Cái giá phải trả cho hôn nhân không phải là sự nhu nhược, là sự chịu đựng, là niềm hạnh phúc giả vờ, là tiếng rên hạnh phúc đầy gượng gạo với đôi mắt ráo hoảnh nhìn lên trần nhà.
Hơn ba người đàn ông trong lúc trà dư tửu hậu đã nói với tôi rằng đằng sau những lý do thể hiện tính thuần phong mỹ tục trên tờ đơn ly dị như không còn yêu nhau, bất đồng quan điểm, không hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân… đều có một lý do thật sự đứng đằng sau có liên quan đến tình dục trong cuộc sống vợ chồng. Tôi không tin và từng nghĩ đó là suy nghĩ lệch lạc của đàn ông, đặc biệt là khi họ có chút hơi men. Nhưng thật lòng tôi cũng muốn hỏi bạn một điều nho nhỏ: “Lý do thật sự của việc bạn ngoại tình hay ly hôn (nếu có) là gì?”.
Khi đọc bất kỳ chuyên mục tâm sự trên các trang báo mạng bạn cũng dễ dàng tìm thấy những lá thư tâm sự của phụ nữ có chồng ngoại tình chia sẻ để tìm kiếm lời khuyên nên giữ chồng hay bỏ chồng. Không chỉ là những phụ nữ rất trẻ vừa chập chững bước vào cuộc sống hôn nhân mà còn có cả những phụ nữ sắp sửa lên chức bà ngoại mới phát hiện chồng có cô vợ hai. Đau đớn khi vợ hai cũng được cưới hỏi đàng hoàng hơn 10 năm để chồng kịp tích luỹ thêm “của để dành” là vài thằng con kháu khỉnh.
Có không ít phụ nữ bỏ ra số tiền hơn nửa tháng lương để mong nhận được bằng chứng xác thực từ thám tử về lời thề chung thủy của chồng để tận mắt chứng kiến tấm ảnh chồng mình được một cô em xinh tươi ôm chặt yêu thương. Phụ nữ vẫn tìm kiếm lý do mang tính 100% sự thật để chứng tỏ mình không phải tuýp chị em ghen bóng ghen gió hay hồ đồ nông cạn. Tuy nhiên khi nhìn thấy rõ sự thật xấu xí thì có bao nhiêu phụ nữ dứt khoát quyết định chấm dứt hôn nhân? Hay họ vẫn tiếp tục vật vã khóc lóc và đi tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè, từ những người xa lạ trên các trang báo? Hoặc rụt rè bỏ thêm chút chi phí để tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình.
Khi một cô bạn tìm đến tôi để xin một lời khuyên với câu chuyện đẫm nước mắt, tôi không khuyên cô ấy nín khóc rồi mọi chuyện cũng sẽ qua. Tôi cũng không khuyên cô ấy mạnh mẽ (trong sự cố gắng hết sức rồi gục ngã), ly hôn hay đóng kịch lạt mềm buộc chặt.
Tôi thường khuyên người phụ nữ đang đau khổ hãy trung thực với trái tim cô ấy, hãy đối diện với chính trái tim cô ấy rồi tự trả lời câu hỏi “Mình thật sự muốn gì ở cuộc hôn nhân ?”. Bạn muốn có cuộc sống chăn gối mặn nồng hằng đêm cuồng nhiệt với chồng, muốn có những bó hoa tươi thắm từ chồng vào những ngày lễ để những cô bạn đồng nghiệp phải ganh tỵ, muốn có người luôn nắm tay mình dịu dàng khi đi ngoài phố, muốn có một người đàn ông luôn khen mình đẹp và hôn lên tóc mình dù mình chưa đánh răng rửa mặt, muốn gì ở một người đàn ông thì họ cũng sẽ đáp ứng cho bạn. Nhưng phụ nữ thường chấp nhận trả một cái giá rất phi lý cho một cái áo được gắn nhãn hiệu nổi tiếng mà lại ít chịu thương lượng hay chấp nhận trả một cái giá cho những gì mình muốn từ đàn ông. Để có được tất cả những gì bạn đòi hỏi từ người đàn ông thì bạn hãy biết cái giá của anh ta là bao nhiêu để mà trả chứ?
Cái giá phải trả cho hôn nhân không phải là sự nhu nhược, là sự chịu đựng, là niềm hạnh phúc giả vờ, là tiếng rên hạnh phúc đầy gượng gạo với đôi mắt ráo hoảnh nhìn lên trần nhà. Tôi muốn nói đến giá trị sòng phẳng mà đàn ông và đàn bà cần trung thực trao đổi với nhau để chọn một con đường đi thẳng đến chiếc giường không chỉ trao đổi cho nhau cơ thể mà còn là những câu chuyện cơm áo gạo tiền công việc cuộc sống.
Con đường có thể sình lầy, con đường có thể là đường trải nhựa, con đường có thể toàn những lỗ đen bí ẩn nhưng lối đi ngay dưới chân mình. Tôi thiết nghĩ chỉ cần bạn không thỏa hiệp với những điều không xứng đáng với giá trị của chính bạn, vì nếu không bạn sẽ nhận ra toàn bộ cuộc sống hôn nhân của bạn đã diễn ra trên chiếc giường thút thít.
Tôi nhìn thấy những phụ nữ làm mọi điều, thậm chí đánh mất những phần tốt đẹp trong tính cách của họ để giữ lấy một người đàn ông mà họ thừa biết chỉ cần hai giờ nghỉ trưa cũng đủ để anh ta say đắm bên cô người yêu bé nhỏ.
Tôi cũng gặp cả những người đàn ông nguội lạnh cảm xúc với vợ nhưng không dám đối diện sự thật với người phụ nữ mà anh ta từng nắm tay vào nhà thờ cùng lời thề thuỷ chung, để rồi mỗi sáng thức giấc đều nơm nớp sợ hãi không biết khi nào cơn sóng thần sẽ đổ ập lên đầu anh ta khi nhân tình và vợ cùng hiểu ra cả hai là nạn nhân của sự hèn nhát dối trá.
Đổ thừa duyên phận, định mệnh hay thậm chí con cái đều là những lý do nguỵ biện cho sự thiếu dũng cảm và trung thực với chính mình. Con người vẫn luôn có xu hướng tự bào chữa và tự tưởng tượng ra nghịch cảnh. Cả hai xu hướng này tôi hay bạn đều ít nhất một lần trong đời từng trải qua khi đứng trước những quyết định khó khăn của đời mình.
Khi bạn đứng trước câu hỏi nên tiếp tục níu giữ cuộc hôn nhân hay chấm dứt nó bằng một tờ quyết định của tòa án, tôi muốn nhắn nhủ với bạn một điều: “Hôn nhân đôi khi đáng sợ khi phải đối diện với ly hôn, nhưng đừng để nỗi sợ hãi đánh mất cơ hội được hưởng hạnh phúc trọn vẹn của chính bạn trong cuộc đời ngắn ngủi này.”
Giữ hay bỏ, con đường sình lầy hay con đường trải đầy hoa hồng (hoa hồng thì lại luôn có gai) sẽ dẫn chúng ta đi đâu trong cuộc sống hôn nhân tùy thuộc vào sự trung thực của trái tim bạn.
(Theo Đẹp)