Lấy lý do “Tết mà”, các cửa hàng ăn uống, dịch vụ tại những khu vui chơi, giải trí, đền chùa thi nhau chặt chém du khách.

Bún ốc Hồ Tây 100 ngàn

Khách du lịch đến với Hà Nội những ngày Tết rất hào hứng với đặc sản mang tên: bún ốc. Từ mùng 2 đến khoảng mùng 10 Tết, ở bất cứ con đường hay tuyến phố nào cũng có thể bắt gặp những hàng bún ốc, bún riêu bắt mắt với mùi thơm mời gọi.

Tuy nhiên, không ít du khách phương xa sau khi hào hứng vào thưởng thức một tô bún ốc Hồ Tây thì khi đứng dậy trả tiền đã ngã ngửa bởi chủ quán thản nhiên “quát” giá: mỗi bát 100.000 đồng!

Theo phản ánh của Người Lao Động, một bát bún ốc thường ngày bán ở một khu chợ bình thường của Hà Nội cao lắm cũng chỉ có giá 20.000 đồng, nếu có thêm một hai miếng giò lụa thì có giá 25.000 đồng nhưng vẫn là bát bún ốc đó bán trên vỉa hè Hà Nội những ngày Tết có giá “rẻ” cũng phải 50.000 đồng.

{keywords}

Một cửa hàng bún ốc ở Hòe Nhai, phố bán bún ốc khá nổi tiếng ở Hà Nội, thường có động tác “nói cho rõ” về mức giá bán ngày Tết bằng một thông báo dán ngay trên tường: “Để ngày tết phục vụ chu đáo, nhà hàng bán đồng loạt 1 loại giá thập cẩm 70.000 đồng/ bát”.

Khi hỏi nhà hàng ngày về mức giá đắt gấp đôi ngày thường thì bà chủ giải thích: “Giá đó là mềm lắm rồi vì ngày Tết chúng tôi phải trả lương nhân viên gấp đôi, thậm chí gấp 3; giá các nguyên liệu đầu vào cũng đắt hơn, mà thậm chí đắt hơn cũng không có mà mua”.

Đi đò vào chùa Hương 1,5 triệu đồng

Đến hẹn lại lên, chùa Hương khai hội cũng là lúc nạn “chặt chém” hoành hành. 

Theo phản ánh của Lao Động Online, ngay từ ngày mồng 1 tết, người dân đi lễ chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) chưa nhộn nhịp, nhưng nhiều người tỏ ra khó bức xúc với việc vé vào chùa. 

Tại bến đò, mặc dù giá vé niêm yết để đi đò vào chùa Hương Tích là 90.000 đồng, tuy nhiên nhiều người dân bức xúc cho biết, vé niêm yết một đường, xuống thuyền phải trả cho chủ thuyền vài trăm nghìn đồng nữa thì họ mới chịu chở.

Anh Hoàng (Tam Điệp, Ninh Bình) bức xúc: "Gia đình tôi đi 10 người thì có 5 cháu nhỏ, 5 người lớn nhưng phải trả cho chủ đò 1 triệu 500 nghìn đồng. Khó thể chấp nhận, nhưng không còn cách nào khác...".

Lý giải cho việc này, một chủ đò có tên Thụy cho biết: "Ngày hôm nay, lượng người đi không đông, chỉ vài trăm người, ngày mai đông nhưng những người chèo đò thu hết vé, chúng tôi đi thuyền máy, đầu năm dù gì thì gì cũng phải có ít lộc thì mới vui vẻ".

Bắt đầu từ ngày khai hội (từ mùng 6 tháng Giêng Âm lịch), dù lượng khách đến chùa giảm hơn mọi năm, nhưng nạn chặt chém vẫn hoành hành. Trong đó nhức nhối nhất là nạn “chặt chém” ăn uống, đổi tiền lẻ và đi đò khiến du khách bức xúc nhất.

Theo phản ánh của ĐSPL, ở đền Trình (đoạn đầu suối Yến), du khách phải đổi tiền lẻ với mức 10 ăn 8, khi vào đến khu Thiên Trù phải đổi với mức 10 ăn 6, thậm chí chỉ 5. Hay như ở bến đò, dù năm nay ban tổ chức đã bố trí khoảng 5.000 chiếc đò đưa đón khách nhưng nhiều chủ đò hụt hẫng vì số lượng khách ít hơn dự kiến. Nhưng nạn “chặt chém” vẫn hoành hành.

Ngoài tiền vé, du khách còn phải trả thêm cho lái đò một số tiền nhất định tùy vào đoàn đi đông hay ít người. Vợ chồng anh Nam bức xúc cho biết: "Chúng tôi chỉ đi 2 người nhưng chủ đò cũng đòi thêm 300 ngàn đồng. Cộng với vé vào thắng cảnh thì chúng tôi phải bỏ ra 470 ngàn đồng mới được đi đò. Trong đó, số tiền phụ trội đã gần gấp đôi tiền vé. Cũng bởi vì suối Yến có thể được coi là con đường độc đạo dẫn vào chùa nên chúng tôi đành chấp nhận ghép với những người khác để cùng chung chi...".

Gửi xe máy 20- 50 ngàn/chiếc

Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn Hà Nội lại ra sức “chặt chém” người dân.

Theo ANTĐ, ngay từ mùng 1 Tết, tại các điểm vui chơi, giải trí như khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu -Quốc Tử Giám, phủ Tây Hồ... người dân đến tham quan, thưởng ngoạn, đi lễ đầu năm khá đông khiến các điểm trông giữ tự phát được dịp bung ra với mức phí trông giữ xe cao hơn từ 5-10 lần so với giá quy định. Tình trạng vé xe mỗi nơi một kiểu diễn ra phổ biến tại nhiều điểm vui chơi.

Chị Phạm Kiều Anh, ở phố Thái Hà, quận Đống Đa cho hay, hàng năm vào dịp năm mới chị lại cùng con trai đến phủ Tây Hồ đi lễ cầu bình an cho gia đình và người thân. Mặc dù giá gửi xe ở đây khá cao song do thiếu điểm trông giữ xe nên chị đành chấp nhận trả mức phí gấp nhiều lần so với quy định. “Khi một số người thắc mắc về mức phí, nhân viên trông giữ xe còn nói sẵng: “đắt thì đi chỗ khác mà gửi, ở đây chỉ thiếu chỗ chứ không thiếu người gửi” - chị Kiều Anh kể lại. 

Khảo sát tại một số điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố trong chiều mùng 5 Tết, chúng tôi nhận thấy phần lớn người trông giữ xe thản nhiên thu tiền của khách với mức giá 20.000đồng/lượt đối với xe máy. Mặc dù cảm thấy không thoải mái nhưng do đang là thời điểm du xuân, hầu hết các dịch vụ đều tăng giá nên người dân đành phải chấp nhận.

Theo CATPHCM, tại chùa Bà Chúa Xứ 2 ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, giá giữ xe theo từng bãi giao động từ 30-50 ngàn đồng/chiếc. Thế nhưng nơi nào cũng đông nghẹt xe, vì người đi lễ chẳng biết gửi nơi đâu.

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều du khách đi du xuân tại khu du lịch Suối Tiên (Q.9) cũng bị “móc túi” một cách trắng trợn. Theo Ban Quản lý, giá gửi xe máy tại bãi chỉ có giá từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc, ô tô 4-15 chỗ thì 30.000 đồng và trên 15 chỗ là 50.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, thực tế giá giữ xe máy ở khu vực xung quanh lại được thu đến 40.000 - 50.000 đồng; giá giữ ô tô thì từ 80.000 đến cả trăm ngàn đồng mỗi chiếc, tùy theo lớn nhỏ.
  • K. Minh (tổng hợp)

Còn tiếp: Choáng với bát phở 200 nghìn trên đường Quốc lộ 1A