- Một thị trường tiêu thụ hàng phi pháp mang lại lợi nhuận to lớn cho người buôn là "động cơ" đẩy nhiều tiếp viên hàng không gia nhập đội "cửu vạn trên không", ngay cả khi thị trường này có nhiều thay đổi nguồn cung bởi sự xuất hiện của các tay buôn nhập hàng theo kiện.

Những năm trở lại đây, chợ Bến Thành không còn là thiên đường giao nhận hàng xách tay của giới tiếp viên hàng không, bởi như cựu tiếp viên đã giải nghệ TC tâm sự, họ có quá nhiều yêu cầu khắt khe đến từng chi tiết. Thêm nữa, mỗi sản phẩm tiếp viên được hưởng "rất ít ỏi" chỉ dao động trong khoảng 3-15 USD/1 sản phẩm. Vì vậy, nhiều nữ tiếp viên tự xách tay theo phán đoán cá nhân hay lập trang web nhờ người nhà đứng tên giao dịch, mua bán online trên mạng.

{keywords}

Hàng xách tay ngổn ngang tại chợ cũ ở TP.HCM. Ảnh: Đinh Quý Anh

Điểm tập kết

Nơi tiêu thụ hàng xách tay bây giờ phải kể đến chợ cũ - đường Tôn Thất Đạm Q.1, TP.HCM. Tuy chỉ là một ngôi chợ nhỏ, nhưng nằm ngay trung tâm mua sắm quận nhất. Trên một cung đường ngắn, đã có hàng trăm ki-ốt mọc lên với la liệt hàng xách tay được quảng bá là do chính giới tiếp viên mang trực tiếp ra đây tiêu thụ.

Vào bất cứ một cửa hiệu nào, cũng có thể nhận ra hàng hóa của những thương hiệu quốc tế mà sản phẩm, mẫu mã khác hoàn toàn so với hàng sản xuất ở VN, từ tên gọi cho đến những dòng chữ chỉ định, chống chỉ định in trên bao bì.

Chẳng hạn như những lon nước ngọt có màu bắt mắt, vị nước cũng đậm hơn nên dù dung tích chỉ bằng khoảng 1/3 so với hàng sản xuất tại VN nhưng giá bán lên đến 25.000-30.000/lon. Từ những hàng mỹ phẩm danh tiếng đến cục xà phòng tắm, chai dầu gội đầu, núm vú em bé, khăn lạnh của các thương hiệu nổi tiếng với đủ kiểu dáng, mùi thơm, màu sắc chất lượng vượt trội quy tụ tề tựu dày đặc tại đây. 

Những mặt hàng này luôn thu hút khách hàng không chỉ vì kiểu dáng độc lại đính kèm dòng "made in" ngoại mà còn đến từ chính chất lượng vượt trội, qua độ giữ mùi thơm lâu hơn, cảm giác thơm mát hơn. Và đương nhiên, một khi đã được chứng minh và nhân danh, hàng xách tay luôn có đắt gấp nhiều lần so với mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước.

{keywords}

Từ thực phẩm đến xà phòng đủ kiểu dáng đều có mặt trên thị trường hàng xách tay tại chợ đầu mối Bến Thành, phố Tôn Thất Đạm, Quận 1, TP.HCM.

Để có được sự phục vụ của cánh tiếp viên, nhiều đầu mối tại chợ cũ không ngần ngại o bế, thâm chí đợi sẵn ở khu vực sân bay, cung đường Hồng Hà (nơi đóng doanh trại của đoàn tiếp viên), khu vực chợ Tân Sơn Nhì, đường Bạch Đằng, nơi giới tiếp viên thường tá túc, để gom mua sản phẩm tận tay. Chị Lan, một đầu nậu thu mua mỹ phẩm Hàn Quốc lâu năm tại chợ cũ nhận xét: Bây giờ nhiều em tiếp viên liều lĩnh lắm, nên bọn tui cũng không lo lắng thiếu hụt số lượng.

Tại quốc gia củ sâm, món yêu thích để một số"cửu vạn" xách về luôn là sâm linh chi, thực phẩm chức năng làm đẹp da - tan mỡ, mỹ phẩm... Cả một valy rỗng chiều đi được nhồi nhét. Thậm chí có cô nàng tiếp viên còn tranh thủ bỏ thêm vào túi xách tay, thế mà vẫn còn tham, chơi luôn vài củ, cài cắm quanh đai áo dài. Một cán bộ hải quan bật cười khi nhớ lại chuyện này: "Củ sâm lòi ra, trông rất phản cảm" - anh này nói.

Kình địch và chiêu độc "tách bill"

Khi thế giới phẳng dần thu hẹp, thông tin sản phẩm, giá cả bắt đầu có sự đồng nhất, thì lợi nhuận của cánh "cửu vạn" cũng bị đẩy xuống mức trung bình khá. Chẳng hạn như với nước hoa, giới kinh doanh tại khu chợ Tôn Thất Đạm chung nhận định mặt hàng này hiện không còn phong phú, đắt người mua như xưa. Vì số lượng người có điều kiện du lịch quốc tế tăng cao, giá cả đã niêm yết nên không thể bán khống đắt đỏ như trước. Đó là lý do khiến mức phí con buôn chi trả cho tiếp viên khi đánh mặt hàng này chỉ dao động từ 7-20 đô la/chai. Trong khi đó, quy trình vận chuyển, ăn chia vất vả khiến nhiều tiếp viên than thở.

Khốc liệt hơn, xu hướng đánh hàng nguyên tải của giới đầu nậu kinh doanh tại thị trường Mỹ đã gom một lượng lớn hàng chất lượng ồ ạt tuồn về VN, góp phần tấn công thị trường hàng xách tay, khiến vị thế đánh hàng của cánh tiếp viên hàng không bị lung lay, thu hẹp lại.

Doanh nghiệp áp dụng mô hình này thường có đối tác kinh doanh ngay tại chợ PHƯỚC LỘC THỌ - Cali - Mỹ. Tại đây, hàng được thu mua bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại sữa tắm, dầu gội đầu của các thương hiệu lớn. Đây là những mặt hàng có giá thu mua thấp, nếu gom hàng vào đúng mùa sale, giá còn rẻ hơn rất nhiều. Sau khi tập kết hàng, đầu nậu sẽ xem tải đã mua nguyên năm (giá vận chuyển sẽ rẻ hơn, vì thế hàng có giá mua rất tốt sau khi đã tính chi phí vận chuyển), rồi cứ thế xuất về VN.

Còn tại Việt Nam để dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, đầu nậu tung chiêu xé lẻ hàng bằng hình thức tuồn hàng về qua đường quà biếu. Mà dân trong nghề gọi là chiêu "tách bill". Kiện hàng phút chốc được hô biến, xé nhỏ thành nhiều thùng hàng, được gắn nhãn quà tặng từ phía bên kia cho hàng chục người nhận khác nhau. Cách làm này lợi dụng được chính sách của VN là miễn thuế với hàng quà biếu, theo định lượng miễn thuế trên mỗi đầu người. Lô hàng sau đó được đầu nậu gom lại, phân chia theo nhóm, tung ra thị trường chợ Bến Thành, chợ cũ. Giá cả vì thế rất cạnh tranh.

Có thời điểm, đầu nậu mướn luôn sinh viên cả một lớp của trường đại học C. ra sân bay nhận "quà", một tay cò thủ tục nhập khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho chúng tôi biết. Cơ quan chức năng cũng biết thực ra đây là chiêu chẻ hàng của giới con buôn, nhưng không thể bắt giữ hay xử lý được vì họ làm đúng quy định.

Sở dĩ chúng tôi phải phân tích điều này để thấy rằng, nhiều tiếp viên hàng không sẽ không chuộng đánh hàng Mỹ như trước đây, vì tính cạnh tranh thấp. Theo lời của cựu tiếp viên C: "Càng không thể "gánh" dầu thơm, "đèo" sữa tắm, các thiết bị y dụng bởi thu nhập kém nên họ chuyển hướng sang thị trường Nhật với các mặt hàng thu mua phi pháp hòng tăng nhanh lợi nhuận"

Những sự cố 

Thông tin từ phía cựu tiếp viên cho biết, có cả một phi đội ăn cắp ở Nhật chuyên tuồn hàng. Ban ngày, đội này lê la các khu mua sắm, các shop mart theo đội hình 3-4 người để che chắn camera, chọn hàng nhỏ gọn (ưu tiên son môi, mỹ phẩm... chất lượng) bỏ vào túi quần, áo ngực, thậm chí là nhét cả vào chỗ kín hòng dễ dàng thoát ra ngoài. Hàng ăn cắp, sau đó được tập kết tại một nhà của người Việt, sau đó, được vận chuyển đến khách sạn cho "đầu mối" mang về nước. 

Còn nhớ tháng 10 năm 2010, trên đường bay VN - Nhật Bản, scandal của nữ tiếp viên B đã khiến không ít đồng nghiệp khó xử khi cô nàng nhận phi vụ vận chuyển nước hoa cao cấp, dòng dành cho nam mang hiệu Bleu về VN. Khi đến nơi, do đúng vào mùa khuyến mãi, nên thay vì mua nguyên block để mang về, B cùng chị đồng hương đang làm việc tại Nhật chịu khó lội vào các trung tâm mua sắm, khu chợ để mua hàng khuyến mãi. Sau đó đem về khách sạn, sang chiết cho vừa kiện hành lý để đánh về VN.

Vì lần đầu đánh hàng nước hoa, người đẹp này chưa chuyên nghiệp trong việc chẻ hàng, đành phải nằn nì từng thành viên trong đoàn bay để xin ký gởi giúp. Về tới VN, cô nàng sửng sốt khi Minh, một tay đầu nậu chuyên tiêu thụ nước hoa, mỹ phẩm có tiếng tại chợ Bến Thành từ chối nhận hàng, vì một sai lầm ngớ ngẩn của nàng: Hàng sang chiết dạng chai nhỏ chỉ là dạng hàng để thử, không bán được tại chợ Bến Thành.

Thế nhưng, đó chỉ là những sự cố "xưa nay hiếm" vì tiếp viên bây giờ được sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, thông tin, hình ảnh luôn đi kèm theo sau mỗi đơn hàng nên rất khó gặp sự cố. Và theo thông tin chúng tôi có được, ngoài những mặt hàng được đoàn bay hoạch định sẵn, giới tiếp viên còn tự đánh lẻ săn hàng thông qua nhiều mối cá nhân. Nhiều người đặt câu hỏi, vậy phi đoàn trưởng hay phó có biết tiếp viên của mình tuồn hàng lậu về nước không? 

Đinh Quý Anh

(Còn tiếp)