- Đọc bài “Phụ nữ Việt đã kiếm ít tiền còn lắm mồm” của tác giả Hà Tú, tôi thấy vô cùng tâm đắc.
Lâu nay, phụ nữ luôn đòi quyền bình đẳng, nhiều tổ chức lập nên cũng nhằm đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế, tôi thấy, các chị chỉ muốn phần bình đẳng có lợi cho mình, tức là muốn đàn ông phải chia sẻ những công việc mà từ trước đến nay phụ nữ Việt luôn đảm nhiệm nhưng lại không muốn phải bình đẳng với những công việc và trách nhiệm mà cánh đàn ông trước nay đang phải gánh vác.
Ví dụ, trong đời sống gia đình, các chị/em luôn đòi hỏi người đàn ông của mình phải là người trụ cột, gánh vác những việc lớn, và là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần cho cả gia đình.
Ảnh minh họa: Internet |
Quan điểm này, cánh đàn ông vẫn tạm thời chấp nhận vì nó đã ăn sâu vào máu, vào tâm trí của mọi người dân Việt Nam từ bao nhiêu đời nay. Tuy nhiên, đàn ông gánh vác việc lớn thì đàn bà phải lo chuyện gia đình, con cái... là đương nhiên.
Ấy thế mà ngày nay, các chị/em cứ ra rả đòi quyền bình đẳng, nào là đàn ông phải chia sẻ việc nhà với vợ, cùng vợ nuôi dạy con, rồi phải tình cảm và quan tâm yêu chiều vợ...
Vậy tại sao các chị lại không chịu hiểu cho rằng, muốn kiếm được nhiều tiền, thì phải dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho công việc và các mối quan hệ thì mới ra được tiền? Chứ cứ quanh quẩn ở nhà, làm việc nhà với vợ, đón con, dạy con học, hay đưa các vợ đi mua sắm, du lịch ... thì lấy đâu ra tiền. Bởi chung quy lại, đàn ông cũng chỉ có 2 tay, 1 cái đầu chứ không phải là 5, 10 tay, hay 5, 10 cái đầu.
Tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ tôi thấy, kể cả là đàn ông kiếm được nhiều tiền, là trụ cột hay không là trụ cột thì phụ nữ cũng vẫn không hài lòng. Bởi sau khi đã sống quá nửa cuộc đời, tôi nhận thấy một điều rất đặc trưng ở phụ nữ Việt đó là, “đòi hỏi không giới hạn” và “kiểu nào các chị/em cũng nói được”.
Tôi có cậu bạn, sống rất tình cảm, tuần nào cũng phải đưa vợ con đi chơi công viên, sở thú, hoặc đi siêu thị với vợ ít nhất 1 lần/tuần. Còn lại ở nhà, cô vợ nấu cơm thì anh chồng rửa bát, vợ đưa con đi học thì chồng đón con về... Tóm lại, anh này là mẫu người của gia đình, và chúng tôi vẫn thường gọi bông đùa bằng cái tên “người chồng nhân dân”. Ấy thế nhưng, bằng ấy việc anh chồng làm, người vợ vẫn không hài lòng. Cứ gặp bạn bè, gia đình là cô ấy chê chồng kém cỏi, nhu nhược, vì anh này không kiếm được nhiều tiền. Lương công chức ba cọc ba đồng, chẳng đủ để mua sữa cho con...
Còn một cậu bạn khác, kiếm tiền khỏi nói vì anh này khá là thông minh, lanh lợi. Vì thế, vợ con không bao giờ phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc. Việc nhà, chuyện con cái cũng đã có đến 2 osin lo nên cô vợ cũng chẳng bao giờ phải đụng chân đụng tay nhiều. Mỗi ngày, người vợ chỉ đi làm 1 công việc văn phòng nhàn hạ, lương đủ để uống sinh tố cho đẹp da. Thế mà, cô vợ cũng đâu có hài lòng.
Cứ nhìn thấy chồng là cằn nhằn, nào là đi tối ngày, không có thời gian dành cho vợ con, không tâm lý và tình cảm với vợ, không biết vợ đang buồn hay vui, không chia sẻ được với vợ những phiền phức mà vợ gặp phải trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ...
Cô này cằn nhằn nhiều đến mức, cậu bạn tôi phát ngán, cứ nhìn thấy vợ là muốn tránh như tránh tà. Vì không tránh thì kiểu gì cô ấy cũng tranh thủ mọi thời gian để nói, để kể lể, và trách móc... Thậm chí, 1 ước mơ nhỏ nhoi của cậu bạn tôi là “muốn ăn một bữa cơm yên tĩnh với gia đình để thư thái đầu óc mà cảm nhận vị ngon của thức ăn cũng khó. Vì đồ ăn thì đầy ra đấy, toàn sơn hào hải vị, nhưng vợ cứ ngồi bên nói ra rả thì ai mà nuốt cho nổi”.
Đến khi anh chồng không chịu nổi vợ nên ngoại tình, thì vợ lại bù lu bù loa rằng, “có tiền nên rửng mỡ”.
Thế đấy, như thế thì biết làm thế nào, biết sống thế nào thì các chị/em mới hài lòng !
Nguyễn Phúc (Thanh Xuân – Hà Nội)
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả
BẠN NGHĨ GÌ VỀ Ý KIẾN NÀY? MỌI GÓP Ý XIN GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL:DOISONG@VIETNAMNET.VN!TRÂN TRỌNG CẢM ƠN! |