“Em sung sướng thế còn đòi hỏi cái gì? Em toàn ở nhà chứ có phải ra ngoài chịu sương gió gì đâu mà suốt ngày lười nhác thế, cơm không nấu, con chẳng chăm?”.
Khi cưới anh Tâm, chị Phương (Quận 7, TP.HCM) có một công việc ổn định, lương cao với vị trí kế toán trong một doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó anh làm luật sư cùng công ty.
Từ ngày yêu nhau, anh Tâm đã có ý muốn chị sau này nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình. Với anh chuyện tiền nong thì người đàn ông phải gánh, nhưng chị không chịu. Sau khi hai người nên vợ nên chồng, đặc biệt là khi bé Tít ra đời, chị buộc phải nghỉ việc ở nhà vì anh Tâm liên tục dồn ép, gây khó dễ.
Dù mọi chuyện đều theo ý muốn của anh nhưng cuộc sống gia đình chị dường như không được suôn sẻ.
“Em sung sướng thế còn đòi hỏi cái gì? Em toàn ở nhà chứ có phải ra ngoài chịu sương gió gì đâu mà suốt ngày lười nhác thế, cơm không nấu, con chẳng chăm?” - Ngày nào anh cũng giận dữ mắng mỏ chị với điệp khúc ấy.
Chị xót xa tự chất vấn bản thân mình rằng liệu đó có phải là sự thật, là những cảm nhận từ thực sự của anh về chị hay không? Chị biết anh rất vất vả, phải đối phó với hàng tá công việc lớn nhỏ trong công ty, kiếm tiền nuôi cả gia đình. Nhưng sao anh nghĩ chỉ mình anh vất vả, còn chị, chị đâu có sung sướng như lời anh nói? Đã có lúc chị thấy cay đắng, tủi khổ, sai lầm khi nghe lời anh bỏ việc để ở nhà chăm con.
Chị đã hoàn toàn sai lầm khi nghe chồng nghỉ việc ở nhà chăm con (Ảnh minh họa). |
Từ ngày ở nhà, chị không có một khoản tiền nào, 100% các khoản chi tiêu chỉ phụ thuộc vào anh. Cứ đầu tháng chị lại chìa tay xin tiền chồng chợ búa, bỉm sữa cho con.
Thời gian đầu anh rất vui vẻ, chủ động đưa tiền chi tiêu cho chị. Nhưng càng về sau anh càng đưa chậm, đưa ít hơn. Chị biết anh rất vất vả nên chẳng đòi hỏi nhiều, nhưng anh không hiểu điều đó. Thấy chị không nói gì, anh còn tự cho rằng khoản đó là dư dả nên mấy tháng gần đây, anh còn bớt dần đi.
Trong khi đó giá cả ngày càng tăng cao. Tiền thức ăn cho hai vợ chồng, tiền bỉm sữa, thực phẩm cho bé, rồi tiền điện, tiền nước... khiến chị muốn nổ tung cả đầu. Mỗi lần đi chợ là một lần chị so đo, tính toán, căn ke đến từng đồng. Mỗi lần cầm hóa đơn là một lần chị nhăn mặt thấy thời gian sao trôi nhanh quá.
Chị già đi khi lúc nào cũng phải nghĩ bài toán “Tối nay ăn gì? Hai món mặn, 1 món canh chất và rẻ?”. Làm món gì đạm bạc quá anh lại kêu chị vụng về, lười nhác, ki bo; làm món ngon hơn thì tiền không đủ tiêu...
Rồi Tít lớn lên, khi bé 5 tuổi, chị muốn cho bé đi học ở cung Văn hóa nhưng ngại nói với chồng. Chị bảo con ra ngoài xin bố. Được vài lần đầu, sau anh khó chịu mắng chị: “Xui con bòn rút tiền của chồng”.
Mâu thuẫn về chuyện tiền nong như vậy với chị xảy ra như cơm bữa, nó khiến chị chai sạn dần cảm xúc với chồng. Chị lúc nào cũng ngậm đắng nuốt cay không dám lời qua tiếng lại với anh những mong anh thông cảm, thế nhưng anh nào có hay.
Chị là đàn bà, chị cũng có mong muốn, có nhu cầu được làm đẹp lắm chứ. Nhưng thời gian không có, tiền bạc cũng không nhiều, chị đành ngậm ngùi tự an ủi mình: “Để mai tính”.
Đôi lần chị nghĩ tới cảnh ngửa tay xin chồng đi mua sắm cho bản thân nhưng chị biết chắc câu trả lời sẽ là thế nào. Anh đâu có hiểu, anh lúc nào cũng nghĩ chị sung sướng, nhàn hạ lắm rồi.
Nhiều đêm chị thầm khóc khi chồng liên tục chê bai vợ: “Em xem lại cách ăn mặc đi, lôi tha lôi thôi, có khác gì mấy con mụ bán rau ngoài vỉa hè không?”.
Hay mỗi lần ngồi xem ti vi cùng con, thấy có bà nào già nua, cũ kỹ, xấu xí, anh lại cười khanh khách chỉ vào màn hình: “Tít ơi, mẹ con lên hình kìa”. Thấy thế, chị vừa mở miệng ra bảo: “Mai cho em tiền đi mua đồ làm đẹp nhé”, anh lại tru tréo: “Lại tiền, sao suốt ngày cô ca cẩm bài này mà chưa chán à?”.
Nói đến đây chị đã ứa nước mắt. Chị hiểu dường như trong mắt anh, chị chỉ là cái bóng, "của nợ" của anh, là nghiệp chướng mà anh phải gánh.
Ngày nào về nhà anh cũng kêu ca công việc bận rộn, đồng nghiệp lắm chuyện, rồi chuyện trên trời dưới đất. Anh bảo chị: “Giá mà tôi sướng như cô nhỉ? Ngồi một chỗ chẳng phải lo cái quái gì!”. Chị chỉ muốn hét vào mặt anh lúc đó: “Anh hãy dành ra 1 ngày, đứng một chỗ vào góc nhà xem tôi phải làm những gì?”.
Chị bận tối mắt tối mũi như con thoi từ 6 giờ sáng. Bé Tít dậy, cho bé ăn uống đi học, đón rước, đi chợ mua quà sáng cho vợ, là quần áo cho chồng, chợ búa nấu cơm, lau dọn 5 tầng nhà. “Ừ liệt kê ra ít việc nên anh tưởng là ít nhưng anh cứ thử làm đi. Nó ngốn hàng đống thời gian đấy”, chị thầm nghĩ.
Chị phải làm mọi thứ mà chẳng biết kêu ai. Anh đi làm về, vứt giày dép mỗi nơi một chiếc, chị lại lúi húi đi dọn. Ăn xong, chưa bao giờ anh giúp chị bê mâm vào bếp. Với anh, chuyện pha sữa, cho con ăn, thay rửa, tắm táp cho con... không có trong nghĩa vụ cần làm. Chưa bao giờ anh biết mua cho chị 1 bát cháo dù lúc đó chị có ốm đau không lết nổi mình khỏi giường. Đơn giản, trong mắt anh - chị quá sướng!
Trong khi đó, chỉ cần chị chậm chân một chút, không là kịp cái áo, không pha nhanh cho anh cốc trà, anh đã gầm lên: “Có mỗi việc đó mà làm không xong?”.
Trong câu chuyện của anh, anh luôn khen vợ bạn, vợ đồng nghiệp làm “mát mặt chồng”. Chị biết anh rất xấu hổ với bà vợ loanh quanh xó bếp là chị.
Lúc nào anh cáu, anh lại so sánh: “Vợ thằng Hiệp xinh ghê lắm, mà giỏi nhé, vừa đi làm kiếm tiền nghìn đô mà chăm con số 1. Thằng Hiệp thế mà sướng!”.
Nghĩ đến hoàn cảnh của mình và cô bạn thân, chị thấy nẫu lòng. Chị cũng có cô bạn hao hao hoàn cảnh chị. Nhưng cô ấy tốt số, dù ở nhà chăm con nhưng chồng lúc nào cũng yêu thương, vỗ về, làm giúp vợ việc này việc kia. Chị biết gia đình chị đang một ngày nguội đi vì thiếu lửa chia sẻ giữa hai vợ chồng.
Chị cũng biết, để xảy ra tình cảnh như ngày hôm nay, một phần lớn là lỗi ở chị. Chị hoàn toàn sai lầm khi nghe chồng nghỉ việc ở nhà chăm con. Và chị lại nghĩ, biết lỗi mà không chịu sửa thì lỗi đó sẽ càng tày đình hơn. Ngay ngày mai, chị sẽ làm hồ sơ xin việc...
(Theo Trí thức trẻ)