Là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Tỉnh Bắc Giang hiện có trên 2.200 di tích, trong đó hơn 500 di tích được xếp hạng.

Trong đó, phải kể đến Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESSCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Di tích khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt; 16 xã của huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang  nhận bằng công nhận là ATK II .

Chưa kể, hàng năm tỉnh có có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức. Dân ca quan họ và ca trù được UNSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với các cụm di tích nổi tiếng, mới đây tỉnh Bắc Giang và Giáo hội Phật giáo VN đã khởi công Khu Văn hóa  tâm linh Tây Yên Tử (Sơn Động, Bắc Giang). Dự án có tổng diện tích 13,8 ha được chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1000m, kết nối với chùa Đồng, tượng phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.

{keywords}

Lễ khởi công Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử

 

Điểm nhấn của quần thể Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử nằm ở chùa Hạ với hệ thống 108 tháp treo 108 quả chuông đồng được bố trí hoàn toàn trong khuôn viên chùa. Tổng kinh phí dự kiến trên 305 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Hiện, dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều các di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là vào thời Lý - Trần trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng.

Qua khảo sát bước đầu đã thống kê trên 130 di tích lớn nhỏ nằm trong khu vực Tây Yên Tử; tỉnh Bắc Giang đã lập hồ sơ đề nghị và công nhận 26 điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Với hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo cho nơi đây tiềm năng, cùng với khu phía Đông dãy Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh) kết nối tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát huy giá trị các di sản văn hóa mà cha ông chúng ta đã để lại.

 Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông… Nhiều di tích đã bị tàn phế do thời gian và chiến tranh, nên tỉnh đã xác định việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa. Những năm qua, một số di tích như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ đã từng bước được quan tâm đầu tư, tôn tạo với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn xã hội hóa.

Với mục tiêu phát triển ngành du lịch, dịch vụ nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với chương trình giảm nghèo, tỉnh xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

“Tỉnh tập trung phát triển 2 loại hình du lịch, đó là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa tín ngưỡng. Với quan điểm phát triển du lịch một cách bền vững, hạn chế thấp nhất những tác động xấu của du lịch đến môi trường. Ngoài việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, chúng tôi tập trung phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm du lịch và nâng cao công tác tuyên truyền ý thức người dân trong công tác bảo vệ rừng, tiến hành các dự án lồng ghép nhằm nâng cao ý thức người dân tại các khu, điểm du lịch”, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Trước mắt,  dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ VHTT-DL, tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đã có cuộc làm việc bước đầu thống nhất chủ trương về lập hồ sơ trình UNESCO đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới. Đến nay, 2 tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ VHTT-DL trong lập hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử theo các tiêu chí đề cập tại hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972. Đồng thời phục dựng các di tích, công trình tín ngưỡng tại khu vực này tạo thành quần thể hoàn chỉnh, thống nhất, góp phần tạo động lực phát triển chung của vòng cung du lịch tâm linh Yên Tử.

PV