Xưa nay người ta thường chỉ nghĩ mối quan hệ với mẹ chồng mới là nỗi lo sợ của những nàng dâu. Thế nhưng có nhiều ông bố chồng khiến cho cuộc sống của các nàng dâu trở nên cơ cực, khốn đốn.
Dù cuộc sống bên nhà chồng không được thoải mái nhưng Hoa không ngờ đến lúc bầu bí, cô còn bị bố chồng cằn nhằn về chuyện ăn uống.
Hoa lập gia đình cách đây 6 tháng, giờ cô đã có bầu được 4 tháng. Chồng Hoa là con út trong một gia đình đông con nên vợ chồng cô vẫn ở chung với bố mẹ chồng. Mẹ chồng cô đơn thuần làm nông nghiệp còn bố chồng là giáo viên đã nghỉ hưu. Bố mẹ chồng năm nay đều đã 78 tuổi. Vì tuổi cao, sức yếu, lại vất vả cực nhọc từ thời trẻ nên bố mẹ chồng Hoa rất khó tính, thích áp đặt những suy nghĩ của người ở thế hệ trước cho con cháu. Hơn nữa sống trong môi trường ở nông thôn nên các cụ cũng khá lạc hậu, cổ hủ. Điều này không phải đến khi về sống chung Hoa mới nhận ra mà cô đã được chồng cảnh báo từ trước. Nhưng Hoa nghĩ cô cứ sống thật tình, làm tốt bổn phận của dâu con thì các cụ cũng chẳng trách được.
Nhưng cuộc sống chung với bố mẹ chồng không đơn giản như Hoa nghĩ. Những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống không phải giữa mẹ chồng nàng dâu mà với bố chồng khiến cô vô cùng mệt mỏi.
Bố chồng Hoa là người khó tính và soi mói con dâu đủ việc. (Ảnh minh họa: Internet) |
Bố chồng cô là con cả trong một gia đình đông anh em nên tính tình khá bảo thủ, gia trưởng. Vì từng là giáo viên nên ông nghĩ ông nói gì cũng đúng. Các con cháu trong nhà đều sợ ông 1 phép, mỗi khi ông lên tiếng thì không ai dám ho he gì. Mấy đứa cháu của chồng từng rủ rỉ vào tai Hoa là nên cẩn thận, sống với ông bà khó sống lắm nhưng cô chỉ nghe xong rồi cười. Để bây giờ cô mới thấm thía.
Ở nhà nhàn rỗi không có việc gì làm nên tâm trạng bố chồng Hoa lúc nào cũng khó chịu, bực tức, những lúc như vậy ông lại lôi những chuyện từ đời nào ra chửi. Mẹ chồng cô vốn là một phụ nữ cam chịu và nhẫn nhịn nên bà không nói gì, cứ để mặc cho ông muốn nói gì thì nói, chửi gì thì chửi. Chỉ cần bà nói ra câu nào là lại bị ông cằn nhằn. Bữa cơm nào ông cũng phải chê không cái nọ thì cái kia. Cái gì không vừa ý là ông lại cáu nhặng cả lên, toàn điều rất vô lý, nhưng ai cũng phải nhịn.
Ban đầu khi mới về làm dâu, ông cũng rất ân cần, điềm đạm chỉ bảo con dâu. Nhưng dần dần ông ngày càng trở nên khó tính và soi mói con dâu đủ việc. Sau khi cưới được 2 tháng, bố chồng gọi Hoa ra nói chuyện và yêu cầu cô làm đủ thứ việc nhà có tên và không tên như lau nhà, quét sân, đến giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa...
Hoa cũng chỉ biết im lặng lắng nghe và chấp nhận vì cho rằng những công việc ấy là nghĩa vụ của con dâu. Trong thời gian bầu bí, dù mệt mỏi vô cùng nhưng cô vẫn cố gắng hoàn thành công việc "được giao" một cách đúng trình tự.
Khi không còn gì để nói thì bố chồng cô lại quay sang soi mói chuyện bếp núc của con dâu. Nào là bếp bẩn phải lau. Các vách tường trên bếp bị đen hay bát đĩa rửa xong phải để khô rồi mới cất. Nếu không làm theo đúng ý ông thì có khi nghe ông càm ràm cả ngày. Mỗi lần Hoa có việc phải đi đâu, bố chồng đều hỏi cô đi đâu, đi với ai, mấy giờ về...
Những việc ấy, Hoa cũng chả muốn để tâm vì cô biết phận làm dâu phải hiếu kính với bố mẹ chồng. Nhưng đến hôm kia, sức chịu đựng của Hoa đã đến giới hạn. Chị gái cô có mua cho cô con gà bảo nấu cháo tẩm bổ cho đứa con trong bụng. Bình thường cô cũng không ăn được nhiều nên ăn tối xong Hoa bảo chồng bỏ con gà vào nồi điện hầm để ăn đêm. Ai ngờ nồi cháo vừa sôi, bố chồng bảo cô nấu gì mà nấu cả ngày. Vì sáng hôm đó cô có mua ít xương nấu canh nên có ninh xương từ sáng. Ông bà nấu bằng bếp củi, cô nấu bằng bếp gas (vợ chồng cô đã ăn riêng). Ông bà sợ tốn gas nên bảo cho lên bếp củi nấu.
Lúc đầu thấy bố chồng nói thế Hoa cứ tưởng vì sợ tốn điện nên cô bảo tiền điện hàng tháng con trả mà. Nhưng cái bàn đặt nồi điện lại gần phòng ngủ của ông nên ông bảo nóng. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì Hoa bê cái nồi điện đi chỗ khác nấu. Nhưng ông lại bảo cô là ăn tối rồi ăn gì mà như trâu bò. Đến đây cô bực mình quá bảo vì con là bò nên ăn nhiều thế đấy. Cô đang có bầu mà ông lại nói thế. Cô bỏ vào phòng gọi chồng đang ở ngoài sân vào. Chồng Hoa là một người khá dễ tính và hiền lành. Anh đang bê cái nồi điện đi chỗ khác thì bố anh lại chửi tiếp câu “ăn như trâu bò” làm anh bực mình vứt luôn cả nồi cháo ra ngoài sân. Thế là ông chửi tiếp: “Mày cớ gì mà phá của tao. Cái bát ăn cơm bọn mày còn chưa có”. Vì đang ở chung nên vợ chồng Hoa cũng chưa mua sắm nhiều. Ông còn bảo nấu canh bọn mày còn dùng củi của tao để nấu. Đến cái ghế nhựa để ngồi ông còn bảo của tao bọn mày lấy ra để bạn bè nó đập vỡ à…
Vợ chồng cô trồng đám rau muống sau vườn cô bảo ông bà cắt mà ăn, ông bà bảo rau bọn mày mà. Thế nên ông trồng dưa chuột hay cà chua mà không cho Hoa cũng không dám ngắt vì sợ. Nói chung là ông bà phân biệt từng thứ cái gì của ông bà và cái gì của vợ chồng Hoa. Vì còn đang sống trong nhà của ông bà, dùng chung đồ của ông bà nên vợ chồng Hoa im lặng, không dám nói gì. Hoa chỉ biết tấm tức khóc vì tủi thân, một phần vì nghĩ cho mình, một phần vì thương đứa con trong bụng. Bầu bí lại hay nghĩ ngợi lung tung nên Hoa bị trầm cảm, stress nặng nề.
Vợ chồng cô có cửa hàng tạp hóa nhỏ trước nhà, bố chồng lại đưa bếp ra bảo vợ chồng cô ra đây mà nấu ăn chẳng khác nào đuổi vợ chồng cô ra khỏi nhà.
Có lần bố mẹ đẻ của Hoa sang thăm thông gia và con gái thì bố mẹ chồng cô nói sẽ cho vợ chồng cô đám đất sau vườn mà xây nhà ở riêng chứ ở nhà ông bà đến khi sinh nở, trẻ con ỉa đái suốt ngày mà nhà chồng cô thờ cúng là không được. Nghe bố chồng nói thế cô tức nghẹn họng. Nhà nào mà chẳng thờ cúng cơ chứ. Chả nhẽ nhà nào thờ cúng thì con dâu đẻ cũng phải dọn ra ngoài ở hết sao?
Nhưng nghe đến việc được xây nhà ở riêng Hoa cũng nguôi ngoai phần nào, mặc dù bây giờ chưa có tiền nhưng trước sau gì cũng phải xây. Ngặt nỗi năm nay tuổi chồng cô không hợp để xây nhà. Thế là hi vọng lại tan biến. Đến khi sinh con cô vẫn chưa thể ra ở riêng được.
Bây giờ cứ ai hỏi là cô lại tủi thân khóc. Cô bảo với mẹ hay cô xin về nhà mẹ ở đến khi nào có nhà riêng chứ cô sinh con mà bố mẹ chồng nói thế ở sao nổi. Mẹ Hoa lại bảo cô cố chịu đựng đến khi ở cữ thì về. Giờ cô là gái đã có chồng, sao có thể tùy ý về ở nhà bố mẹ đẻ được. Mẹ cô thương con gái nhưng cũng chẳng biết làm gì được.
Giờ cứ hễ tủi thân là Hoa lại có thể ngồi khóc ngon lành. Chông cô cũng động viên cô cố gắng thêm 1-2 năm nữa rồi sẽ xây nhà ra riêng. Nhưng sức chịu đựng của Hoa có hạn. Cô phải chịu đựng cho đến bao giờ chứ. Lắm lúc cô tự hỏi có phải mình quá ích kỉ không? Tâm trạng rối bời, cô mong ai đó có thể cho mình lời khuyên hữu ích vào lúc này.
Minh Dương