“Và vẫn đang trong thời gian cò cưa với mình chuyện cưới xin thì anh cũng đồng thời đưa đối tượng khác về nhà ra mắt bố mẹ anh và họ còn đi du lịch cùng nhau nữa. Có lẽ trai già là anh thấy hy vọng ở mình hơi mong manh nên phải gấp rút bổ sung đối tượng khác” - T. kể.
Nhắc đến kỉ niệm “đau thương” với một trai già đang trong tình trạng gấp gáp tìm vợ mà C. (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn không hết choáng váng mặc dù chuyện qua đã lâu. “Chàng lúc đó đã 31 tuổi. Khi đến tìm hiểu mình thì chàng cũng thẳng thắn rằng, tuổi của chàng là yêu để lấy và chàng lẫn gia đình đều mong lấy vợ lắm rồi. Mình vui vẻ và cho đó là điều bình thường thôi với đàn ông ở tuổi như chàng” - C. mở đầu câu chuyện.
Cô gái trẻ nói tiếp: “Nhưng chính việc đẩy nhanh tiến độ đến mức ngang với chảo chớp của chàng mới khiến mình kinh hãi. Mình hiểu rõ, trước khi chính thức đến làm quen và tán tỉnh mình thì chàng đã ngắm nghía tuổi tác và hoàn cảnh gia đình mình rồi, thấy ưng là mới tiến hành. Mình nghĩ, đó cũng là thực tế thôi nên không để bụng gì chuyện đó cả. Nhưng khi bọn mình mới quen nhau được 1 tháng thì chàng bảo chàng muốn cưới ngay vì thấy mình rất hợp tính chàng.
Mình từ chối với lí do: ‘Nhanh quá anh ạ!’. Chàng lí luận: ‘Nhanh hay chậm không phải là vấn đề em ạ, mà quan trọng là tình cảm của mình dành cho nhau như thế nào và kết quả ra sao. Có người yêu nhau đến 7,8 năm nhưng cũng chẳng đến được với nhau, có người chỉ yêu 2,3 tháng nhưng lại nên được duyên vợ chồng. Có thể tình cảm em dành cho anh chưa nhiều nhưng anh rất yêu em, anh nhất định sẽ làm cho em yêu anh và khiến anh hạnh phúc!’.
Nghe những lời nói cũng không phải không có lí và những lời yêu đương mặn nồng đó, C. cũng cảm thấy rung rinh (Ảnh minh họa) |
Nghe những lời nói cũng không phải không có lí và những lời yêu đương mặn nồng đó, C. cũng cảm thấy rung rinh. “Xét một cách khách quan, chàng là một đối tượng không tồi. Mình lúc ấy cũng có cảm tình với chàng, nhưng vì thấy thời gian quá ít ỏi, nếu cưới nhau ngay thì gấp gáp quá nên đã đề nghị chàng cho mình thêm thời gian. Chàng có vẻ không vui nhưng cũng miễn cưỡng đồng ý” - C. nói.
Nhưng đúng là khó ai nói trước được chữ “ngờ” khi chỉ không lâu sau đó, C. gặp trục trặc trong công việc, buộc lòng phải nhảy việc khác. Nhưng thời gian để xin được việc mới phù hợp không nhanh như C. nghĩ. Và chuyện đáng kể cũng bắt đầu từ đây.
“Thời gian đầu, chàng cũng chăm chỉ động viên mình lắm. Nhưng càng ngày càng lạnh nhạt dần, có khi còn lảng tránh mình. Mình dò hỏi người quen thì biết một tin sốc nặng: chàng dạo này bận đưa đón một đối tượng khác rồi. Mình đã nói chuyện thẳng thắn với chàng, đáp lại chàng cũng rất thẳng thắn với mình khi nói rất rõ ràng: Anh sắp cưới vợ rồi, em đừng làm phiền anh nữa! Mình không hợp nhau, không có tương lai đâu em ạ. Chúc em nhanh ổn định công việc rồi kiếm được tấm chồng tốt!” - C. kể.
“Mình biết rằng người ta lấy vợ lấy chồng phải có tính toán vì là chuyện cả đời, nhưng kiểu của chàng thì thật khó mà ‘tiêu hóa’ được, kể cả chàng có già và muốn tìm vợ gấp đi chăng nữa. Mình còn ngờ là, trong khi quen mình thì chàng cũng có vài đối tượng dự bị để phương án 1 có trục trặc thì sẽ có kế hoạch 2 hay 3 thay thế rồi. Và có lẽ, nếu phía mình không có chuyện xảy ra thì có khi giờ này chàng vẫn còn săn đón và ráo riết đòi cưới ấy chứ!” - C. cười nhạt nói.
T. (Tây Hồ, Hà Nội) cũng lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như C. khi cô gặp phải một trai già đang trên đường ráo riết đi tìm vợ.
“Lúc quen nhau, mình 25 tuổi, còn anh ấy 33 tuổi. Mình cũng biết anh ấy muốn lập gia đình lắm rồi nhưng không nghĩ là chỉ sau 2 tháng quen và mình cũng chỉ gọi là ở mức có cảm tình với anh ấy thôi thì anh đã cầu hôn mình” – T. bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Theo như T. tâm sự, thấy bạn bè và nhiều người cũng yêu vài tháng rồi cưới, cô cũng không thấy điều đó có gì ghê gớm cả nếu 2 người thực sự hợp nhau và tin tưởng. Nhưng lúc ấy, cô chưa đồng ý là vì cô thực sự chưa sẵn sàng. Cô muốn có thêm thời gian tìm hiểu để tin tưởng hoàn toàn và cho tình yêu chín muồi đã.
“Vì đề nghị thêm thời gian của mình mà đã có một cuộc tranh luận khá căng thẳng giữa mình với anh ấy. Sau đó anh ấy im lặng không liên lạc gì với mình cả. Mình nghĩ anh ấy giận nên thế thôi, có lẽ vài hôm là hết, và mình cũng đang muốn có thời gian suy nghĩ nên cũng không chủ động liên lạc gì với anh.
Sau vài ngày anh quả nhiên đến làm lành nhưng ngay sau đó lại đề cập chuyện cưới xin. Mình vẫn từ chối và nói cần thêm thời gian. Anh lại im lặng. Sau đó vài ngày anh lại tiếp tục xuất hiện và vẫn nói về đám cưới. Lần này mình đã thẳng thắn và dứt khoát hơn. Và cũng sau lần đó thì anh biến mất hẳn không quay đầu lại nữa” - T. nói.Sau đó thì T. mới được biết, anh chàng đó bị gia đình giục giã ghê quá nên lúc quen cô là đang trong quá trình ráo riết đi tìm vợ. Trước cô anh đã đưa về nhà 2 cô rồi nhưng bố mẹ anh ấy không đồng ý. Đến T. thì bố mẹ anh ủng hộ nhưng cô lại chưa muốn cưới.
T. kể thêm: “Và vẫn đang trong thời gian cò cưa với mình chuyện cưới xin thì anh cũng đồng thời đưa đối tượng khác về nhà ra mắt bố mẹ anh và họ còn đi du lịch cùng nhau nữa. Có lẽ trai già là anh thấy hy vọng ở mình hơi mong manh nên phải gấp rút bổ sung đối tượng khác theo phương pháp ‘gối vụ’của các bác nông dân.
Khi biết sự thật, mình đã rất sốc. Mình không nghĩ rằng anh ấy có thể dễ dàng quen người khác và đưa về nhà ra mắt như thể mình chưa tồn tại trong cuộc sống anh ấy như thế. Vậy mà cũng trong lúc đó, anh ấy vẫn còn gọi tìm mình, gọi cho mẹ mình để nhờ mẹ mình tác động để mình đồng ý cưới nhanh đấy! Biết rằng anh ấy đang mót lấy vợ lắm rồi nhưng đến mức như thế thì mình thật sự phải chết khiếp”.
“Mình nghĩ, một người đàn ông bản lĩnh, thông minh thì họ quyết không ‘xoắn’ cưới vì áp lực gia đình hay vì tuổi tác mà lấy một cô gái họ không có tình cảm. Họ sẽ thừa hiểu, lấy một người mà mình không yêu về, sau này mỗi khi xô xát thì lấy cái nền tảng nào để mà nhường nhịn, bao dung cho nhau và hơn nữa là cố gắng, phấn đấu mang lại cho nhau hạnh phúc? Nên người đàn ông như anh ấy, mình không bao giờ tiếc. Mình đã không một lời trách móc mà thản nhiên nhìn anh ấy đi lấy vợ” - T. bình thản nói.
(Theo Trí thức trẻ)