- Mừng tuổi vốn là phong tục rất đẹp của người dân Việt Nam vào những ngày Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên thời nay, ở nhiều gia đình, tiền mừng tuổi bỗng trở thành thước đo tình cảm khiến cho những mâu thuẫn không đáng có đã nảy sinh.

Mừng tuổi 100 nghìn, mẹ chồng ghét con dâu ra mặt

Là năm đầu tiên ở nhà chồng, nên ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, chị Loan (Chí Linh – Hải Dương) đã lên kế hoạch mua sắm Tết cho gia đình chồng. Từ thực phẩm Tết, đến quà bánh, mâm mũ quả để bầy biện cho ban thờ, và quà Tết cho anh em họ hàng hai bên nội ngoại chị đều mua hết chứ không để bố mẹ chồng phải lo bất cứ thứ gì.

Ngay cả bộ bát đũa chị cũng cầu kỳ mua từ Hà Nội về để thay thế cho bộ bát đũa đã cũ ở nhà chồng. Vì thế bố mẹ chồng chị Loan vui, và thấy ưng cô con dâu mới lắm.

Hai ông bà ra sức đi khoe với họ hàng làng xóm vì đã chọn được dâu ngoan, lại biết lo toan chu đáo cho gia đình chồng.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, mọi tình cảm của bố mẹ chồng dành cho chị Loan bống bay biến chỉ sau buổi sáng mùng 1 Tết khiến chị Loan không kịp xoay xở.

Chẳng là, vì lo toàn bộ Tết nhất cho gia đình nên số tiền thưởng Tết ít ỏi và cả tiền tiết kiệm được sau khi cưới của 2 vợ chồng đều đã bay biến hết. Vì thế cho nên, khoản mừng tuổi cho bố mẹ và anh em, họ hàng không còn nhiều.

Hơn nữa, chị Loan cũng nghĩ, giống như ở quê mình, tiền mừng tuổi chỉ mang tính chất tượng trưng, tức là chỉ cần một khoản nho nhỏ bỏ vào phong bao lì xì đỏ để mừng tuổi cho người cao tuổi và các cháu nhỏ để chúc họ có nhiều sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Vì thế, mỗi phong bao cho bố, mẹ 2 bên, và vài ông bà cao tuổi trong họ chị chỉ bỏ 100 nghìn đồng. Còn lại chị chỉ bỏ vào phong bao 10-20 nghìn để mừng tuổi cho các cháu nhỏ.

Ai ngờ, sau buổi sáng mùng 1, bóc xong phong bao lì xì, chỉ thấy tờ 100 nghìn, bố mẹ chồng chị Loan tức ra mặt. Không nói không rằng với con dâu.

Đến chiều, họ hàng làng xóm đến chơi, rồi mừng tuổi nhiều, ông bà còn cố ý bóc phong bao trước mặt chị Loan rồi nói mát con dâu, ra chuyện chị Loan keo kiệt, mừng tuổi bố mẹ chồng mà không bằng nhà khác họ mừng tuổi cho trẻ con.

Đến lúc này, chị Loan mới hiểu ra vấn đề nên tình cảm chị dành cho mẹ chồng bỗng không còn được như trước nữa.

Chưa xong Tết, mẹ chồng đã bắt con dâu nộp lại tiền mừng tuổi

Cùng là dâu mới, nhưng chị Huyền (Bình Lục – Hà Nam) may mắn hơn chị Loan vì tất cả thực phẩm, quà Tết, quà cho 2 vợ chồng đi chúc tết và ra mắt họ hàng, mẹ chồng chị Huyền đều lo đủ cả. Vì thế, sau khi được nghỉ Tết, chị Huyền và chồng chỉ việc biếu tiền bố mẹ và vác về một cành đào cùng ít quà bánh ngon mua từ Hà Nội.

Tết đến, ở quê chồng của Huyền thường có phong tục, mỗi khi dâu mới đến chúc Tết và mừng tuổi họ hàng, thì họ hàng cũng sẽ mừng tuổi cho cô dâu mới để lấy may. Vì vậy, sau khi đi chúc Tết một lượt thì số phong bao lì xì mà Huyền nhận được cũng kha khá.

Tuy nhiên, buổi sáng mùng 2, đang chuẩn bị về tết quê ngoại thì mẹ chồng Huyền lại gọi con dâu vào phòng rồi bắt Huyền nộp lại số tiền đã được họ hàng mừng tuổi. Huyền vô cùng bất ngờ, nên sau khi nộp lại số tiền cho mẹ chồng thì Huyền chạy thẳng vào phòng và khóc.

Chồng Huyền biết chuyện nên lựa lúc rảnh rỗi để hỏi mẹ xem vì sao lại đòi tiền mừng tuổi khiến con dâu hiểu sai về mẹ như thế, thì bị mẹ mắng té tát. Bà bảo, “tiền tao bỏ ra mua quà bánh để chúc tết thì tao phải thu lại là đương nhiên”. Nói rồi, bà tìm Huyền “xử lý” vì “có như vậy cũng ton hót với chồng” khiến 2 mẹ con mặt nặng mày nhẹ với nhau.

Từ đó, bà ghét Huyền ra mặt, cứ nhìn thấy con dâu là bà gầm gừ khiến không khí trong cả gia đình căng thẳng và tẻ nhạt suốt cả kỳ nghỉ Tết.

Minh Anh