn vì chị của các em “nhạt” quá. Nhạt là sao trời? Ngày hai buổi đến trường nhưng vẫn chu toàn cơm canh nóng sốt cho chồng, áo quần chồng sạch sẽ thơm tho. Anh rể không có việc gì làm ngoài mấy cái vi tính suốt ngày mang ra sửa đi sửa lại. Là máy của em út, họ hàng hai bên bị hư mang tới anh sửa giùm, không tiền công tiền cán gì. Tất cả đã có Hai lo, lương giáo viên toán và những “cua”, những “khóa” Hai dạy đã dư sức mang lại áo cơm cho gia đình.
Không lẽ ly hôn vì Hai không sinh được con? “Không phải vậy, “đời đầu” tôi đã có con rồi, giờ vợ chồng có con cũng tốt, không có cũng... được. Nhưng, Hai của em “nhạt” lắm!”. Nhạt là sao? Một con rô-bốt lập trình sẵn, dù bất cứ thời gian, địa điểm hay hoàn cảnh nào cũng làm theo lập trình đã ấn định. Em thấy có nhàm không? Rô-bốt liên quan gì tới chuyện hai anh chị? Là... là anh muốn nói chị Hai em như rô-bốt vậy! Rô-bốt đến nỗi chồng đòi ly hôn cũng đồng ý luôn!
Hai có rô-bốt thật không ta? Em mắc cười quá, việc gì phải lo nhiều thế cho mệt? Chị ngoài 40 rồi, không mong sinh nở nữa, công việc ổn định, thu nhập khá đủ, nhà cửa đàng hoàng, mỗi năm du lịch hai lần. Còn mong gì nữa? Rồi... về già? Ít nhất cũng có đứa con để nó rót cho ly nước khi ốm đau bệnh tật chứ? Muốn, nhưng trời không cho thì sao? Cuộc sống này ngắn ngủi lắm em, cứ vui lên mà sống, đừng mong những thứ không thuộc về mình. “Thôi” chồng sao mà vui hả trời? Hì... có khi đó lại là niềm vui, vì nếu biết đã không vui cho một cuộc sống chung vì không hợp nhau điều gì đó, thì níu kéo làm chi? Rồi mai mốt Hai già? Đứa nào cho tao đứa con làm con nuôi, nhà cửa, tài sản tao giao hết. Về già tao ngày hai buổi đi chùa, lãnh lương hưu đến cuối đời là xong.
Giờ “rô-bốt chị Hai” của tôi vẫn ngày hai buổi đến trường, chiều vui thì nấu, buồn ké qua nhà đứa em nào đó ăn chung. Tuần hai buổi gom mấy đứa cháu lại “khảo” kiến thức toán từ lớp 6 đến lớp 12, đứa nào giỏi thì thưởng, đứa nào ú ớ phạt mười ngàn. Hai bảo, được sống là vui rồi, thêm chút thảnh thơi càng tốt. Đừng quá tham lam những gì vốn đã không thuộc về mình. Nhưng cuộc đời, mấy ai phân biệt được thứ gì thuộc về mình, thứ gì không thuộc, hả trời?
(Theo Phunuonline)