Sau khi đã sống gần 2 chục năm ở thành phố này, tôi nghiệm ra rằng, ở đây, muốn yên thân thì phải học cách sống vô cảm, bỏ qua những chuyện không phải của mình, không liên quan đến mình.

Tôi vẫn nhớ, thủa nhỏ, bố mẹ, thầy cô tôi vẫn thường dạy tôi cái đạo lý sống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Thế nên, mỗi khi thấy đồng loại của mình cần sự giúp đỡ, tôi đều không nề hà.

Thế nhưng, sau khi lớn lên, được chứng kiến và tự mình trải qua bao nhiêu lần tai bay vạ gió vì cái tính thương người, thích giúp đỡ người khác, tôi mới nhận ra rằng, thời buổi bây giờ đã khác xưa.

Tôi nhớ, cách đây đã 4, 5 năm, khi đó, là khoảng 12h trưa và tôi vừa kết thúc tiết dạy thứ 5 trong ngày.

Ra về, vừa mệt, vừa đói nên tôi cố phóng nhanh về nhà để ăn cơm trưa. Tuy nhiên, vừa đi đến đoạn cầu Lủ, Kim Giang (thuộc quận Thanh Xuân) thì tôi thấy 1 bà cô vẫy vào xin đi nhờ.

Cũng vì thấy, bà cô này, trông có nét quê quê, chất phác, hiền lành nên tôi đã không ngại ngần mà tạt vào. Sau đó, lại nghe bảo, bà ấy từ quê lên Hà Nội thăm con. Bây giờ phải về, nhưng đứa con đi học, không đưa mẹ ra bến xe được nên bà ấy phải tự tìm xe ôm để về. Tuy nhiên, cánh xe ôm đòi đắt quá, nên bà ấy không có tiền.

Nghe câu chuyện, tự nhiên tôi nghĩ đến mẹ tôi ngày trước. Vì thế, tôi đã đồng ý cho bà cô đó đi nhờ để ra bến xe Giáp Bát.

Ai ngờ, lòng tốt của tôi đã bị lợi dụng. Đi đến đoạn bán đảo Linh Đàm (khi ấy vẫn còn thưa người, và không tấp nập như bây giờ) thì bà cô ấy lộ mặt là kẻ cướp của. Gí con dao vào lưng tôi, bắt tôi phải dừng xe. Sau đó, 2 nam thanh niên từ đâu lao đến, xô tôi ngã. Mọi chuyện chỉ diễn ra chưa đầy 10s nhưng toàn bộ túi xách, bao gồm tiền bạc, giấy tờ, sách vở, và chiếc xe vốn là tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi khi đó đều mất sạch.

{keywords}

Một vụ tai nạn ở Quảng Ngãi, không người đưa đi cấp cứu. (Ảnh ANTĐ)

Mấy tháng sau, tôi lại nghe tin, anh trai tôi, cũng vì dừng lại can thiệp một vụ đánh nhau do va chạm giao thông trên đường Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai – Hà Nội) mà cuối cùng bị đánh đến vỡ đầu, phải nhập viện cấp cứu.

Rồi 1 anh bạn tôi, cũng vì nghĩa hiệp, thấy đám đông đứng chỉ trỏ 1 cô bé bị tai nạn đang nằm bất động trên đường nên đã nhanh chóng đưa vào bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Sau đó, trong lúc chờ người nhà đến, anh bạn ấy còn tốt bụng đến mức nộp trước lệ phí nhập viện để cô bé được cấp cứu kịp thời. Ai ngờ, vừa đến bệnh viện, nhìn thấy anh bạn tôi, đám người nhà cô bé đã lao vào chửi bới thậm tệ và nhất nhất cho rằng anh bạn tôi là người gây tai nạn nên phải đền bù, không trả lại tiền nhập viện ban đầu.

Anh bạn tôi, vì thân cô thế cô, trong khi đám người nhà kia hung dữ nên cuối cùng đành phải chấp nhận mất “khoản tiền ngu” để bình an trở về.

Thế đấy, đúng là trong xã hội này, muốn làm người tốt cũng đâu có được. Bởi những người tốt, những người làm việc nghĩa, đôi khi không những không nhận được một lời cảm ơn mà còn tự rước họa vào thân.

Vì vậy, sau khi đã rút ra được kinh nghiệm cho mình, tôi cũng luôn dạy con tôi rằng, muốn yên ổn, muốn không bị lừa thì ra đường, nhất định phải học cách vô cảm, không thấy, không nhìn, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình.

Cách dạy này, có thể nhiều người sẽ phản đối, vì như vậy sẽ khiến cho những con người trong xã hội càng ngày càng trở nên vô cảm. Nhưng có ai lại không công nhận một điều rằng, trong thời buổi mà hở ra là cướp bóc, lừa lọc, thì đến người quen biết, thân cận cũng còn lừa dối nhau huống chi là người lạ…

Phạm Hằng

(Hoàng Mai – Hà Nội)

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả.