Hôm nay anh cày ruộng gần nhà bố, cho máy nghỉ giải lao, anh chạy như bay về nhà. Anh bảo “bố tắm rửa sạch sẽ thay bộ đồ nào mơi mới tý, rồi ra chỗ cây đa đầu làng đợi con, con dẫn bố đi ăn một bữa cho “hoành tráng” bố nhé”.

Anh N.B.C kết hôn với chị L.T. H đến nay ngót nghét cũng hơn mười năm, có với nhau 2 mặt con. Lúc mới lập gia đình kinh tế khó khăn, bố anh cho vợ chồng anh mấy công ruộng, làm xong ruộng của nhà, anh đi làm thuê làm mướn ai kêu gì làm nấy nuôi sống cả gia đình, chị vợ ở nhà nuôi con nhỏ, thong thả thì qua nhà hàng xóm “ngồi lê đôi mách” hoặc ra hàng quán vừa ăn hàng vừa “buôn dưa lê”.

Sau một thời gian dài thấy thằng con trai quá cực khổ, tình cờ đi ăn giỗ ở làng bên, bố anh thấy người bà con trong dòng họ có chiếc máy xới ruộng ăn nên làm ra, làm hoài không hết việc. Còn lại mấy công ruộng để dưỡng già, bố anh đem bán hết và mua cho vợ chồng anh một chiếc công nông loại nhỏ.

Suốt ngày anh cũng chiếc máy ở ngoài ruộng, hết ruộng cạn xuống ruộng sâu, đám này xong bắt qua đám khác, nhà này hết tới nhà nọ. Từ đó anh có việc làm ổn định quanh năm, cuộc sống cũng khấm khá hơn, cũng có của ăn của để, tiền bạc, tài sản trong gia đình chính một tay anh làm nên, anh chịu thương chịu khó, không kể trời mưa dầm hay nắng gió.

Nhưng thật bất công vì chưa bao giờ anh được nắm giữ số tiền thù lao do bố anh cung cấp phương tiện, và bao công sức anh miệt mài lao động mà có, anh chỉ là “Thằng đầy tớ không công” bổn phận của anh là chỉ việc lo cày xới và đưa danh sách cho vợ anh hôm nay xới ruộng ai, ở đâu? tên gì? bao nhiêu giờ bao nhiêu phút? để “quý phu nhân” của anh đến lấy tiền.

Vợ anh sợ anh có tiền sẽ dấm dúi cho ông bố chồng vì biết tính anh rất thương bố. Tất cả tài sản, tiền bạc đều do vợ anh quản lý. Chưa bao giờ cho anh một số tiền nhỏ để xài riêng tư, nhưng anh vẫn vui vẻ và chịu khó lo làm ăn nuôi vợ con.

Bà con trong xã thấy vợ anh quá đáo để, còn anh thì quá nhu nhược và hiền lành nên ai cũng thương, thỉnh thoảng có người ngoài tiền công trả cho vợ anh, cũng lén “boa” thêm cho anh “mươi ngàn” uống cà phê. Anh tủm tỉm cười cám ơn rồi nói “Mình sẽ dành dụm và cất kỹ số tiền này chừng nào được kha khá sẽ mời bố một chầu cà phê và dẫn bố đi ăn một bữa cơm thật ngon, xem như báo hiếu vì ông cụ năm nay đã ngoài 80, mà từ trước tới nay mình chưa bao giờ cho ông được một chén nước”.

Sau một thời gian anh cũng dành dụm được vài ba trăm ngàn, anh lấy chiếc khăn lau dầu mỡ bỏ tiền vào cuộn tròn rồi nhét số tiền đó vào dưới đáy thùng đựng đồ nghề sửa máy, lấy ổ khóa khóa lại chắc chắn, tâm đắc tự nhủ với lòng mình “giấu” ở đây thì chỉ có trời mới biết, chứ vợ thì đừng “hòng” biết.

{keywords}

Chỉ còn đồ nghề, mấy trăm bạc không cánh mà bay.

Hôm nay anh cày ruộng gần nhà bố, cho máy nghỉ giải lao, anh chạy như bay về nhà bố đang sống với đứa em gái trong căn nhà lụp xụp. Anh bảo “bố tắm rửa sạch sẽ thay bộ đồ nào mơi mới tý, rồi ra chỗ cây đa đầu làng đợi con, con dẫn bố đi ăn một bữa cho “hoành tráng” bố nhé”.

Nói xong anh chạy về cày tiếp cho xong đám ruộng đang cày dở. Xế trưa, anh xuống khe nước gần đó rửa ráy qua loa rồi lái máy đi ra đường làng đón bố. Hai bố con ngồi trên máy cày hí ha hí hửng đi đến quán ăn đầu làng. Lần đầu tiên anh được chở bố bằng máy cày, bố anh cũng lần đầu tiên trong đời được đi máy cày, ông cụ sung sướng cười rung rinh hàng râu bạc trắng với vẻ mặt mãn nguyện hạnh phúc.

Vào quán anh kêu 2 ly cà phê sữa đá, 2 tô phở đặc biệt, 2 đĩa bánh tráng miệng, anh vừa ăn vừa rưng rưng nước mắt khi nhìn ông cụ răng chỉ còn mấy cái “Trặm trệu trặm trạo” măn từng miếng thịt dính trong cục xương hầm nhừ. Ôi tội nghiệp làm sao và anh thấy thương bố quá, nhưng có lẽ con còn bi đát hơn cả bố nữa bố ơi, anh nghĩ thầm trong bụng.

Chỉ vì mụ vợ của anh quá hung dữ, độc ác, còn anh thì quá hiền lành nhu nhược lại sợ vợ như sợ “cọp”, anh cũng biết vợ anh ăn hiếp anh quá đáng nhưng không dám làm gì, lại thương mấy đứa con tội nghiệp sợ gia đình xào xáo chúng nó buồn, sợ hàng xóm láng giềng cười nhạo nên anh đành “chịu đấm ăn xôi”, không thôi cơm ngày 2 bữa cũng sẽ bị mụ vợ hiểm ác “cắt giảm ngân sách”.

Ăn xong chiếc bánh tráng miệng cuối cùng, anh chạy ra mở nắp “thùng” đựng đồ nghề trên máy cày lấy tiền thanh toán.Nhưng than ôi! nắp thùng đồ nghề vẫn khóa, mấy trăm ngàn cất “cu nu củm nủm” đã không cánh mà bay, chỉ còn trơ lại miếng giẻ lau đầy dầu mỡ mà anh dùng để gói gọn số tiền dành dụm. Anh mếu máo trở vào quán mặt đờ đẫn như người mất hồn, chợt nhớ ra hôm qua vợ anh giơ chiếc guốc bị đứt quai, hỏi anh cái kềm (kìm) ở đâu? và anh chỉ trong thùng đồ nghề ….

Bố anh từ lâu chẳng lạ lẫm gì tánh nết đứa con dâu. Ông dù rất thương thằng con vì chỉ có mình nó là con trai, lại là thằng cháu đích tôn của dòng họ, nhưng không bao giờ trách anh, chỉ thỉnh thoảng lại bàn thờ thắp cho mẹ anh nén nhang, rồi trách bà “sao bà lại đẻ ra thằng con vô dụng đến thế, không có một tý bản lĩnh của thằng đàn ông”.

Thấy anh mặt tái mét ông cụ cũng đoán biết ngay chuyện gì đã xảy ra, ông nhỏ nhẹ khẽ nói: “Thôi con ! Bố có đây”! Nói xong ông tuột chiếc quần dài xuống một đoạn, mằn mò vào chiếc túi quần xà lỏn, mở hết 3 chiếc kim cài lôi ra một “cái đãy” đựng tiền nho nhỏ bọc kỹ lưỡng, mấy tờ tiền cuộn tròn cột dây thun cẩn thận.

“Bố mới lãnh tiền trợ cấp người già, con cầm trả người ta đi”. Anh giơ tay cầm tiền của bố, lòng nặng trĩu như bị tảng đá đè. Anh mếu máo: “Con không đãi bố được một bữa ăn, thôi thì bố đãi con vậy bố nhé”!

(Theo Dân Việt)