Không được giáo dục giới tính, không nắm các kiến thức pháp luật liên quan được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ thanh thiếu niên phạm các tội xâm hại tình dục ngày càng nhiều. Tuy nhiên, “Khó nói lắm! Biết gì đâu mà nói” là câu trả lời của nhiều phụ huynh, giáo viên khi đề cập đến việc giảng dạy cho con em những vấn đề này.

“Bị cáo cho rằng chuyện quan hệ sẽ khiến cô ấy mang bầu, lúc đó gia đình mới chấp nhận, cho cưới”, câu trả lời ngây thơ của bị cáo Trần Duy Phú trong phiên xử sáng 6/1 ở TAND TP.HCM khiến nhiều người ngậm ngùi. Phú (SN 1993, phạm tội năm 19 tuổi) và T. (SN 2000) yêu nhau. Bị gia đình cấm cản, cả hai nhiều lần cùng vô khách sạn với suy nghĩ để T. có thai, từ đó đặt gia đình vào tình thế… “chuyện đã rồi”. Ngơ ngác vì bị truy tố tội hiếp dâm trẻ em, Phú cũng ngỡ ngàng trước mức án bảy năm tù tòa dành cho mình.

Không riêng Phú, rất nhiều bị cáo lẫn bị hại còn đang ở lứa tuổi học trò vẫn không biết, không tin hành vi của mình đã vi phạm pháp luật. Câu chuyện đau lòng xảy ra ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk mới đây: bốn học sinh lớp 10 Trường THPT Trường Chinh hiếp dâm một nữ sinh cùng khối, thêm lần nữa tô đậm bức tranh học sinh không được trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến giáo dục giới tính.

{keywords}

Một “áo trắng” phạm tội hiếp dâm


Theo luật sư Phan Thị Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM), trách nhiệm này trước tiên thuộc về gia đình: “Khi ra đến tòa, các bị cáo thường có tâm lý bất hợp tác, kêu oan vì cho rằng hành vi của mình không có tội; việc yêu và đến với nhau là hết sức bình thường. Điều này đặt ra câu hỏi, các bậc phụ huynh có nói chuyện với con về giới tính không? Yêu và quan hệ sớm để lại những hậu quả gì, có phạm pháp không và trường hợp nào, lứa tuổi nào thì quan hệ tình dục là phạm pháp, thay vì cứ ngăn cấm các em yêu nhau?”. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng am tường những vấn đề này. Nhiều người khi được hỏi đều vặn lại: “Cái này thuộc về nhà trường. Trường không dạy thì ai dạy?”. Chị Minh Nguyệt (Q.Tân Phú, TP.HCM, có con gái học lớp 11 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) khẳng định: “Nghe, xem nhiều vụ án như vậy, tôi cứ nghĩ… ở đâu chứ làm sao rơi vào con mình. Tôi chỉ thường dặn dò con đừng yêu sớm chứ biết gì về pháp luật đâu mà nói chuyện với con”.

{keywords}

Bị cáo Dương Thành Trung ra đến tòa vẫn không tin mình phạm tội

Cũng bởi tâm lý ngại chia sẻ, mù mờ kiến thức pháp luật nên cách đây không lâu, một người mẹ, cho đến ngày con bị kết án 14 năm tù giam vì tội hiếp dâm trẻ em, vẫn không cam lòng nên gõ cửa khắp nơi để kêu oan cho con.

 Bản thân chị biết rõ Dương Thành Trung (SN 1991, phạm tội năm 19 tuổi) - con trai mình - đã đưa người yêu là một nữ sinh lớp 7 về nhà, ở lại qua đêm và quan hệ tình dục nhưng không ngăn cản. 

Còn Trung, không biết hành vi của mình đã phạm pháp nên sau đó ra tòa, em luôn tỏ thái độ thách thức, khẳng định mình vô tội vì cả hai đều rất yêu nhau! Bênh con, người mẹ ấy cũng bằng mọi giá tìm gặp cô người yêu nhờ đến tòa làm chứng, giải thích mối quan hệ và thanh minh rằng việc “vượt rào” bắt nguồn từ sự thuận tình của cả hai.

Dưới góc độ giáo dục, nhà trường chẳng những không thể “vô can” trước tình trạng học sinh phạm tội diễn ra ngày càng nhiều mà còn bắt buộc phải là nơi trang bị cho các em kiến thức. Thế nhưng, vì đâu công tác này lại bị bỏ ngỏ? Bà Nguyễn Thị Ánh Sương - giáo viên bộ môn công dân Trường THPT Hùng Vương, Q.5 chia sẻ: “Thực tế, nhà trường có giảng dạy giới tính nhưng không chuyên sâu; còn kiến thức pháp luật chủ yếu tuyên truyền một cách chung chung, cơ bản các điều luật...”. 

Theo bà Sương, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng thường xuyên cập nhật tin tức qua báo đài các vụ án tương tự để lồng ghép truyền tải cho học sinh. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến giáo viên rất… ngại nói. Thứ nhất, tư liệu, kiến thức pháp luật liên quan đến giới tính đều do giáo viên “tự bơi”, tự cập nhật; nên khó mạnh dạn chia sẻ. Thứ hai, luật mỗi năm mỗi điều chỉnh, trong khi không có văn bản nào được ngành trao cho, giáo viên không thể tự ý… “múa rìu”. 

“Theo tôi, giáo viên cần sớm có giáo trình với những vụ án, tình huống pháp luật cụ thể để dễ dàng, mạnh dạn giảng dạy, cảnh báo cho học sinh” - bà Sương đề xuất. Luật sư Phan Thị Hậu đồng tình: “Ngoài sự quan tâm của gia đình, nhà trường cần thiết coi đây là môn học bắt buộc; theo đó, tùy lứa tuổi, cấp học mà giáo trình đi từ đơn giản, cơ bản đến cụ thể hơn. Học sinh nắm được kiến thức pháp luật liên quan đến giáo dục giới tính bên cạnh tránh biến mình thành tội phạm, mà còn biết cách tự bảo vệ bản thân để không bị xâm hại”.

(Theo PNO)