Chương trình Ngày Trái Đất Việt Nam với chủ đề “Một ngày cho Việt Nam” vào 20/4/2014 sẽ kêu gọi 50.000 dấu vân tay, cam kết một ngày không xả rác để góp phần làm sạch môi trường.
 
Hành động nhỏ gây ra hệ quả lớn
 
Từ các phương tiện truyền thông, chúng ta dễ dàng cập nhật những thông tin, hình ảnh, hậu quả…về vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi cùng chung tay bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng…
 
Không ít người lại sẵn sàng nhắm mắt, làm ngơ trước những hành vi ra hậu quả không hề nhỏ đến tự nhiên và sức khỏe của con người như: chặt phá cây rừng, khai thác tài nguyên triệt để, sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, đổ trực tiếp chất thải lên sông ngòi… và phổ biến nhất là bỏ rác bừa bãi nơi công cộng.
 
{keywords}
Các tình nguyện viên chương trình Hưởng ứng Giờ Trái Đất 2014 đến tận nhà người dân để đổi túi tự hủy sinh học lấy túi nylon, rác .

Hệ quả là hàng năm, chính chúng ta lại phải đương đầu, chống chọi với sự xuống cấp trầm trọng của môi trường thông qua mức độ nguy hiểm của thiên tai; sự khắc nghiệt của khí hậu; không khí chứa đầy khói bụi; bệnh tật do ô nhiễm môi trường xuất hiện ngày càng nhiều như: da liễu, đường ruột, đau mắt đỏ… đặc biệt là ung thư.
 
Bộ Y Tế Việt Nam đã thống kê, hàng năm cả nước có gần 200 ngàn người bị mắc bệnh ung thư mới phát hiện. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo đánh giá tổng hợp của Bộ Y Tế và Tài nguyên Môi trường chính là do môi trường sống xuống cấp ngày càng trầm trọng.
 
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu nhân Ngày Môi trường Thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Nguyễn Minh Quang đã đề cập: “Theo ước tính tổng thiệt hại kinh tế của Việt Nam do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm khoảng 1,5% - 3% GDP, trong đó chỉ riêng chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã tiêu tốn 780 triệu USD.”
 
Mỗi ngày đều là “Ngày Trái đất”
 
Những hành động thiếu ý thức của con người đã góp phần làm xáo trộn nguồn tài nguyên môi trường, pha loãng độ độ tinh khiết của không gian sống và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, sự sống của các sinh vật khác trên hành tinh.
 
Chính vì thế, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, Trung tâm UNESCO Văn hóa - Giáo dục - Đào tạo (UNESCO - CEP) phối hợp với Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cùng kênh truyền hình HTV3 - đơn vị bảo trợ thông tin tổ chức chương trình Ngày Trái Đất Việt Nam với chủ đề “Một ngày cho Việt Nam” vào ngày 20/4/2014 tại công viên Hồ Bán Nguyệt, quận 7, TP.HCM.
 
{keywords}
Các nhóm tình nguyện và 'chiến lợi phẩm' thu được sau chiến dịch ra quân Hưởng ứng Giờ Trái Đất.

Đây được xem là chương trình Ngày Trái Đất (song ngữ) đầu tiên được Mạng lưới Ngày Trái Đất Thế giới (Global Earth Day Network) ủy nhiệm thực hiện tại Việt Nam. Điểm nhấn ấn tượng của chương trình là tiết mục nhảy Flashmob kêu gọi 50.000 dấu vân tay, cam kết một ngày không xả rác.
 
Bên cạnh đó, có rất nhiều những hoạt động sôi nổi, hấp dẫn hứa hẹn thu hút đông đảo các bạn trẻ cùng tham gia như: Cuộc thi Ảnh Marathon cho Ngày Trái đất với chủ đề về môi trường và hoạt động “Giờ xanh”, “Gian hàng xanh”; làm vật dụng từ rác chế; đạp xe tuyền truyền, đổi túi nylon; tham gia các trò chơi, gian hàng xanh, đặc biệt là đêm nhạc ấn tượng cùng các bạn trẻ thuộc cộng đồng Điếc câm (DCOH)…

Chị Đinh Thị Vũ Trinh - Giám đốc dự án Green Talk, đơn vị tổ chức chương trình Ngày Trái đất Việt Nam 2014 chia sẻ: “Bảo vệ môi trường không phải là hành động chỉ diễn ra trong phút chốc. Chính vì thế chương trình hướng đến mục tiêu đánh thức nhận thức và kêu gọi tất cả mọi người hãy xem mỗi ngày đều là “Ngày Trái đất” thông qua việc rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường qua từng hành động nhỏ như: tiết kiệm điện nước, trồng cây xanh, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nylon… Có như thế thì môi trường mới thật sự được cải thiện, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn”.
 
Vũ Minh