Cô bé chín tuổi ngước lên nhìn mẹ để nhắc mẹ đừng nói quá những điều về con cho chuyên viên tư vấn tâm lý nghe.
Nhưng, người mẹ vẫn thao thao kể tội: “Nó là đứa nói dối, nó dám ăn cắp tiền của bố…”. Cô bé níu lấy tay mẹ, lay lay. Chị quay lại lườm con: “Cái gì? Oan lắm hả? Kể cho cô ấy nghe đi, mày ăn cắp mấy lần rồi? Chẳng biết giống ai mà lại có cái tính đó”. Chị kể, tuần trước, cô bé lấy hơn hai triệu đồng trong ví của bố và bị chị phát hiện. Bị bố đánh đòn, mẹ chửi rủa, cô bé bỏ ăn, bỏ học. Chị đã mách với cô giáo vì cho rằng “cần thông báo với cô chứ không nó lấy tiền bạn bè, chỉ có nước ngồi tù vì trộm cắp”…
Con bé mắt ngấn nước, nghẹn ngào, hai tay xoắn vào nhau, vai run lên như để không bật khóc. Tôi biết cô bé đang bị tổn thương rất lớn, khổ nào hơn là bị chính bố mẹ sỉ nhục. Tôi vội vàng khuyên chị bớt nóng giận và trò chuyện với cô bé. Sau một lúc hỏi han, biết cô bé có khiếu vẽ, tôi bảo cô bé vẽ một bức tranh theo ý thích. Bé vẽ một cô bé rất ăn diện, đỏm dáng. Nhìn cô bé và cô bé trong tranh, tôi nhận rõ nét tương đồng. Có lẽ, vì cách quản lý tiền bạc lỏng lẻo, cho con tự tiêu tiền sớm và thoải mái, vợ chồng chị đã góp phần hình thành thói xấu của con. Nếu nhìn lại mình, hiểu được mình có lỗi trong vấn đề nuôi dạy con, có lẽ vợ chồng chị đã không trút hết giận dữ lên đầu con và dùng những hình phạt quá nặng nề. Giải pháp mà tôi gợi mở cho chị để con bỏ tật ăn cắp chính là dạy con giá trị của đồng tiền, sức lao động, uốn nắn con để không vượt quá nhu cầu tiêu pha của lứa tuổi mình, và quan trọng là người lớn phải cất giữ tiền bạc cẩn thận. Khi phát hiện con tái phạm, bố mẹ cần bình tĩnh để hỏi con lấy tiền bố mẹ để làm gì, lựa lời nhẹ nhàng phân tích.
Ảnh minh họa. |
Với công việc tư vấn, tôi thường tiếp cận những câu chuyện đau lòng vì người lớn dùng những hình phạt nặng nề, xúc phạm, thậm chí chà đạp trẻ. Trẻ có thể chưa hiểu rõ vì sao mình làm việc xấu như ăn cắp, nói dối... Trẻ cảm thấy lo sợ và hoang mang, nghĩ mọi người đang chê bai, chế giễu mình. Trẻ tự ti, mặc cảm, sợ gặp mọi người và sợ mọi người nhắc đến lỗi lầm của mình. Những lời nói nhiếc móc, chửi rủa của bố mẹ có thể làm trẻ cảm thấy nhục nhã, thấy mình hèn mọn, “không ra gì” và sẽ không còn yêu quý bản thân mình. Những lời nói “cho hả giận” của bố mẹ sẽ làm trẻ lo sợ, ám ảnh và tiếp tục “dán mác đen” cho mình, cái mác từng bị người lớn dán. Người lớn gán cho trẻ nhiều cái "tội" mà nghe cái tên trẻ không thể hiểu hết, chỉ ngầm biết rằng nó mang ý nghĩa xấu xa. Thật ra trẻ cũng hối hận vì những việc mình làm, dằn vặt vì những hành động nông nổi không lường được hậu quả. Nhưng trẻ không có cơ hội để thanh minh, giãi bày, không được mọi người giải thích vì sao mình lại không được làm điều đó. Trẻ bị sỉ nhục sẽ không còn tự tin và có thể có những ý nghĩ tự trừng phạt. Nhiều đứa trẻ thấy mình không xứng đáng được tôn trọng, được yêu thương nên rơi vào khủng hoảng.
Nhiều người không thể ngờ rằng thái độ gay gắt của mình đã làm tổn hại tinh thần con trẻ tới mức nào. Thật không công bằng và tiêu cực khi bố mẹ chối bỏ những điều tốt đẹp của con chỉ vì một vài hành động tức thời. Theo tôi, dù trẻ có lỗi, có tội lớn tới mức nào, cha mẹ cũng nên bình tĩnh để cho trẻ cơ hội giải thích nguyên nhân tại sao trẻ làm như thế. Đừng vì cảm giác bất lực mà mắng nhiếc, sỉ vả con. Nói với con, hãy nói đơn giản để con hiểu và dạy dỗ, hỗ trợ con. Hãy đặt địa vị mình vào vị trí của con để hiểu con và giúp con vượt qua những lỗi lầm, sai phạm.
Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ
(Theo PNO)