Xé gà luộc làm ruốc; chế biến đồ nguội thành nộm, kẹp bánh mì; luộc lại bánh chưng… - các bà nội trợ chia sẻ với nhau để chế biến lại thực phẩm thừa sau Tết, hạn chế tối đa việc đổ đồ ăn ra thùng rác.
Chị Vĩnh Quyên, Phó Giám đốc VOV hệ phát thanh có hình “khai mạc” câu chuyện mùng 5 Tết bằng bí quyết chế biến 2 con gà luộc thành món ruốc gà. Chị cho biết, tết năm nay chị làm mấy món đồ nguội, vì thế 2 con gà luộc cúng không đụng đến. “Đồ cúng mà bỏ đi thì phải tội với ông bà nên tôi xé ra, sao lên làm món ruốc gà có thể để lâu hơn, ăn với xôi hoặc cháo”- chị chia sẻ.
Còn tới 5kg lợn mán, 1 kg thịt bò trong tủ lạnh, chị Phùng Tuyết Lan- giáo viên tiểu học tại Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) “xử lý” bằng cách lọc thịt lợn nạc làm ruốc, còn thịt bò đã lỡ luộc thì chị cắt làm 4 miếng bỏ ngăn đá “lúc nào ăn thì bỏ xuống làm nộm hành tây, dứa”- chị nói. Theo chị Lan, thịt lợn, thịt bò đã nấu mà không ăn hết, chị xay nhỏ để làm món xào hoặc nhồi đậu phụ, mướp đắng, hay làm nhân bánh…
2 con gà cúng đã được chị Vĩnh Quyên chế biến thành ruốc gà |
Kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ khác thì từ mùng 3,4 đã phải bỏ giò xào vào… xào lại để tránh lên mốc; giò lụa thả vào bún thang ăn cùng với thịt gà. Riêng bánh chưng, nhiều người cho rằng bánh chưng cúng để bàn thờ thì với thời tiết như Tết năm nay thì chỉ tới mùng 3 tết là lên mốc, vứt bỏ. Tuy nhiên, có nhiều người cẩn thận cất lên… tủ đá, lúc nào ăn cho vào lò vi sóng quay lại, hoặc bắc bếp luộc lại nên có thể bảo quản cả chục ngày.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, người Việt cần thay đổi thói quen tích trữ lương thực và cách chuẩn bị đồ ăn, đồ cúng trong ngày Tết để tránh lãng phí: “Tôi có đọc thông tin về hàng nghìn chiếc bánh chưng sau Tết bị vứt vào sọt rác, bản thân tôi cũng nhìn thấy nhiều gia đình đổ xôi, gà, giò chả…vào thùng rác sau Tết như thế là rất lãng phí và có tội. Đối với một gia đình chỗ thực phẩm ấy chỉ rất nhỏ, nhưng cả xã hội thì nó là con số khổng lồ. Trong khi đó còn bao nhiêu người nghèo không đủ ăn” – ông Thịnh nói.
Ông Thịnh phân tích, đối với bánh chưng, trước đây đất nước còn nghèo, có gạo gói bánh ngày Tết đã khó nên bánh chưng rất quý. Thường nếu trong Tết không ăn hết thì ra Tết khoảng mùng 2, mùng 3 họ sẽ luộc lại để ăn tiếp.
“Hiện nay thì khác, nhiều gia đình không luộc bánh chưng mà đi đặt, đi mua…đương nhiên họ không biết chính xác thời gian sản xuất của bánh để có kế hoạch bảo quản. Vì thế, mua thực phẩm, người dân nên hỏi rõ ngày làm bánh và hạn sử dụng”. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên.
Theo ông Thịnh, các loại thực phẩm khác thì chỉ nên mua đủ ăn để đảm bảo độ tươi, chất dinh dưỡng và bữa ăn ngày tết nên thay đổi với nhiều món tươi, ít mỡ.
(Theo Dân Việt)