- “Cứ mỗi lần vợ chồng có chuyện mâu thuẫn, cãi vã, giận dỗi nhau là cô ấy lại xách valy bỏ về với bố mẹ đẻ khiến tôi vừa lo lắng, lại vừa bức xúc” – anh Nguyễn Ngọc Phong (Thanh Xuân – Hà Nội) tâm sự.
Cứ dỗi là cuốn gói ra đi
Anh Phong kể: “Tôi và vợ kết hôn được hơn 3 năm, đã có với nhau một cô con gái 2 tuổi. Tuy nhiên, tính trẻ con, tiểu thư và hay giận dỗi của vợ tôi thì mãi vẫn vậy. Chỉ cần làm khác ý, hoặc có đòi hỏi gì đó mà không được đáp ứng là cô ấy lại giận dỗi, không nói không rằng với chồng cả mấy ngày, thậm chí cả tuần.
Ban đầu, tôi cũng cố hiểu cho vợ và chiều vợ, vì từ nhỏ, cô ấy đã được sinh ra trong một gia đình giàu có, luôn được cả nhà chiều chuộng. Tuy nhiên, khi đã sống với nhau được một thời gian dài, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng màu hồng, thế mà cô ấy vẫn không chịu thay đổi, luôn đòi hỏi phải được cung phụng. Thế nên, không ít lần tôi cảm thấy ức chế và đã cãi nhau với vợ.
Tất nhiên, đó là những cuộc cãi vã không lấy gì làm to tát.
Cứ giận dỗi là cô ấy cuốn gói về nhà mẹ đẻ. Ảnh minh họa |
Vậy mà mỗi lẫn như thế, cô ấy lại phản ứng lại tôi, trừng phạt tôi bằng cách xách valy bỏ về nhà ngoại cho đến khi tôi phải sang xin lỗi và năn nỉ năm lần bảy lượt cô ấy mới chịu về.
Đến khi sinh con, những tưởng cô ấy sẽ người lớn hơn, chín chắn hơn trong suy nghĩ và hành động, nhưng không, mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, cô ấy lại “ngựa quen đường cũ” ôm theo con bỏ về nhà ngoại khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Nhất là mỗi lần sang đón vợ về, bố mẹ vợ lại nói mát tôi, thêm phần ác cảm với tôi.
Lần này, mâu thuẫn giữa chúng tôi lớn hơn, cô ấy nghi tôi có bồ sau khi đọc được mấy tin nhắn của tôi với cô bạn đồng nghiệp ở công ty. Thế rồi, chưa kịp tìm hiểu vấn đề, cô ấy đã tìm đến tận công ty tôi để đánh ghen khiến tôi vô cùng xấu hổ.
Trong lúc tức giận tôi đã tát cô ấy 1 cái, vậy là cô ấy lập tức ôm cả con, cả valy quần áo bỏ về nhà ngoại từ 3 ngày nay. Tuy nhiên, lần này tôi không còn muốn nhẫn nhịn để đến xin lỗi và đón vợ về như những lần trước nữa”.
“Tôi muốn để cho cô ấy có thời gian suy nghĩ về hành động của mình và khi nào nhận ra lỗi sai, cô ấy sẽ phải tự về chứ không phải là tôi đến năn nỉ như trước nữa” – anh Phong nghiêm nghị nói.
“Đi thì dễ nhưng về thì khó”
Trước câu chuyện của những người đàn ông có vợ bỏ về nhà ngoại sau cuộc cãi nhau với chồng, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, trong nhiều tình huống người phụ nữ làm như vậy là đúng, và không nên trách người phụ nữ.
Bởi vì, đàn ông khi tức lên có thể trút giận bằng cách đánh đập, chửi mắng vợ, nhưng đàn bà thì không làm thế được. Do vậy, phản ứng cao nhất của người đàn bà khi đó chỉ có thể là bỏ về nhà mình.
Trong trường hợp đó, nếu người chồng không muốn ly hôn với vợ, và đã hối hận vì mình đối xử không ra sao khiến vợ phải bỏ đi thì khi gọi điện cho vợ, người chồng phải biết nhận lỗi về mình. Sau đó phải bàn với vợ về hướng thay đổi sau này. Chứ không phải là gọi điện rồi đổ lỗi cho vợ về việc vợ bỏ đi, hoặc hứa đại để vợ đồng ý trở về.
“Cách làm đó (đổ lỗi, và hứa suông) thường không có kết quả. Lời hứa đó không có giá trị. Bởi chắc chắn, trước khi xảy ra việc người vợ bỏ về ngoại, thì anh đã hứa nhiều quá rồi. Còn về phía người vợ, một khi đã bỏ đi thì phải bắt người chồng sửa chữa, không tái phạm lỗi như lần này nữa”– Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, phương pháp bỏ về nhà ngoại khi cãi nhau, giận dỗi với chồng chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, và thật hạn chế dùng.
“Còn trường hợp người vợ lạm dụng, hơi tí là bỏ về ngoại như trên thì hoàn toàn không nên. Bởi đi thì dễ nhưng về là khó. Nhất là trong trường hợp người vợ bỏ đi khi lỗi của chồng chưa rõ ràng và chồng vẫn cho rằng mình đúng. Hoặc lỗi đó chỉ là một lỗi rất nhỏ, không đáng phải làm to chuyện” – chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.
Minh Anh