“Bước vào tuổi 18 với bao dự tính tốt đẹp về tương lai, điều mà tôi mong ước nhất là có một mái nhà êm ấm, cha mẹ vui vẻ hoà thuận. Nhưng sự thực là hạnh phúc của gia đình tôi đang có nguy cơ bị cướp đi bởi sự xâm lấn của những tệ nạn xã hội như nạn ngoại tình, sự vô trách nhiệm của người chồng, người cha, của thói ăn chơi sa đoạ nơi những quán cà phê đèn mờ chứa chấp bọn con gái mất nết, hư hỏng...

Tôi thật bất hạnh vì có một ông bố “đào hoa” đang chạy theo lối sống xấu xa đó. Từ lâu trong lòng tôi chẳng còn chút tình cảm gì với ông ấy nữa.

Gần đây bố tôi cặp với một đứa con gái “đào mỏ” (chắc chỉ hơn tôi vài tuổi), cô ta đào từ tiền bạc, thời gian, công sức của ông và trên hết, cô ta đang cướp đi tình cảm ông dành cho gia đình. Chính mắt tôi thấy bố chở đứa con gái ấy đi chơi. Tôi bí mật theo dõi và thấy bố dừng lại mua hoa tặng cô ta, rồi dẫn cô ta vào nhà hàng. Bố nắm tay, nhìn cô ta bằng ánh mắt tình tứ, đắm đuối.

Tim tôi nhói đau, vì chưa bao giờ tôi thấy bố tặng mẹ dù chỉ một bông hoa chứ nói gì đến một giỏ hoa hàng trăm nghìn như thế; chưa bao giờ bố mời mẹ một bữa cơm đàng hoàng ở tiệm; cũng chưa bao giờ bố tỏ ra âu yếm, hạnh phúc bên mẹ như là bố đã tỏ ra với con bé ấy... Vậy mà mẹ lại yêu bố nhiều lắm. Mẹ lo cho bố từng bữa cơm, giặt giũ những bộ quần áo mà bố thay ra; mẹ canh giấc ngủ cho bố, không để lũ con làm ồn; mẹ chăm sóc 3 đứa con chu đáo để bố yên tâm công tác...

{keywords} 

Nhìn đâu cũng thấy bàn tay chăm sóc ân cần của mẹ, việc gì cũng có mẹ ở đó. Chẳng hiểu tại sao bố tôi cứ đi suốt, mà có làm ông to bà lớn gì cho cam, chỉ là một chức vụ nhỏ ở cơ quan. Ông ấy đi chán chê, không đủ tiền bao gái thì lại về nhà sinh sự, đòi mẹ tôi đưa tiền, không có thì nhiếc mắng, thốt ra những câu rất thô bỉ, tàn nhẫn...

Họ hàng, làng xã ai cũng biết, đi đâu cũng nghe lời xì xầm bàn tán về sự sa đọa của bố tôi. Tôi vô cùng xấu hổ, nhục nhã với bạn bè.

Mẹ tôi thì vẫn nhẫn nhục chịu đựng, mỗi khi về nhà thấy mẹ buồn cùng với những dòng nước mắt tôi thương mẹ vô cùng. Có lần bố còn bắt mẹ ký vào đơn ly dị, nhưng mẹ không chịu. Có lẽ vì mẹ thương con cái, không muốn chị em tôi phải chịu cảnh chia lìa. Tôi thực sự không biết phải làm gì để cứu gia đình, cứu người mẹ bất hạnh của tôi? Tôi chỉ biết hận đời, hận thế gian này. Bây giờ đầu óc tôi luôn nghĩ đến việc trả thù, muốn những kẻ đã làm cho gia đình tôi tan nát phải trả giá đau đớn, kể cả ông ta - bố tôi. Nếu là con trai, có lẽ tôi đã... ra tay!”.

Đọc bức thư của cô gái ở tuổi chập chững vào đời trên đây, các bậc phụ huynh ngoại tình đã bị lộ hoặc chưa bị lộ liệu có “giật mình”? Trên thực tế, chuyện ngoại tình trong xã hội ngày nay xảy ra như cơm bữa, thậm chí được coi là bình thường, nhất là ở những cặp vợ chồng không còn tình yêu nhưng vẫn cố chịu đựng nhau “vì con”.

Song họ hoàn toàn không lường trước được, hoặc thực sự không biết những đứa trẻ sẽ nghĩ gì, phản ứng ra sao khi bắt quả tang cha (mẹ) “ăn vụng”. Có người mẹ bàng hoàng khi bị cô con gái 15 tuổi “đốp chát” thẳng thừng: “Mẹ không có đủ tư cách để dạy con. Mẹ có còn lương tâm, đạo đức nữa không khi cướp chồng của bạn mình? Mẹ thật xấu xa...”.

Một cô gái trẻ khác nói: “Con không còn tôn trọng mẹ nữa. Điều làm con buồn nhất là hai mẹ con mình lại gặp nhau trong cùng một nhà nghỉ. Từ nay con sẽ ra khỏi nhà và sống theo kiểu của con”. Có cậu ấm thì ra tối hậu thư: “Ba chuyển ngay vào tài khoản của con một tỉ đồng để con tiêu xài, nếu không con sẽ công bố tất cả những bằng chứng (hình ảnh) về chuyện mèo mỡ của ba. Tiền đâu phải là vấn đề đúng không ba?”...

Một chuyên gia tâm lý đường dây nóng cho biết, ông đã tư vấn qua điện thoại và trực tiếp nhiều trường hợp tương tự và rất phức tạp trong mối quan hệ tình cảm cha mẹ và con cái. Quan niệm cho rằng ngoại tình là chuyện chỉ có người lớn mới hiểu, con nít không biết gì là sai lầm.

Nhiều cặp vợ chồng ngụy tạo rằng họ “sống vì con”, song mỗi người lại mải mê sống trong thế giới riêng của mình, tưởng rằng như vậy là cao thượng, là hy sinh, nhưng rồi chính họ lại trở nên xấu xa trong mắt con cái của mình, còn mái ấm gia đình thì... tan nát.

Nếu rơi vào tình cảnh như vậy, các bậc cha mẹ hãy nói chuyện với con với tư cách là người lớn. Chúng sẽ hiểu và dần chấp nhận. Không nên sống theo kiểu lừa dối chính mình và lừa dối người bên cạnh. Chỉ như vậy mới mang lại sự thoải mái tư tưởng cho tất cả mọi thành viên gia đình và đó cũng là sự tôn trọng cần thiết mà cha mẹ dành cho con cái.

(Theo Lao động)