Vay mượn tiền, đầu tư hết công sức nhưng ròng rã nhiều tháng, vợ chồng chị Nghi mang bao nhiêu bánh đến các cửa tiệm nhờ bán lại nhận từng ấy hàng về, cho không các gia đình nuôi gia súc. Trải qua bao khó khăn, sau 21 năm, cô dâu Việt đã rạng danh thành đạt ở xứ Đài với món bánh mochi và một gia đình hạnh phúc…

Tình yêu đẹp giữa cô gái Việt và chàng trai Đài Loan chân chất

Sinh ra trong gia đình đông anh em ở quận 5, TP.HCM, từ nhỏ chị Ôn Cẩm Nghi (SN 1971) thấu hiểu nỗi khó khăn, nhọc nhằn của ba mẹ khi gồng mình nuôi đàn con thơ. Năm 18 tuổi, chị xin gia đình vay một số tiền, làm thủ tục đi xuất khẩu Đài Loan (Trung Quốc).

{keywords}

Ngày đi làm công xưởng điện tử, tối chị tự học tiếng Đài qua sách Việt - Đài. Thời gian trôi nhanh, chị Nghi ở xứ người được 3 năm, đã tích lũy trả nợ và giúp gia đình có một khoản tiền kha khá trang trải cuộc sống ở quê nhà.

Thấy người con gái Việt đẹp người, chăm chỉ, anh Trần Thế Dương (SN 1969, người Đài Loan, làm đầu bếp ở một nhà hàng) đem lòng yêu mến. Anh thường mang những món ăn anh nấu để làm… quà cho chị. Tình yêu nảy nở giữa cô gái Việt và chàng trai Đài Loan. Một thời gian sau, anh cầu hôn và cả hai về Việt Nam làm đám cưới.

Văn hóa, cách sống khác nhau, anh lại sinh ra ở vùng cao nghèo khó, chị luôn phải cố gắng uốn mình “nhập gia tùy tục”. Chị cho rằng ở đâu cũng vậy, cứ thật thà, chịu thương chịu khó sẽ được chồng và gia đình chồng yêu quý, dù ở Việt Nam hay Đài Loan. Cuộc sống chung với nhà chồng vì thế khá phẳng lặng.

Vài năm sau, anh chị xin phép ra ở riêng. Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt cộng thêm con trai nhỏ mới chào đời đều trông cả vào tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng. Điều kiện sinh hoạt khó khăn khiến anh chị luôn nung nấu phải bứt phá làm giàu…

Một lần được người bạn mời sang Nhật chơi, anh chị thấy người dân xứ hoa anh đào làm món bánh mochi bán rất đắt hàng. Anh chị nảy ra ý định mang món này về Đài Loan và lân la hỏi cách làm bánh.

Triệu phú nhờ món bánh lạ

Về Đài Loan, hai vợ chồng tìm mua nguyên liệu và quyết tâm làm bánh bán. Ban đầu, hai vợ chồng không có tiền đầu tư máy móc, các công đoạn giã, nhào bột, đun đường, chế biến từng vị nhân, nặn bánh đều bằng tay. Anh chị thuê thêm 2 người làm.

Hàng trăm cái bánh được làm xong, hai vợ chồng đèo nhau đi các tiệm bánh, siêu thị chào hàng. Mọi người thấy loại bánh lạ không dám mua mà chỉ giao hẹn cho ký gửi. Thị thường khó tính, mang bao nhiêu bánh đi, anh chị lại nhận chừng ấy bánh về. Chỉ một vài hôm, bánh quá hạn sử dụng anh chị phải cho các gia đình nuôi gia súc. Vài tháng ròng rã, nhọc nhằn đầu tư cả tiền và công sức mà sản phẩm coi như bỏ đi, vợ chồng bao lần trào nước mắt.

Thua lỗ kéo dài, tiền vay mượn sắp cạn, nhiều người khuyên anh chị bỏ nghề, nhưng với bản tính phụ nữ Việt Nam chịu đựng gian khó, chị Nghi không nản và khuyên chồng cùng cố gắng. Chị nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Hai vợ chồng hạn chế chi tiêu, dồn tiền trả lương 2 người giúp việc cho mình. Ngày ngủ chỉ 2 tiếng đồng hồ, ăn uống ít, chị hao gần chục cân, chỉ còn 38kg.

Sau khi tham khảo ý kiến khách hàng, anh chị nhận ra khẩu vị người Đài khác người Nhật. Một thời gian dài kiên nhẫn, 6 tháng sau, món bánh của anh chị bắt đầu được một số cửa hàng, siêu thị đặt mua. Anh chị mừng rỡ, không ngại thức trắng đêm hoàn thành đơn đặt hàng.

Làm ăn bắt đầu có lãi, anh chị thuê thêm người, đầu tư máy móc. Để đa dạng thị trường, anh chị nghiên cứu sáng tạo ra nhiều loại bánh nhân mặn, ngọt khác nhau và thiết kế bao bì bắt mắt. Anh chị thuê mặt bằng rộng để sản xuất, bán hàng và trình diễn cách làm bánh để thu hút khách.

{keywords}

Chị Nghi với khách tới mua và xem trình diễn cách làm bánh.

Sau 21 năm chinh phục thị trường, đến nay thương hiệu bánh mochi của vợ chồng chị Nghi nổi tiếng khắp Đài Loan. Bánh của chị đạt rất nhiều giải thưởng lớn ở xứ Đài và châu Á.

Cơ ngơi của anh chị khiến nhiều người nể phục: 2 xưởng bánh với dây chuyền sản xuất hiện đại, hàng ngày xuất xưởng hơn 300 loại bánh khác nhau. Mỗi ngày, chị xuất khẩu 7 container bánh đi 40 nước trên thế giới. Tại Đài Loan, chị có chuỗi 30 cửa hàng. Chỉ tính riêng cửa hàng bán và trình diễn cách làm bánh của chị ở Đài Trung rộng 6.000m2 mỗi ngày thu hút 2000 lượt khách đến mua và tìm hiểu cách làm bánh. Từ vị trí là công nhân xứ người, chị trở thành một doanh nhân thành đạt.

Đi lên từ bàn tay trắng, chị rất thương những người nghèo khó. Chị tạo việc làm cho 380 lao động, trong đó có gần 100 người Việt Nam, chị coi họ như người trong nhà. Gia cảnh người nào khó khăn, chị đều tìm cách giúp đỡ. Tổ ấm nào chao đảo, chị lại lựa lời khuyên giải, nối lại tình cảm...

Dù bận rộn, chị Nghi vẫn dành thời gian chăm sóc gia đình. Chị tự tay nấu món ăn xứ Đài, món ăn Việt cho chồng con. Chị còn dành thời gian dạy tiếng Việt và kể cho con nghe những câu chuyện ở quê ngoại. Đối với chị, dù nghèo khó hay giàu có, gia đình luôn là điều quan trọng nhất…

Theo Pháp luật Online