- Tôi kể những câu chuyện này ra không có ý cho rằng tất cả những người đang sống tại Hà Nội đều xấu, bởi chắc chắn rồi, ở đâu cũng có người nọ người kia. Tuy nhiên, sau 10 năm sống, học tập, làm việc cho tới khi tôi rời bỏ Hà Nội để về quê (Hải Dương), đã có không ít lần, Hà Nội khiến tôi khiếp sợ bởi cách hành xử của những con người nơi đây.

Vừa bị quỵt tiền, vừa bị đánh

Tôi còn nhớ, hôm ấy là một ngày cuối tháng, trước giờ đi dạy thêm, tôi đã rất hí hửng vì có thể hôm nay tôi sẽ được lĩnh tháng lương đầu tiên. Tuy nhiên, vừa đến nhà của cậu học trò, bà mẹ mọi khi đon đả, hôm nay thấy khang khác. Vừa mở cửa cho tôi đã chửi một tràng dài, nào là tôi dạy dỗ con bà kiểu gì mà cô giáo chủ nhiệm lại bảo sức học của thằng con bà tháng này đi xuống trông thấy...

Nói xong, bà ấy vứt cho tôi 100 nghìn, rồi đuổi tôi về và bảo lần sau không cần đến nữa. Tôi không đồng ý, vì đúng ra thì tiền lương của tôi là 350 nghìn. Hơn nữa, không thể nói sức học của cháu kém đi. Vì rõ ràng, trước đó, mỗi lần kiểm tra tôi đều thấy học sinh của mình có tiến bộ. Các điểm kiểm tra trên lớp của cô giáo trả về cũng toàn là điểm khá, giỏi. Trong khi trước đó, học sinh này chỉ toàn điểm trung bình.

Tuy nhiên, vì thân cô thế cô trong nhà của họ nên tôi đành ngậm đắng nuốt cay cầm 100 nghìn ra về. Đi được một đoạn, đang chuẩn bị rẽ ra đường lớn thì một xe máy do 2 phụ nữ rẽ vào ngõ với tốc độ nhanh nên có lẽ không nhìn thấy tôi đi xe đạp. Vì thế, họ đã không xử lý kịp mà lao vào tôi khiến tôi ngã, họ cũng đổ nhào ra đường.

Xe đạp của tôi bị va chạm mạnh nên méo hết cả vành. Còn tôi, tuy không chảy máu nhưng vì bị đập mạnh xuống đường nên bàn tay bị đau, ngón tay không sao cử động được. Cái này, sau khi về nhà tôi mới biết mình bị rạn đốt ngón tay.

Tuy nhiên, 2 cô gái đó, không những không giúp tôi đứng dậy, hỏi han tôi, mà vừa dựng xe máy lên đã lao ra chỗ tôi, người túm tóc, người túm áo, chửi tôi xa xả. Sau đó, chúng lôi tôi ra chỗ xe máy của chúng rồi chỉ vào xe bảo tôi: “Mày nhìn đi, mày nhìn đi. Mày đi đứng cái kiểu (***) gì đấy. Mắt mày để ở (***) à? con nhà quê kia?”.

Tôi bảo: “Các chị rẽ vào ngõ mà không bóp còi lại phóng nhanh như thế, sao lại trách tôi”. Tức thì, một 1 người giáng cho tôi 1 cái tát nổ đom đóm. Cô kia cũng định nhảy bổ lên người tôi. May thay bà bán xôi gần đó cầm theo cây gậy ra, vài người nữa ở đâu đó cũng chạy ra bắt 2 cô gái đó phải đền bù cho tôi rồi mới cho đi. Thế là, 2 cô cô gái kia vội vàng lên xe chạy mất, chỉ còn tôi phải lê chiếc xe về nhà trong sự uất ức đến tột độ.

{keywords}

Va chạm giao thông, nhiều người sẵn sàng “ra tay”. Ảnh minh họa

Ra trường, bố tôi cho tôi mang chiếc xe máy cũ ở quê lên để tôi dùng tạm. Tuy nhiên, không biết có phải vì trông tôi nhà quê, hay vì cái biển số xe ngoại tỉnh mà 1 lần nữa, tôi suýt bị đánh oan.

Chẳng là, lần ấy, ở chợ. Đường nhỏ lại đông, phía trước mặt tôi lại là bà mẹ đẩy theo chiếc xe trẻ con nên tôi không thể vượt qua. Tuy nhiên, vì tôi dừng lại nên 3, 4 xe phía sau không thể lưu thông. Vì thế, các xe phía sau liên tục bóp còi ầm ĩ. Sau đó khoảng 10 giây, thấy tôi vẫn loay hoay chưa lách lên được, tức thì 1 chị lên tiếng chửi rất bậy: “... mày không đi lên đi, đứng thế thì bố mày đi được à?” Tôi quay lại nhìn chị ta rồi bảo, “chị bình tĩnh chờ người ta tránh đường tí đi?”. Thế mà chị đó sửng cồ lên, chửi: “Ơ,... con nhà quê. Mày thích nhìn à? Tao tát vỡ mặt mày bây giờ”.

Thấy vậy, mấy người bán hàng bên cạnh lên tiếng can ngăn. Họ bảo, tôi nhanh chóng đi đi, không nó gọi người ra đánh hôi thì khổ.

Chuyện ghi theo lời kể của độc giả Nguyễn Thu Hằng (Sao Đỏ, Hải Dương) 

Gây tai nạn, nhà giàu chỉ “quăng” tiền ra để giải quyết

Tôi năm nay 70 tuổi, tuy không phải là người Hà Nội gốc, nhưng sống ở Hà Nội cũng đã 35 năm nay. Đọc phản hồi của một độc giả ở Hai Bà Trưng trong bài viết “Muốn biết người dân Hà Nội, ... hãy ra đường” kể về câu chuyện bị thanh niên đâm phải nhưng chỉ bỏ ra 50 nghìn để giải quyết. Tôi thấy vô cùng bức xúc vì tôi cũng từng gặp phải cảnh như vậy.

Hôm đó, tôi vừa đi đến ngã tư Bạch Mai, Đại La thì đèn xanh chuyển sang vàng, tôi không vượt đèn vàng mà giảm tốc độ, đến đèn đỏ thì dừng lại. Tuy nhiên, một chiếc xe ô tô từ phía sau lại vụt lên, đâm vào đuôi xe của tôi khiến tôi ngã lăn ra đường.

Cậu thanh niên lái ô tô thấy tôi ngã thì xuống xe. Nhưng thay vì đỡ tôi dậy, cậu ta chỉ đứng khoanh tay, không nói không rằng, để mặc cho những người khác đỡ tôi, và dựng lại xe cho tôi.

Quan sát xong, thấy tôi bị chảy máu ở đầu, cậu ta giở ví, lấy ra tờ 200 nghìn đưa cho tôi, rồi bảo: “lần sau cụ đi cho cẩn thận vào”. Sau đó, anh ta quay người trở lại xe, nhưng tôi giữ tay lại, không cho đi. Một phần vì bức xúc với cách nói năng vô lễ, một phần vì cách đưa tiền thiếu tôn trọng của cậu ta.

Tuy nhiên, tay cậu ta khỏe hơn nên đã đẩy được tôi ra. Nhưng không may cho cậu ta là lúc đó vài người bên đường xúm vào, nên cậu thanh niên này trấn an bằng cách bảo tôi đi lên phía Bạch Mai để giải quyết cho khỏi tắc đường.

Tôi đồng ý, nhưng khi lên được ô tô thì cậu thanh niên này lại phóng mất tăm khiến tôi vừa bức xúc, lại vừa thất vọng. Bởi rõ ràng, cậu ấy có tiền, nhìn cũng là người có học thức, nhưng sao cư xử lại vô văn hóa vô cùng như vậy.

Chuyện ghi theo lời kể của độc giả Nguyễn Bá Hưng (Ngõ Gốc Đề, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Minh Anh (ghi)