Núi Đôi - di sản thiên nhiên ở thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đang được "làm đẹp" bằng bồn hoa, hàng rào bảo vệ...

Điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho Tam Sơn chính là 2 quả núi kế nhau có hình dáng như bộ ngực căng tròn của người con gái; được gọi là Núi Đôi hay Núi Cô Tiên. Núi Đôi, cùng với 3 ngọn núi (Tam Sơn) trong lòng thung lũng được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi cách đây khoảng 400 triệu năm.

Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất. Hai ngọn núi có chu vi gần 1000m, và có diện tích khoảng 3,6ha. Núi Đôi cùng Tam Sơn còn gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết đầy khát vọng và nhân văn của người dân nơi đây.

{keywords}

Núi Đôi khi chưa được vinh danh là "di sản".

Ngày 15/1/2010, Huyện Quản Bạ và người dân Tam Sơn đã vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Núi Đôi, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao vì những giá trị cảnh quan thiên nhiên, địa chất và lịch sử văn hóa.

Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn (thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Việt Nam) được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Đây là danh hiệu đầu tiên - duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Núi Đôi và di sản địa chất khu vực Tam Sơn, huyện Quản Bạ là một trong những vùng di sản đặc biệt của Cao nguyên đá.

{keywords}

Núi Đôi sau khi được vinh danh là di sản, với "vườn hoa" dưới chân và dòng chữ "Núi Đôi Quản Bạ".

Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, Núi Đôi đã được “làm đẹp”, “nâng cấp” và “bảo vệ” bằng cách khoanh vùng và cào bằng, san phẳng thửa ruộng dưới chân giữa hai quả núi, đóng cọc chăng dây, xây bờ gạch làm bồn hoa xếp chữ theo kiểu cách công viên nơi phố thị, làm mất đi cảnh quan thiên nhiên. Chữ “Núi Đôi Quản Bạ” dưới chân núi trông rất phi thẩm mỹ và tất nhiên không đúng tinh thần bảo tồn di sản thiên nhiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Đôn – cán bộ Ban quản lý (BQL) Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (thuộc UBND tỉnh Hà Giang) cho biết: “BQL không có chủ trương và cũng không đồng tình với việc này. Việc này là do địa phương (huyện Quản Bạ) tự ý làm. Rất nhiều du khách và người dân cũng than phiền. Tuy nhiên, vì cao nguyên đá trải trên một phạm vi rộng lớn, mà BQL đóng ở TP Hà Giang (cách Quản Bạ 40km) nên cũng rất khó kiểm soát được hết. Trong nhiều vấn đề, BQL cũng chỉ giữ vai trò tư vấn chứ không có quyền hạn quyết định.”

{keywords}

Cận cảnh hàng rào cọc bê tông chăng dây thép và bồn cây xây bằng gạch.

Chưa hết, trong cuốn tài liệu “Giới thiệu những dự án đầu tư Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” (được công bố rộng rãi trong dịp công bố quy hoạch tổng thể Cao nguyên đá Đồng Văn - ngày 11/4/2013 tại Hà Nội); có thể thấy rất nhiều đề xuất; và có những đề xuất phải nói là... rất mạnh dạn.

Ví như phần nói về di sản Núi đôi Cô Tiên ở huyện Quản Bạ: “Ngoài ra để làm nổi bật giá trị di sản này, cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, bên cạnh đó cần giải phóng các quả đồi khác bên cạnh để tôn lên vẻ đẹp của Núi Đôi cùng với hoạt động trang trí bằng hệ thống vườn hoa bao quanh” (Giới thiệu những dự án thu hút đầu tư Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” (UBND tỉnh Hà Giang, Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội) – Trang 121).

{keywords}

Trang 121 tài liệu “Giới thiệu những dự án thu hút đầu tư Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”.

Hàng triệu năm nay, Núi Đôi không có “hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt” mà vẫn chẳng làm sao. Giờ thành di sản thì lại... khổ thế! Và thực tế, bước đầu người ta đã trang trí kiểu công viên đô thị với “vườn hoa bao quanh”. Liệu có quả đồi – núi nào bị “giải phóng”, hay biện pháp gì khác để làm đẹp thêm cho di sản?

(Theo VOV)