Cứ đều đặn từ lúc chào đời cho đến nay - học mẫu giáo năm cuối, hình ảnh cu Bin con tôi luôn được bố cập nhật trên “phây” cho họ hàng bạn bè ngắm và comment tưng bừng. Bởi thế, rảnh là bố của Bin lăm lăm iPhone, iPad để chụp ảnh con: nào con ngủ, con tắm, con chơi, nào con khóc nhè… Cu Bin ngày càng trở nên dạn dĩ, biết tạo dáng để có những bức hình đẹp, độc, lạ.

Nhưng cu Bin thường vô tư cởi truồng cho mát, tắm xong không thay đồ ngay mà lượn trong nhà vài vòng, thậm chí còn “nựng” của bố làm cả nhà ngượng chín mặt. Đây có phải “con hư tại bố” hay là hiện tượng tâm sinh lý bình thường của bé trai?

(Một người mẹ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM)

{keywords} 

Trẻ mẫu giáo bước vào thời kỳ “nụ hoa tính dục”.

Nhiều bậc cha mẹ đã giật mình khi thấy con khá hứng thú với cái “chồi nụ” của mình và tỏ vẻ khoái cảm khi giỡn chơi “nó”. Đó là lúc bé trai mẫu giáo phát hiện mình có “con chim non” mà các bé gái không có, có thể lấy làm hãnh diện và nảy sinh ý muốn khoe khoang, đôi khi có những động tác “khó coi”. Lúc này trẻ cũng ý thức được sự khác biệt giới tính giữa nam và nữ nên “bỗng dưng muốn… biết” bộ phận của người khác (cha mẹ, bạn học, cô bảo mẫu,…). Nếu cha mẹ cho rằng trẻ còn bé chưa biết gì nên không chú ý giữ gìn trước mặt con (vợ chồng sinh hoạt chung phòng với con, ăn mặc ở nhà thiếu kín đáo, vô tư tắm chung với con hoặc tranh thủ tắm cho các con cùng một lúc để tiết kiệm thời gian), sẽ khiến cháu tò mò, nảy sinh ý muốn khám phá, nhìn trộm, thậm chí “sờ vào hiện vật” (!). Nếu không được rèn kỹ, khi trẻ đến tuổi trưởng thành có thể bộc lộ tình trạng lệch lạc tình dục, chẳng hạn thích “lộ hàng”, ăn mặc giả gái, mắc tật thị dâm,… Bởi vậy, ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn, các bậc cha mẹ còn phải chỉ dẫn trẻ thực hiện các quy tắc, chuẩn mực thích hợp để kiểm soát trẻ và cũng để giúp trẻ cách tự kiểm soát bản thân.

Nghiên cứu của hãng bảo mật AVG cho thấy, gần 73% trẻ em dưới hai tuổi có thông tin kỹ thuật số trên mạng Internet như album trực tuyến hay địa chỉ email, 37% trẻ sơ sinh đã có đời sống trực tuyến kể từ khi mới sinh ra. Ngoài ra, gần 23% trẻ em đã có ảnh scan kết quả siêu âm thai nhi trước khi sinh. Theo ông JR Smith, CEO của AVG, trong khi một người 30 tuổi có thông tin trực tuyến nhiều nhất là trong vòng 10 đến 15 năm, đa số trẻ em ngày nay đã hiện diện trên “tường” Facebook khi chúng được hai tuổi. Tất cả đều do cha mẹ tải lên mạng. Bảy trong số mười cha mẹ được khảo sát cho biết, ước muốn chia sẻ hình ảnh với gia đình và bạn bè là động cơ thúc đẩy họ đăng tải thông tin và hình ảnh con em mình lên Internet, 18% làm như thế chỉ vì bắt chước bạn bè, số còn lại muốn hỏi han kinh nghiệm nuôi dạy hoặc chữa bệnh cho con.

Chị có thể hoàn toàn thông cảm khi bố cu Bin tự hào muốn chia sẻ hình ảnh “hoàng tử bé” với bạn bè và gia đình, nhưng anh chị nên cân nhắc hai điểm rất quan trọng trước khi cho đăng tải nội dung lên mạng:

Thứ nhất, vợ chồng anh chị đang tạo ra một câu chuyện kỹ thuật số cho một con người, mà câu chuyện này sẽ theo đuổi cho đến hết cuộc đời người ấy. Anh chị thật sự muốn đăng tải thông tin loại nào cho cu Bin? Và mai sau chàng trai này sẽ nghĩ gì về thông tin đó?

Thứ hai, cần phải biết đến các chế độ riêng tư mà các bậc cha mẹ đã thiết lập cho thông tin trên mạng xã hội đó. Nếu không, hình ảnh của con em mình sẽ bị chia sẻ cho cả thế giới trực tuyến, chứ không riêng bạn bè và gia đình mình.

Hãy thận trọng khi ảnh “nóng”, ảnh “bẩn” của những đứa trẻ bị tung ra giữa chốn công cộng, liên tục cập nhật trên “phây”. Ở một mức độ nào đó, đây là ví dụ điển hình về chuyện em bé bị chính những người thân trong gia đình… lạm dụng tình dục về mặt hình ảnh. Thử hỏi khi lớn lên vài tuổi nữa, đi học, bé thấy hình ảnh cởi truồng, khóc nhè của mình trên mạng, bị bạn bè chọc ghẹo, bình phẩm,… sẽ cảm thấy chán nản, khó chịu, bất mãn và bất lực đến thế nào?

Bác sĩ Hoa Tiêu

(Theo Phunuonline)