Đó là lời khẳng định của một người mẹ Mỹ mà theo chị, cơm bento của mẹ Nhật làm mất đi khả năng độc lập và tính tự chủ của trẻ.
Bento từ lâu đã được biết đến như là một nét đẹp ẩm thực độc đáo trong văn hóa Nhật. Những người phụ nữ Nhật thể hiện sự khéo léo và khả năng làm mẹ qua chính những hộp cơm bento cho chồng, cho con. Tuy nhiên, trong khi nhiều quốc gia ca ngợi bento thì tại Mỹ, không ít các bà mẹ phản đối hình thức cơm hộp này, trong đó có chị Carolyn Thomas hiện đang sống tại Carolina.
Qua một lớp học nuôi dạy trẻ được tổ chức tại địa phương, chị Carolyn được biết đến cơm hộp bento, những giáo viên lớp học đã ca ngợi món cơm này hết lời, họ cho rằng nó thể hiện sự chu đáo của người mẹ và hơn thế nó khiến bọn trẻ cảm thấy thích thú với món ăn hơn. Khi chị trở về nhà và mang theo tài liệu về cơm bento, cô con gái Larissa của chị đã thốt lên rằng “Ước gì mẹ làm cho con một hộp cơm như thế”. Điều này đã khiến Carolyn băn khoăn.
Với một thái độ nghiêm túc, chị Carolyn quyết định tìm hiểu nghiên cứu của tiến sỹ Allison – Đại học Duke về nét văn hóa này, cũng như tìm đọc thêm những trang web về cơm bento.
Theo tiến sỹ Allison, bento là một khái niệm xã hội học độc đáo ở Nhật Bản, đó là hộp cơm trưa siêu dễ thương được chuẩn bị cầu kỳ bởi các bà mẹ dành cho đứa con học mẫu giáo của họ.
Hộp cơm bento mẹ Nhật chuẩn bị cho bé mang đến trường. |
“Một hộp cơm bento điển hình thường được chia làm 5 -6 phần nhỏ với đầy đủ cơm, thịt, rau được cắt tỉa và sắp xếp khéo léo. Rõ ràng khi nhìn vào hộp cơm này ta không chỉ thấy đơn thuần là thức ăn mà nó còn là nghệ thuật. Nhưng ngay lập tức một sự thiếu hợp lý cũng xuất hiện đó là tại sao một đứa trẻ nhỏ với cảm nhận còn giới hạn về thực phẩm lại phải đón nhận một hộp cơm quá cầu kỳ như một bữa tiệc thịnh soạn vậy?” – Tiến sỹ Allison viết.
Trả lời cho câu hỏi này Allison cho rằng đó là do ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Nhật Bản, nơi mà khái niệm “tập trung cao độ” được coi là quan trọng nhất. Trong xã hội Nhật, các quy tắc nhấn mạnh vào tập thể, khả năng làm việc nhóm hơn là cá nhân, cuộc sống gia đình là bước đệm để một thành viên bước vào cộng đồng.
“Bento được xem là một yếu tố quan trọng trong quá trình này. Nó là dấu hiệu của gia đình, đặc biệt là vai trò của người mẹ. Việc chuẩn bị bento cho trẻ nhỏ thường dừng lại khi bé vào lớp 1. Có đầy đủ kỹ năng để làm ra hộp bento sáng tạo được coi như lời cam kết của một phụ nữ với vai trò làm mẹ. Những ý tưởng làm bento cũng là chủ để thường xuyên trong cuộc trò chuyện của các bà mẹ trẻ, những cửa hàng chuyên bán đồ làm bento cũng mọc lên như nấm”.
“Khi trẻ mang cơm đến trường, các trường mẫu giáo ở Nhật luôn đòi hỏi các bé phải ăn hết phần cơm mình mang đi, cả lớp sẽ phải ngồi chờ cho đến khi bé cuối cùng ăn xong.” Tiến sỹ Allison cho đây là một bài học nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tập thể, nó cũng lý giải tại sao những bà mẹ phải cố gắng làm ra một hộp cơm thật hấp dẫn để đứa trẻ ăn hết và không làm ảnh hưởng đến các bạn. Nhà trường cho rằng, trẻ ăn chậm hay bỏ ăn là lỗi của cả đứa trẻ và bà mẹ.
Phỏng vấn các bà mẹ Nhật Bản, tiến sỹ Allison phát hiện ra rằng, công việc thiết kế bento là cách để một người mẹ thể hiện bản thân và tình yêu đối với con cái của họ. Kỹ năng này được coi là một phần không thể thiếu của người mẹ. Chất lượng của hộp bento cũng được coi là thước đo chất lượng của một người mẹ.
Carolyn - một bà mẹ Mỹ cho rằng cơm bento làm mất đi khả năng độc lập và tính tự chủ của trẻ. |
Tại Nhật Bản, khi trẻ thành công trong học tập thì mẹ chúng sẽ được khen ngợi và ngược lại, bà mẹ cũng chính là nguyên nhân nếu con cái họ thất bại.
Vậy tại sao Carolyn lại phản đối cơm hộp bento? Bởi vì cô cho rằng thật là vô lý khi việc không chuẩn bị một hộp cơm cầu kỳ lại có nghĩa là người mẹ đó không đủ tình yêu cho con hay không biết dạy con.
Từ khi Ben là Larissa còn nhỏ, Carolyn đã dạy chúng cách lên kế hoạch cho bữa trưa và tự đóng gói thức ăn cho mình. Mỗi sáng khi thức dậy, các bé sẽ nhìn vào bảng Phân loại thực phẩm mà mẹ dán trên tủ lạnh để chọn món. Carolyn không bao giờ yêu cầu con phải ăn món này hay món kia mà chỉ cần chúng lấy đủ ít nhất một loại trái cây, một món rau, và một món trong nhóm thực phẩm chứa protein, kể cả việc chúng ăn lặp đi lặp lại 1 món trong nhiều ngày cũng không khiến Carolyn phiền lòng.
Carolyn còn khuyến khích con của mình trao đổi thức ăn với các bạn xung quanh nếu con thích, và đôi khi cô còn lén nhét những mẩu giấy nhắn nho nhỏ vào hộp cơm để động viên con khi con đi học. Carolyn tin rằng việc trẻ tự quyết định thực đơn của mình sẽ giúp chúng trở nên độc lập và tự chủ. Hơn nữa cô cũng tiết kiệm được thời gian chuẩn bị thức ăn cho con.
Theo thống kê, một bà mẹ Nhật thường tốn khoảng 45 phút đến 1 giờ để chuẩn bị một hộp bento cho con mình, đó là chưa kể họ phải lên kế hoạch cho bữa tối hôm trước để có sẵn nguyên liệu làm cơm vào sáng hôm sau.Và cũng không đáng ngạc nhiên khi báo cáo năm 2007 cho biết, tại Nhật Bản, có tới 70% phụ nữ Nhật nghỉ việc khi họ có con.
(Theo Trí Thức Trẻ)