Theo nghiên cứu của nhóm này, các loại thủy sản như ốc, cua, trai có tỷ lệ nhiễm độc kim loại cao hơn cả do chúng sống ở tầng đáy.
Thông tin hầu hết thủy sản khai thác tại các hồ ở Hà Nội bị nhiễm kim loại do một nhóm nghiên cứu vừa đưa ra đã khiến nhiều người dân băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng của Hà Nội cho rằng thông tin trên là chưa có cơ sở.
Thu hoạch cá tại Đông Anh, Hà Nội. |
100% mẫu cua bị nhiễm độc chì?
Vừa qua, một nhóm nghiên cứu cho biết, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: Cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome. Các loại thủy sản như ốc, cua, trai có tỷ lệ nhiễm độc kim loại cao hơn cả do chúng sống ở tầng đáy.
Riêng cua thì 100% mẫu không đạt chuẩn. Còn các loại cá như rô phi, mè… vốn được coi là “an toàn” cũng có tới 50 – 60% mẫu không đạt tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, các ao hồ ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng. Lý giải về điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng chính là do nguồn nước cung cấp bắt đầu từ các sông ngòi bị ô nhiễm nên đã làm cho nước ở các ao hồ, thủy vực trong thành phố bị ô nhiễm theo.
Trước thông tin này, nhiều bà nội trợ đã tỏ ra nghi ngại khi lựa chọn các loại thực phẩm như tôm, cua, cá, trai, hến… Chị Nguyễn Thị Lan – một người kinh doanh trai, hến và cua tại chợ Nghĩa Tân cho biết, chị không được biết thông tin thủy sản nhiễm kim loại nói trên. Theo chị Lan, mấy ngày trở lại đây, lượng hàng bán ra có giảm nhẹ nhưng chị chỉ nghĩ việc ế hàng là do trời mưa nên khách ít ăn loại thực phẩm này.
Về thông tin này, chị Lê Thị Hòa – một người bán lẻ rau và trai, cua, ốc tại chợ Thành Công đưa ra quan điểm: “Nếu nói hồ ở Hà Nội ô nhiễm thì làm sao kết luận là thủy sản ô nhiễm hết được. Nhà tôi bán số lượng ít và toàn bộ là đồ được đưa từ quê lên. Mấy hôm nay bán hàng cũng chậm hơn nhưng tôi không rõ là vì lý do gì?”.
Bà Nguyễn Thanh Mai – Khu tập thể Thành Công cho biết, nghe thông tin thủy sản nhiễm kim loại nên bản thân bà và nhiều người thân khác tạm thời không ăn nhóm thực phẩm này và sẽ đợi đến khi nào có kết luận chính thức thì sẽ sử dụng lại.
Thông tin có thực sự thuyết phục?
Mặc dù, việc kinh doanh thủy sản chưa rơi vào tình trạng ế ẩm, đình trệ nhưng những thông tin này cũng đã gây hoang mang cho nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Huy Đăng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các nhà nghiên cứu không nói rõ là mẫu nước những hồ nào ô nhiễm. Ví dụ nếu là những hồ như hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Thiền Quang, Hoàn Kiếm thì sẽ là không hợp lý, bởi đây là những hồ chỉ làm đẹp và điều hòa môi trường chứ không có chức năng cung cấp thủy sản. Và những hồ đó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số 31.000 ha nuôi trồng thủy sản của Hà Nội mà thôi.
Ông Đăng cũng bày tỏ lời cảm ơn tới các nhà khoa học vì đã đưa ra kết quả cũng là để cơ quan quản lý quan tâm, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm để đề phòng.
Ông Nguyễn Mậu Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội cũng cho biết, từ năm 2011 đến 2013 có 693 mẫu thủy sản trên địa bàn thành phố đã được lấy xét nghiệm (thủy sản nước ngọt là trên 50%). Kết quả cho thấy có 559 mẫu có kim loại nặng nhưng chỉ có 7 mẫu vượt chỉ số kim loại cho phép.
Tránh gây thất thiệt cho nông dân và người tiêu dùng Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị với các cơ quan chức năng Trung ương cần có quy định rõ ràng: Ai là người được quyền công bố kết quả nghiên cứu khoa học một cách rộng rãi? Nếu không sẽ xảy ra tình trạng có nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau, thậm chí không có chuyên môn cũng được quyền công bố, dễ gây thất thiệt cho nông dân và người tiêu dùng; Hơn nữa, cần xem xét các nhà nghiên cứu dùng mẫu ở diện hẹp hay rộng, xét nghiệm trên thiết bị nào, cơ quan phối hợp ra sao… |