Em mới lấy chồng được bảy tháng, vợ chồng đang ở nhà thuê.

Em mới lấy chồng được bảy tháng, vợ chồng đang ở nhà thuê. Gần đây chúng em thường xuyên mâu thuẫn, chủ yếu vì gia đình bên anh hết người này đến người nọ cứ tìm anh, than thở chuyện làm ăn khó khăn, hỏi vay mượn tiền bạc. Vợ chồng em lại không có nhiều tiền, còn đang phải lo trả nợ tiền đám cưới.

Hôm rồi, em trai anh nói ba má anh hiện đang mắc nợ (nợ lúc nào, vì chuyện gì em không rõ), anh là con trai lớn phải có nghĩa vụ với gia đình. Anh hỏi tiền, em nói không có, anh bảo bán bớt một số đồ trong nhà (là những thứ ba má em cho hai vợ chồng lúc ra riêng) để lấy tiền đưa ba má anh trả nợ. Em không đồng ý, vợ chồng to tiếng, có xô xát, em có đánh lại chồng. Em biết mình sai, đã xin lỗi anh, nhưng anh cương quyết đòi ly hôn. Em vẫn yêu chồng, không muốn gia đình tan vỡ, nhưng anh đã về nhà cha mẹ ở, tránh mặt em, nói là không muốn gặp em nữa, điện thoại thì đã chặn cuộc gọi đến. Em không biết phải làm sao…

Ngọc (TP.HCM)

{keywords}

Em Ngọc mến,

Tạm thời vợ chồng em đang trong giai đoạn “đứt liên lạc”. Cả hai đều cần thời gian để bình tĩnh đánh giá lại tình hình. Khi em chưa có một dự định gì, một kế hoạch nào rõ ràng thì chưa nên tìm cách tiếp cận gia đình chồng, hay cố gặp mặt chồng, sẽ dễ gây thêm những xung đột khó kiểm soát. Nhưng em cũng đừng “án binh bất động” lâu quá, mâu thuẫn càng sâu, sau này càng khó giải quyết. Nói chung, việc cần làm bây giờ là nhanh chóng tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn, khi có kế hoạch ổn rồi thì bình tĩnh thực hiện.

Mâu thuẫn chủ yếu trong gia đình em bây giờ là mâu thuẫn kinh tế. Em có gánh nặng kinh tế của em, ba má và gia đình chồng cũng có gánh nặng của họ. Tiền thì không tự đẻ ra nhiều hơn, mà số người cần tiền thì tăng vọt, nên sinh ra mâu thuẫn. Có xô xát, đánh nhau thì cũng không ra được tiền. Em cần tránh triệt để chuyện lớn tiếng, xô xát, nhất là tự biết tính mình nóng, lúc nào gần đến điểm "phát hỏa" thì tốt nhất là lánh đi chỗ khác. Người còn của còn, em ạ.

Về chuyện nợ nần của ba má chồng, rõ ràng vợ chồng em cũng nên chia sẻ phần nào. Chồng em được ba má sinh ra, nuôi dưỡng, nay đến lúc nhờ cậy được thì lại bị vợ quản hết, em chắc cũng thấy như thế là thiếu công bằng. Nếu chồng em đưa ra giải pháp (bán đồ đạc) mà em không đồng ý, thì em cũng nên có giải pháp khác để đỡ đần ít nhiều cho ba má. Không thể phủi tay coi như mình không có trách nhiệm. Có thể thưa với ba má về việc hiện vợ chồng em đang khó khăn, hỏi thăm về số nợ và kế hoạch trả, lượng sức mình rồi vợ chồng bàn nhau tiết kiệm, dành dụm để chia sẻ cùng ba má. Anh em trong nhà đông, cần tính toán để mỗi người góp một tay. Ba má chắc không đặt hết gánh nặng lên vai vợ chồng em, mà phải tùy vào khả năng và tấm lòng của con cái. Chủ yếu là mình thực tâm hiếu thảo thì một đồng cũng quý, nếu ỷ tiền bạc mà khinh người, có tiền triệu tiền tỷ cũng chẳng mang lại hạnh phúc êm ấm.

Về chuyện ly hôn, không thể nói một lời là ly hôn được. Nhưng em cũng phải xem xét, có khi những tổn thương mình gây ra khó chữa lành trong một sớm một chiều, cần có thời gian. Gia đình không chỉ là gia đình mình, còn là cha mẹ, anh chị em. Để gìn giữ gia đình, cần sự hy sinh cả về vật chất lẫn tinh thần. Sở dĩ người ta có thể hy sinh được, chia sẻ được là vì người ta có tình yêu. Hãy xem lại lòng mình, tình yêu của mình có đủ mạnh để giúp mình vượt qua được những tự ái, nóng nảy, ích kỷ không. Chúc em may mắn nối lại được những cuộc gọi với gia đình mình.

Hạnh Dung

(Theo PNO)